Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý rủi ro

Các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro (QLRR) ngày càng được chú trọng, từng bước phát triển có chiều sâu... là tiền đề để ngành Hải quan tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến vào quản lý rủi ro.

Hiệu suất soi chiếu tăng 68%

Những năm qua, áp dụng QLRR trong hoạt động nghiệp vụ hải quan đã có những bước phát triển nhanh chóng. Các biện pháp khuyến khích các DN chấp hành tốt pháp luật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các đối tượng trọng điểm, hàng hóa có độ rủi ro cao được áp dụng đã hài hòa giữa yêu cầu tạo thuận lợi cho hoạt động XNK và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy việc thông quan nhanh hàng hóa, giảm thiểu các chi phí phát sinh cho cơ quan Hải quan và DN. Các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ QLRR ngày càng được chú trọng, từng bước phát triển có chiều sâu, được triển khai đồng bộ, thống nhất, đảm bảo vai trò xử lý phân luồng thông suốt 24/7, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho việc tự động hóa, điện tử hóa thủ tục hải quan.

Trong công tác soi chiếu hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan chỉ đạo bám sát tình hình soi chiếu tại các địa bàn, chủ động trao đổi, phối hợp với các cục hải quan địa phương có máy soi để hướng dẫn, xử lý kịp thời các nội dung vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn, soi chiếu tại địa bàn. Mặt khác, phối hợp với các chi cục hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan tại các địa phương điều phối hàng hóa soi chiếu, tạo thuận lợi tối đa cho DN có thể thực hiện soi chiếu qua máy soi đặt tại địa bàn cảng biển hoặc đặt tại địa điểm kiểm tra ngoài cửa khẩu, phù hợp với tuyến vận chuyển và theo đề nghị của DN. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để cảnh báo rủi ro, đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm.

Máy soi container di động thực hiện hoạt động soi chiếu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình

Máy soi container di động thực hiện hoạt động soi chiếu tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Thái Bình

Qua công tác soi chiếu trong tháng 10/2022 cho thấy, các máy soi về cơ bản đảm bảo hiệu suất, hiệu quả soi chiếu, với tổng số lượng container soi chiếu toàn Ngành đạt 11.783 container (tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021), container nghi vấn đạt 769 container (chiếm 6,53%/tổng container soi, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ), container vi phạm đạt 69 container (đạt 9%/tổng container nghi vấn, tăng 19% so với cùng kỳ 2021), tỷ lệ phát hiện vi phạm đạt 0,6%/tổng container soi chiếu. Các hành vi vi phạm phát hiện chủ yếu là khai sai số lượng hàng quá cảnh, khai sai số lượng, chủng loại, nhập hàng hóa không khai báo, hàng cấm…

Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác phân luồng

Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 đã đặt ra các nhóm giải pháp như thể chế, thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan, QLRR, kiểm tra sau thông quan... Trong đó, đối với công tác QLRR cần tiếp tục triển khai đồng bộ và đầy đủ việc áp dụng QLRR trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan, trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động QLRR trong chuyển đổi số hải quan, thực hiện hải quan số, hướng tới hải quan thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (tích hợp dữ liệu lớn, AI, phân tích thông minh) nhằm nâng cao nghiệp vụ QLRR trong các lĩnh vực áp dụng trong quyết định soi chiếu đối với hàng hóa XNK; phân luồng kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; áp dụng trong quyết định phương thức giám sát, kiểm tra trong quá trình giám sát hải quan đối với hàng hóa; hỗ trợ cảnh báo rủi ro trong quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; áp dụng trong quản lý đối với DN kinh doanh hàng miễn thuế; áp dụng trong quản lý đối với các mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ cao về gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu hướng đến Hải quan xanh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá tuân thủ, phân loại mức độ rủi ro đối với người khai hải quan, DN kinh doanh kho, bãi, cảng; áp dụng trong quản lý đối với các hoạt động nghiệp vụ khác (phân loại hồ sơ hoàn thuế, áp dụng trong kiểm tra sau thông quan, lấy mẫu phân tích phân loại, kiểm định…).

Hiện Tổng cục Hải quan đã phân công nhiệm vụ cho Cục QLRR chủ trì phối hợp với các đơn vị trong Ngành triển khai giải pháp về ứng dụng khoa học tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tích hợp dữ liệu lớn, phân tích thông minh nhằm nâng cao nghiệp vụ áp dụng QLRR trong quyết định soi chiếu đối với hàng hóa XNK. Theo đó, năm 2022 và năm 2023, tiếp tục phối hợp xây dựng bài toán CNTT tự động hỗ trợ phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm để quyết định soi chiều hàng hóa đáp ứng hải quan số. Đồng thời, từ năm 2022 đến năm 2025, phối hợp xây dựng các chức năng của hệ thống CNTT đáp ứng số hóa thông tin, kết nối thông tin dữ liệu, tự động hỗ trợ phân tích xác định trọng điểm, lựa chọn soi chiếu…

Bên cạnh đó, đối với ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phân luồng, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục QLRR chủ trì phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ phân luồng kiểm tra theo từng năm. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng thực hiện áp dụng QLRR để hoàn thiện kỹ thuật đánh giá rủi ro, áp dụng tiêu chí theo hướng tập trung kiểm soát các rủi ro cao trong lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.

Nguyễn Cúc

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ung-dung-cong-nghe-tien-tien-trong-quan-ly-rui-ro-219114.html