Yên Bái: 'Máu rừng' vẫn chảy

Trong màn trời đen đặc, những ánh đèn xe loang loáng thành từng vệt dài chảy loang lổ xuống cung đường cong queo khúc khuỷu. Khi từ xa vọng lại là những tiếng máy nổ râm ran, thì chỉ một lúc sau, từng đoàn xe máy như chui lên từ mặt đất sẽ rầm rập đổ xuống từ đỉnh đèo, mang theo những phách gỗ pơ-mu nặng trĩu…

Một cảnh chở gỗ của cánh "phu phen" trên con đường độc đạo từ Bản Mù về thị trấn Trạm Tấu

Những điều mắt thấy tai nghe

Từ thị trấn Trạm Tấu muốn lên Bản Mù (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) chỉ duy nhất có con đường ấy. Con đường dài khoảng hơn 10km, vừa nhỏ hẹp lại vừa dốc núi quanh co. Giữa giá buốt tháng 10, Tuệ “gà” rồ ga đưa tôi ngược dốc lên Bản Mù. Sương phủ dày khiến đêm đen càng như bết lại. Lúc ấy, đồng hồ điểm 20h.

Không khó để bắt gặp những gì cần thấy. Chỉ sau chưa đầy 10 phút, chúng tôi giáp mặt đoàn xe chở gỗ đầu tiên gồm 5 chiếc chạy ngược chiều về phía thị trấn. Ánh đèn rọi sáng cả một vùng. Trên mỗi xe, là cồng kềnh những phách gỗ thơm ngào ngạt nặng hàng tạ, cao quá vai, còn bề ngang có cả những phách dài hơn 2m. Tuệ - với hiểu biết của một con dân địa phương, khẳng định với tôi rằng đó toàn là gỗ pơ-mu quý hiếm, đang được cánh "phu phen" chở về điểm tập kết dưới thị trấn.

Mỗi khi đêm buông xuống, ở Trạm Tấu lại xuất hiện hàng chục đến hàng trăm chuyến xe như thế này (nh cắt từ clip)

Chọn một khúc cua giữa lưng chừng dốc để thuận tiện cho việc quan sát, Tuệ “gà” dừng xe rồi chỉ tay về phía những đỉnh núi lô nhô mờ ảo, giải thích: khi nào xuất hiện ánh đèn xe loang loáng theo nhóm từ 3 chiếc trở lên, thì đích thị là “bọn chúng”. Lắng tai nghe cũng có thể đoán biết được phần nào, vì xe chở gỗ rất nặng nên tiếng máy gầm gào rất to, vang xa.

Chỉ sau chưa đầy 1 giờ đồng hồ quan sát theo kinh nghiệm của người thanh niên bản xứ, chính tôi đã mắt thấy tai nghe hàng chục chuyến xe chở gỗ rồng rắn chạy về phía thị trấn, chủ yếu là loại xe Minsk (Min-khờ) hoặc Win của Trung Quốc, đi theo tốp từ 3 đến 5 xe.

Điều đặc biệt, hầu hết tài xế đều có kỹ năng chạy xe vô cùng điêu luyện. Mặc dù đổ đèo với tốc độ như đạn bắn, nhưng chỉ cần thấy ánh đèn chớp chớp của xe đối diện, những xe này lập tức táp sát vào lề phải để tránh nhưng cũng không cần giảm tốc.

“Đấy là gỗ lậu. Việc này đã tồn tại từ rất lâu nhưng vì sợ nên người dân chẳng ai dám lên tiếng. Thông thường đội ngũ xe máy sẽ chạy trong khoảng từ 19h tối đến quá nửa đêm. Sau khi về đến thị trấn, gỗ lẻ sẽ được gom lại cho các đầu nậu bốc lên ô tô rồi cũng trong đêm chạy khoảng 30km thẳng về thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái)”, Tuệ khẳng định.

Hành trình theo xe gỗ

Trung tâm Bản Mù nằm trên đỉnh dốc về đêm tương đối nhộn nhịp. Trên một trục đường ngắn ngủi non cây số, xe gỗ ngược xuôi, tiếng í ới, tiếng máy nổ phát phành phạch ra từ tứ phía. Cả bản dìu dịu một mùi gỗ thơm rất đặc trưng. Gỗ pơ-mu.

