Yemen chìm trong bất ổn

(PL&XH) - Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh và lực lượng chính trị đối lập đạt được thỏa thuận chuyển giao quyền lực với sự trung gian hòa giải của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Mặc dù vậy, trong suốt thời gian đó, người dân Yemen vẫn chưa thấy có sự thay đổi đáng kể nào, chính trường và quốc gia châu Phi này vẫn đang chìm trong làn sóng bất ổn.

Biểu tình liên tiếp

Một năm sau các cuộc biểu tình đường phố buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh phải từ chức theo sáng kiến của GCC, người dân Yemen lại tiếp tục xuống đường biểu tình. Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống lại cựu Tổng thống Saleh, kêu gọi loại bỏ những người ủng hộ hay có quan hệ gần gũi với ông Saleh khỏi lực lượng an ninh và quân đội nước này, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm Abd Rabbuh Mansur Hadi.

Trong thời gian qua, người dân Yemen đã nhiều lần xuống đường biểu tình vì đã hơn một năm sau sự ra đi của Tổng thống Saleh nhưng họ nhận thấy mình vẫn đang ở trong giai đoạn bắt đầu của một chặng đường khó khăn. Suốt khoảng thời gian đó, lực lượng an ninh và chính trị Yemen vẫn không được cơ cấu lại, ông Saleh không hoàn toàn bị lật đổ, đối thoại dân tộc cũng không được tổ chức để đưa đất nước vượt qua nhiều sự kiện khủng hoảng mà giờ đây người dân Yemen đang phải đối mặt và những cam kết được đưa ra bởi cái gọi là “những người bạn của Yemen” cũng không được thực hiện để tháo gỡ nút thắt về vấn đề kinh tế và đời sống khó khăn của đất nước này.

Một trong những điều kiện chính trong sáng kiến của GCC đối với cựu Tổng thống Saleh như phe đối lập và những người biểu tình đã yêu cầu thực hiện là dấu lệch tổ lực lượng an ninh và quân đội. Tái cơ cấu không chỉ khôi phục sự thống nhất cho lực lượng vũ trang của Yemen, từ kết quả của biến động chính trị năm 2011, mà còn chấm dứt ảnh hưởng và kiểm soát các thế lực thân cận của cựu Tổng thống Saleh, vốn đang thống trị lực lượng an ninh và quân đội. Người biểu tình Yemen cho rằng cựu Tổng thống Saleh không có khả năng thực hiện đầy đủ những lời hứa hẹn và không thể tha thứ cho ông ta về điều này. Cựu Tổng thống Saleh bị xem là luôn thất hứa một cách dễ dàng, trong mọi bối cảnh và vô căn cứ. Ba mươi năm cai trị Yemen, ông Saleh đã phản bội một chính đảng lớn nhằm thống nhất Yemen sau cuộc chiến tranh 1994, để hợp tác với các đảng phái và lực lượng chính trị đối lập, ủng hộ những quan điểm chống đối. Người biểu tình Yemen cũng sẽ không bao giờ quên việc ông Saleh chỉ chấp nhận sáng kiến của GCC sau khi dư luận trong nước và quốc tế đều nhất trí về sự ra đi của ông.

Mặc dù, nhiều nghị định cải tổ lực lượng an ninh, quân đội đã được ban hành nhưng trên thực tế đã thất bại trong quá trình thực hiện do sự phản đối công khai của những lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh. Đối với việc tổ chức Hội nghị Đối thoại dân tộc, yếu tố cản trở chính đầu tiên là sự bất đồng trong việc phân chia số ghế giữa các đảng phái. Sự bất đồng này cuối cùng cũng được giải quyết thông qua trung gian hòa giải của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen, ông Jamal bin Omar, mà sau đó hầu hết các đảng phái, trừ đảng của cựu Tổng thống Saleh, đã đồng ý về thỏa thuận phân chia quyền lực. Trong khi đó, lực lượng ly khai miền Nam Yemen và lực lượng phiến quân al-Houthi ở miền Bắc nước này vẫn giữ thái độ im lặng chờ đợi những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Theo diễn biến tình hình hiện nay, việc tái cơ cấu chính trị nên là ưu tiên hàng đầu để mở đường cho đối thoại về trật tự tương lai của đất nước, cho phép tất cả các đảng phái liên quan đưa ra quan điểm của mình và đóng vai trò nhất định trong xây dựng tương lai chính trị của Yemen.

Làn sóng biểu tình vẫn diễn ra rầm rộ tại Yemen

Cựu Tổng thống Saleh tìm cách trở lại?

Nhiều người đến giờ vẫn tin rằng cựu Tổng thống Saleh đang thực hiện kế hoạch trở lại nắm quyền thông qua những đồng minh thân cận và những người ủng hộ ông hiện giờ đang nắm quyền ảnh hưởng lớn trong lực lượng quân đội và lực lượng an ninh. Ngay cả các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Hadi cũng cho rằng ông Saleh đang nỗ lực dọn đường cho sự trở lại nắm quyền của mình.

