Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!

Luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB ở TP HCM đang hàng ngày dạy dỗ con cháu, vận động người cùng học tập và làm theo lời Bác.

Mang trong mình biểu tượng cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay, mỗi cựu chiến binh đều rất đỗi tự hào. Vinh dự, tự hào nhưng họ không quên trách nhiệm, nhiều cựu chiến binh vẫn nhắc nhở nhau giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và dạy dỗ con cháu, vận động người dân xung quanh cùng học tập và làm theo lời Bác.

Thiếu tướng Cao Long Hỷ: Học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ là tâm niệm suốt đời của người lính già sắp bước sang tuổi 90. Trong ảnh là Thiếu tướng Cao Long Hỷ hạnh phúc bên người bạn đời của ông.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thép Củ Chi giàu truyền thống cách mạng, Thiếu tướng Cao Long Hỷ, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Bộ Quốc phòng luôn kế thừa truyền thống của gia đình và quê hương.

Năm 1946, khi mới 14 tuổi ông tình nguyện gia nhập đội thiếu sinh quân lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tấm ảnh Bác Hồ với thiếu nhi mà ông được trao tặng cách đây hơn 70 năm là kỷ vật thiêng liêng nhất đã theo ông suốt cuộc đời binh nghiệp. Hình ảnh Bác luôn theo ông, động viên nhắc nhở ông trên mỗi bước đường chiến đấu và trưởng thành. Học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ là tâm niệm suốt đời của người lính già sắp bước sang tuổi 90.

Theo Thiếu tướng Cao Long Hỷ, để thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, cần nhất sự nêu gương của người đứng đầu, của mỗi cán bộ, đảng viên, của người lớn tuổi. Ngày xưa, thế hệ cha anh chúng ta đã đi theo Bác Hồ và làm nên nhiều chiến công vang dội…Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, cả dân tộc cần đồng tâm đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã chọn.

"Tôi trước sau như một đi theo con đường mà Bác Hồ đã đi. Bác Hồ là thiêng liêng, Bác Hồ là cao quý nhất. Đi theo con đường mà nhân dân Việt Nam đã đi. Tôi quyết đi trọn cả cuộc đời. Và không chỉ đi một mình mình mà cả con cháu của mình cùng đi theo Bác Hồ, học tập Bác Hồ", Thiếu tướng Cao Long Hỷ nói.

Còn với Đại tá Nguyễn Văn Lâm, nguyên nghiên cứu viên Cục Nghiên cứu, Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng, người có vinh dự được gặp và bảo vệ Bác Hồ. Ông Lâm luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” trong suốt những năm chiến đấu trên bàn ngoại giao tại Trại Đa-vít, Sài Gòn.

Ông kể, thấy ông là người miền Bắc nên Đại tá Mỹ Flex định giở trò tâm lý chiến chiêu hồi, hòng lung lạc một sỹ quan tham gia Hội nghị Bốn bên khi ấy. Ghi nhớ tư tưởng “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của Bác, ông cùng phái đoàn quân sự của ta đã không nhượng bộ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.

Gần Bác, học Bác, ông Lâm quả quyết, Bác là người thân thương nhất, sâu sát với cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ ta. Mấy chục năm mang trên mình màu áo xanh bộ đội, nhập ngũ thời chống Pháp, tham gia chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp giải phóng nước bạn Campuchia, vị Đại tá năm nay bước vào tuổi 83 ấy luôn tâm niệm phải học tập và làm theo những phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.

"Học tập Bác thì mình phải lấy những điều cơ bản đó là: Cần kiệm, Liêm chính, Chí công, Vô tư - lấy cái đó làm mẫu mực của mình để mà phấn đấu. Nếu không thì khó có thể trở thành những cán bộ liêm khiết của Đảng", Đại tá Nguyễn Văn Lâm bộc bạch.

Thượng tá Nguyễn Linh Năng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đa Kao, Quận 1: Giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không để những tác động tiêu cực của cuộc sống gây nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ của mình.

Cũng như Thiếu tướng Cao Long Hỷ và Đại tá Nguyễn Văn Lâm, trở về với cuộc sống đời thường, Thượng sỹ Phạm Văn Hễ vẫn không quên lời bài hát Vì nhân dân quên mình mà ông và đồng đội hát hằng ngày trong thời gian còn tại ngũ, đó là: “Thề noi gương Bác Hồ, thề vì dân hy sinh”. Ông Hễ khẳng định, người lính trong đời thường vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những câu đã thề, đã hát như vậy.

Theo cựu chiến binh Phạm Văn Hễ, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị là phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện suốt cả cuộc đời, không phải ngày một, ngày hai mà là hằng ngày, phải thường xuyên và liên tục. Ông Hễ ấn tượng nhất, thích nhất là phong cách gần dân, cụ thể, giải dị của Bác Hồ.

Thượng sỹ Phạm Văn Hễ hát bài Vì nhân dân quên mình.

"Học phong cách của Bác Hồ thì trước hết đó là phải gần dân, sát với thực tế. Từ thực tiễn mà xây dựng chương trình hành động và từng hành động cụ thể. Thứ nữa là cái gì thì cũng nên đơn giản nó đi và vì dân, đừng có tư lợi, đừng có cá nhân thì chắc chắn là mọi việc sẽ được. Phải tiếp tục làm sao để mà thực hiện đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: dân giàu và nước mạnh", cựu chiến binh Phạm Văn Hễ nói.

Thượng tá Nguyễn Linh Năng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đa Kao, Quận 1 cho biết, trong các buổi sinh hoạt hội, anh em cựu chiến binh đều nhắc nhở nhau giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không để những tác động tiêu cực của cuộc sống gây nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ của mình.

"Chúng ta đã thấy một số cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cho nên việc học tập, xây dựng chỉnh đốn Đảng càng quan trọng hơn. Chúng ta cần nắm vững nghị quyết một cách chắc chắn cũng như quán triệt học tập một cách thấu đáo tư tưởng, đạo đức, cũng như phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để rèn luyện con người chúng ta, để làm sao chúng ta luôn vững vàng".

Đi theo Bác, chiến đấu vì lý tưởng giải phóng dân tộc, mỗi cựu chiến binh đều dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho Bác Hồ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức hội cũng như từng cựu chiến binh còn góp phần thực hiện phương châm: “Gương mẫu - Trung thành - Đoàn kết - Đổi mới” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam./.

Huy Sơn/VOV-TP Hồ Chí Minh

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/yeu-bac-long-ta-trong-sang-hon-603783.vov