Đặc biệt, ở phía cuối đường còn có một hộ gia đình có cây xăng bơm tay. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, rất nhiều xe máy đã buộc sẵn gỗ đang tập kết để chuẩn bị xuống núi. Tuệ ghé tai tôi nói: “Trên này xứ lạnh nên toàn pơ-mu. Thi thoảng lắm thì có thêm gù hương, mùi cũng rất thơm”.

Gỗ đang được bốc lên xe máy để chuẩn bị xuôi về thị trấn Trạm Tấu (Ảnh cắt từ clip)

Rồi chúng tôi quyết định bám theo một "phu"chở gỗ. Từ Bản Mù, chiếc xe vút về đến đầu thị trấn Trạm Tấu thì bất ngờ tấp vào một căn nhà nằm bên sườn dốc sát ven đường. Sau khi vào được gọn gàng bên trong, cánh cổng tôn lập tức được hạ xuống kín mít.

Đi dọc theo trục đường, Tuệ “gà” lần lượt chỉ cho tôi thấy dấu hiệu khác biệt giữa các ngôi nhà. Theo đó, với thói quen của người Trạm Tấu, họ hiếm khi làm nhà có cửa tôn phía trước. Do vậy, Tuệ khẳng định những ngôi nhà với kiến trúc như vậy ít nhiều liên quan đến tình trạng gỗ lậu đang diễn ra nhức nhối trên địa bàn.

Cũng theo lời cậu bạn cũ, ở thời điểm hiện tại, mỗi đêm sẽ có từ 4 đến 5 chuyến xe ô tô chở pơ-mu từ Trạm Tấu về thị xã Nghĩa Lộ. Loại xe được cánh buôn gỗ ưa sử dụng là xe khách loại nhỏ, cũ kĩ, tháo toàn bộ ghế sau rồi xếp gỗ nằm ép trên khoang. Do hoạt động thường xuyên và có thâm niên, nên những chiếc xe này thậm chí còn bị người dân nhớ hết các đặc điểm và cả biển số.

Một chiếc xe chở gỗ đã quá thân thuộc với người dân Trạm Tấu đang trên hành trình xuôi về Nghĩa Lộ (Ảnh cắt từ clip)

Trong lúc mai phục một cảnh bốc gỗ lên ô tô thì bất ngờ một chiếc xe khách màu bạc đeo BKS 19L-xx33 chở đầy gỗ bỗng chạy vụt qua chúng tôi. Thay vì đi đường qua trung tâm thị trấn, chiếc xe men theo đường tránh rồi phăm phăm lao trên con đường độc đạo về phía Nghĩa Lộ.

Tuệ rồ ga đuổi theo, vừa đi vừa cố gắng giải thích cho tôi thấy các đặc điểm để nhận dạng đó đích thị là một xe chở gỗ rồi cho biết, trên con đường còn 1 chốt chặn cuối cùng, là trạm kiểm lâm ở km14. Thế nhưng không ngoài dự đoán, chiếc xe đã dễ dàng đi qua trạm kiểm lâm này mà không gặp bất cứ sự ngăn trở nào...

Hôm đó, hôm sau và nhiều hôm sau nữa ở Trạm Tấu, sau nhiều nỗ lực thu thập, chúng tôi đã có đủ bằng chứng để cho thấy ở thời điểm hiện tại, gỗ pơ-mu vẫn ùn ùn qua các trạm kiểm soát chảy về Nghĩa Lộ mỗi đêm mà dường như không gặp bất cứ khó khăn nào.

Nhằm đi tới tận cùng sự phi lý này, tôi quyết định tiến sâu hơn nữa về phía rừng, đến tận bản Tà Gênh (cách Bản Mù khoảng 20 km đường rừng) để gặp gỡ, chứng kiến và lắng nghe chuyện của những người liên quan. Người dân nơi đây nói với tôi, ở Tà Gênh mua gỗ dễ như mua rau, bao nhiêu cũng có.

Và cũng chính trong cuộc hành trình đầy cam go này, tôi đã nhận ra một đường dây gỗ lậu được điều hành cực kì tinh quái. Rất đặc biệt, nó không giống với bất cứ một phương pháp nào mà tôi đã từng nghe tới trước đây...

(Còn tiếp)

Nhóm PV Thời sự

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/yen-bai-mau-rung-van-chay-604566.bld