Yêu cầu Bình Thuận chấn chỉnh công tác phòng chống tham nhũng

Nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 2-4 cho biết Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; đồng thời xử lý các sai phạm đã xảy ra, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-7.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố vào đầu tháng 4-2017, tỉnh Bình Thuận còn nhiều hạn chế, sai sót trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng (giai đoạn từ ngày 1-1-2014 đến tháng 6-2016). Trách nhiệm này thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và chủ tịch các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các ban, ngành.

Theo đó, tỉnh Bình Thuận thường xuyên ban hành các quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ nhưng thực ra đây là những khiếu nại, tố cáo không được giải quyết, không phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, qua kiểm tra 129 hồ sơ khiếu nại, tranh chấp, tố cáo tại 16 đơn vị thì có đến 15,5% không có quyết định thụ lý, 42,6% không có kế hoạch thực hiện, 35% không có thông báo thụ lý. Các hồ sơ sai luật này xảy ra tại một số địa phương như TP Phan Thiết, các huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh...

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết 34,5% vụ việc khiếu nại ở Bình Thuận không được đối thoại trực tiếp, 29% đơn tố cáo không có văn bản giải trình của người bị tố cáo, trên 24% số đơn tố cáo được thụ lý nhưng không có kết luận về các nội dung tố cáo.

Đáng lưu ý, trong công tác giải quyết khiếu nại của công dân, nhiều trường hợp UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định giải quyết lần 1 nhưng sau đó xác minh lại vụ việc thì phát hiện việc ban hành quyết định không đúng. Thay vì phải ban hành quyết định lần 2 để sửa sai, UBND tỉnh Bình Thuận lại ra quyết định “tạm đình chỉ” và chỉ đạo cấp huyện giải quyết lại vụ việc.

Đối với việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện nhiều sai phạm ở Bình Thuận. Nhiều đơn vị trực thuộc UBND tỉnh không xây dựng kế hoạch luân chuyển vị trí công tác cán bộ, công chức; nếu có thì sau khi thực hiện đã không báo cáo. Thậm chí, không ít đơn vị chuyển đổi vị trí công tác không đúng đối tượng; không đúng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm…

Các sai phạm nêu trên của Bình Thuận xảy ra trong thời gian ông Lê Tiến Phương đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh.

Lê Trường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/yeu-cau-binh-thuan-chan-chinh-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-20170402224250388.htm