Netflix bị kiện bồi thường 5 triệu USD

Lời thoại trong TV series 'The Queen's Gambit' đã khiến nền tảng trực tuyến Netflix bị kỳ thủ cờ vua Nona Gaprindashvili đâm đơn kiện.

Tháng 9/2021, Nona Gaprindashvili - nữ kỳ thủ nổi danh tại Liên bang Xô Viết thập niên 1960 - đâm đơn kiện Netflix vì cho rằng nền tảng trực tuyến đã bôi nhọ hình ảnh mình trong bộ phim The Queen’s Gambit.

Gaprindashvili yêu cầu khoản bồi thường trị giá 5 triệu USD và 75.000 USD nữa cho các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng từ sự việc. Variety đưa tin hôm 27/1, tòa án liên bang Mỹ đã từ chối yêu cầu bác đơn kiện này từ Netflix.

Lời thoại trong TV series “The Queen’s Gambit” đã khiến nền tảng trực tuyến Netflix bị kỳ thủ cờ vua Nona Gaprindashvili đâm đơn kiện.

Đơn kiện của Gaprindashvili đề cập một lời thoại sai sự thật trong The Queen’s Gambit khẳng định bà “chưa từng thi đấu với một kỳ thủ nam nào”.

Bà đặt vấn đề lời thoại này phản ánh “sự phân biệt giới tính một cách thô thiển và coi thường phụ nữ”, đồng thời chỉ ra tính đến năm 1968, thời điểm được chọn làm bối cảnh phim, mình từng thi đấu với 59 tuyển thủ là nam giới.

Netflix đã đệ trình yêu cầu bác bỏ vụ kiện lên Tòa án với lý do tác phẩm của họ chỉ là hư cấu và Tu chính án 1 của Hiến pháp Mỹ cho phép các nhà sáng tạo chương trình truyền hình quyền sáng tạo dựa trên các sự kiện có thật.

Nhưng Thẩm phán Virginia A. Phillips không đồng tình với cách lý giải này và nhận định Nona Gaprindashvili lên tiếng vì cảm thấy bản thân bị phỉ báng là hợp lý.

Theo quan điểm của bà Phillips, nếu một sản phẩm hư cấu gây tổn hại danh dự cho nhân vật có thật, nó cũng sẽ bị xét xử vì tội phỉ báng.

“Netflix không dẫn chứng, và tòa án cũng không ghi nhận bất kỳ tác phẩm hư cấu nào được đặc cách khỏi tội phỉ báng khi mô tả chân dung các cá nhân có thật. Việc bộ phim là tác phẩm hư cấu không miễn trừ Netflix khỏi trách nhiệm pháp lý đối với tội phỉ báng nếu các bằng chứng chứng minh tội danh này được thu thập đầy đủ”, thẩm phán Virginia A. Phillips nói.

The Queen’s Gambit được xây dựng dựa trên nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1983 của tác giả Walter Tevis. Nhân vật chính trong phim là Beth Harmon (Anya Taylor-Joy), một thiếu nữ Mỹ đã vươn lên ngôi vô địch cờ vua quốc tế trong thập niên 1960.

Trong tập cuối lấy bối cảnh Moscow, Nga, Harmon đã đánh bại một đối thủ là nam giới. Chiến thắng của cô được một nhân vật trong phim mô tả là: “Elizabeth Harmon không phải kỳ thủ sáng giá theo đúng các tiêu chuẩn.

Điều khác thường duy nhất về cô chính là giới tính. Nhưng ngay cả điều này cũng chẳng còn khác thường tại Nga. Chúng ta có Nona Gaprindashvili, nhưng cô lại là nhà vô địch cờ vua dành cho nữ và chưa từng đối đầu một kỳ thủ nam”.

Đại diện Netflix từng chia sẻ họ viết lời thoại này dựa trên các thông tin được hai chuyên gia về cờ vua cung cấp. Ê-kíp sáng tạo cho TV series không hề có ý thất thố với Gaprindashvili.

“Chi tiết đề cập đến Nguyên đơn trong bộ phim The Queen’s Gambit được xây dựng nhằm mục đích tôn vinh, chứ không phải chê bai bà ấy”, luật sư của Netflix trình bày.

Thẩm phán nhận xét Netflix đã tôn vinh chiến thắng của một nhân vật hư cấu bằng cách coi nhẹ chiến thắng của Gaprindashvili trong đời thực. Ảnh: Netflix.

Trong phán quyết, thẩm phán Phillips cũng đề cập việc chủ đề chính của phim là phá bỏ các rào cản giới tính. Nhưng TV series đã bồi đắp cho chiến thắng của nhân vật giả tưởng Harmon trên màn ảnh bằng cách coi thường thành tựu Gaprindashvili đạt được trong đời thực.

“Khán giả đại chúng dễ dàng hiểu lời thoại được nhắc đến trong đơn kiện - như lo ngại của nguyên đơn - là ‘xem thường các thành tựu của nguyên đơn’ cũng như phá bỏ tư tưởng ‘phụ nữ thấp kém’ là chiến thắng của nhân vật giả tưởng Harmon thay vì nguyên đơn trong đời thực. Sau cùng, câu thoại này thể hiện sự thiếu tôn trọng những thành tựu mà nguyên đơn đã đạt được, gây tổn hại đến danh tiếng của bà”, nữ thẩm phán viết.

Phía Netflix đã dẫn vụ diễn viên Olivia de Havilland kiện FX Networks làm án lệ. Nữ diễn viên kiện FX vì cách kênh truyền hình đã mô tả mình trong series Feud của Ryan Murphy với những lời thoại hư cấu mà bản thân chưa từng nói ra.

Tòa phúc thẩm đã bác bỏ đơn kiện của de Havilland với lý do nghệ sĩ có những quyền tự do sáng tạo nhất định khi mô tả các nhân vật có thật. Thời điểm đó, quyết định này được cộng đồng giải trí tung hô.

Phiên phúc thẩm kết luận các cảnh này có thể hiểu là kịch bản phim chứ không phải chép nguyên văn phát ngôn trong đời thực. Thẩm phán Phillips chỉ ra tính chất hai vụ việc không tương đồng.

Trong trường hợp The Queen’s Gambit, người xem có thể ghi nhớ ấn tượng sai lầm là Nona Gaprindashvili chưa từng thi đấu với kỳ thủ nam.

Netflix cũng trình bày việc The Queen’s Gambit có dòng cảnh báo đầu phim “Mọi tình tiết và nhân vật được đề cập trong phim đều là hư cấu. Chúng tôi không có ý định mô tả về con người hoặc sự kiện có thật”. Nhưng Thẩm phán nhận định thông báo này vẫn chưa đủ rõ ràng để phân biệt ranh giới giữa đời thực và hư cấu trong nội dung tác phẩm.

Xuân Lan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/netflix-bi-kien-boi-thuong-5-trieu-usd-202982.html