Quan điểm này cũng là kết quả của hơn một năm chống đối của ông ta. Những người ủng hộ và đồng minh thân cận của ông Saleh phản kháng việc cơ cấu lại lực lượng an ninh, quân đội và tìm cách phá rối quá trình chuyển tiếp của Yemen. Tổng thống Hadi đã không đủ khả năng để hoàn thành sứ mệnh của mình một cách thỏa đáng trong vòng hơn một năm qua do sự chống đối kiên quyết của những lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh. Có lẽ điều quan trọng đã khiến Tổng thống Hadi thất bại chính là sự cơ cấu lại lực lượng an ninh, quân đội và mở đường cho Hội nghị Đối thoại dân tộc.

Mặt khác, Đảng Đại hội toàn dân của cựu Tổng thống Saleh đã giành được 112/565 ghế tại Hội nghị Đối thoại dân tộc theo sự phân chia của Đặc phái viên Jamal bin Omar mặc dù các quan chức của Đảng này đã tuyên bố rằng sự phân chia ghế cho họ như trên là không công bằng. Cách thực hiện sáng kiến GCC của đảng của ông Saleh được coi là theo đường lối cũ. Mặc dù từ chức Tổng thống nhưng trên thực tế cựu Tổng thống Saleh vẫn đang tìm cách duy trì quyền lực không chính thức và ngăn chặn việc chấp nhận một trật tự mới có thể đạt được thông qua thỏa thuận theo sáng kiến của GCC. Việc cải tổ lực lượng an ninh và quân đội của Yemen đã bị ngăn cản do những yếu tố này. Tất cả các đảng phái liên quan đến xung đột chính trị tại Yemen đều nhất trí rằng phe phái của cựu Tổng thống Saleh đang tích cực cản trở quá trình tự nhiên của giai đoạn chuyển tiếp.

Cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh vẫn còn nhiều ảnh hưởng tại Yemen

Sự can dự và sách nhiễu của các đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Saleh đã khiến nhà ngoại giao người Morocco, ông Jamal bin Omar phải đến thủ đô Sanaa của Yemen vào ngày 18-12-2012, lên tiếng răn đe, hứa hẹn đối với các lực lượng chính trị chống đối và những phần tử đang cố gắng ngăn cản tiến trình thành lập hệ thống chính trị mới của Yemen. Ông Jamal bin Omar đã răn đe rằng nếu lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh tiếp tục có hành vi chống đối thì sẽ phải đối mặt với phản ứng nghiêm khắc từ cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu của Tổng thống Hadi trong những ngày đến Yemen. Kết quả của những cam kết về sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế là, Tổng thống Hadi ngày 19-12-2012 đã ban hành nhiều quyết định mới trong nỗ lực tái cơ cấu chính trị. Không giống như trước đây, Tổng thống Hadi tuyên bố một cách có chừng mực, sử dụng giọng điệu đầy tự tin, kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị chống lại quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Yemen không nên gây thêm trở ngại cho tiến trình thực hiện các quyết định mới. Quan trọng hơn là những quyết định mới này sẽ gạt bỏ những thế lực ủng hộ cựu Tổng thống Saleh và các đồng minh thân cận của ông ta trong lực lượng an ninh và quân đội Yemen. Tuy nhiên, sự bằng lòng của những lực lượng ủng hộ cựu Tổng thống Saleh với quyết định về một nhà nước mới liệu có tiếp tục? Theo nhiều nguồn tin, cựu Tổng thống Saleh âm mưu làm thất bại kế hoạch chuyển tiếp trong giai đoạn nắm quyền hai năm của Tổng thống Hadi. Trong khoảng trống quyền lực đó, ông Saleh sẽ có thể đề cử con trai của mình là Tướng Ahmed trở lại nắm giữ quyền lực. Trở ngại chính mà cựu Tổng thống Saleh phải đối mặt là kế hoạch này của ông ta đã bị bóc mẽ và người dân Yemen cũng như cộng đồng quốc tế đều thống nhất chống lại Saleh. Câu hỏi chính giờ đây là “liệu sẽ có một sự thay thế cho kế hoạch của cựu Tổng thống Saleh?” Hiện giờ không có dấu hiệu nào cho thấy một kế hoạch mới hay thậm chí là dự định cho tương lai chính trị của Yemen, nhưng cựu Tổng thống Saleh đã chứng tỏ rằng ông ta không biết mệt mỏi. Dù thế nào đi nữa, nếu Tổng thống Hadi cố gắng tiến về phía trước với việc cải tổ một cách đúng đắn thì cựu Tổng thống Saleh sẽ bị tước bỏ những công cụ quan trọng nhất và sẽ bị hạn chế khả năng trên thực tế đối phó với những thay đổi trong tương lai.

Minh Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20130223080825260p1003c1036/yemen-chim-trong-bat-on.htm