Yahoo bán mình: “Chín nghề mà chả nghề nào “chín”

Câu chuyện của Yahoo là minh chính điển hình cho câu thành ngữ "một nghề cho chín còn hơn chín nghề", khi chính lãnh đạo tại Yahoo cũng không thể trả lời được câu hỏi: Yahoo là gì?

Được thai nghén từ một phòng ký túc xá tại đại học Stanford năm 1994, trong 10 năm đầu tiên, Yahoo từng bước vươn mình thành “tĩnh mạch chủ” của mạng Internet. Ảnh: WSJ

Thương vụ Yahoo Inc. ngã giá 5 tỷ USD bán mình cho nhà mạng Verizon đặt dấu chấm hết cho chặng đường hai thập kỷ nhiều bấp bênh.

Con đường bắt đầu bằng thành công vang dội của công ty dịch vụ mạng, nhưng kết thúc bằng một loạt thất bại trong chiến lược và lãnh đạo.

Cái kết chật vật của Yahoo là bài học điển hình cho những công ty không xác định được mảng kinh doanh cốt lõi. Giống như lãnh đạo tại Yahoo, những người không thể trả lời được câu hỏi: Yahoo là gì?

Được thai nghén từ một phòng ký túc xá tại đại học Stanford năm 1994, trong 10 năm đầu tiên, Yahoo từng bước vươn mình thành “tĩnh mạch chủ” của mạng Internet. Đây cũng là lúc Yahoo ngỏ lời mua lại Google và Facebook.

Nhưng về sau, chính hai đối thủ mà Yahoo lăm le thâu tóm này lại lột xác thành hai tượng đài trong lĩnh vực tìm kiếm và mạng xã hội, rút cạn lượt truy cập của Yahoo, cũng như doanh thu.

Một cựu lãnh đạo của Yahoo từng nhìn lại trong tiếc nuối và viết trong hồi ký: “Khi bạn là tất cả, thì bạn chẳng là gì”. Yahoo mở rộng ra đủ mọi lĩnh vực, nhưng chẳng thể xác định mảng kinh doanh cốt lõi.

Chiến lược mở rộng cấp tập của Yahoo khiến chính lãnh đạo trong công ty bối rối.

Trong một buổi tiệc vào năm 2016, các quản lý của Yahoo được đặt một câu hỏi: “Khi nghe tên một công ty, bạn nghĩ ngay đến điều gì?”.

Với Google thì câu trả lời “tìm kiếm” được mọi người đồng thanh hô to, với eBay thì là “đấu giá”. Nhưng với Yahoo, thì một số người nói “thư điện tử”, một số khác nói “tin tức”, một số lại nói “tìm kiếm”, cùng một số câu trả lời lạc điệu khác.

Ra đời từ phòng ký túc xá

Hai nhà sáng lập Yahoo là David Filo và Jerry Yang, đều là “công dân” của trường đại học danh giá Stanford tại Mỹ.

Yahoo được hai nhà sáng lập xây dựng nên từ nhu cầu tìm kiếm thông tin trên Internet của chính họ trong khi làm luận án tiến sĩ.

Do danh mục địa chỉ web thu thập được ngày càng dài ra, cả hai phải tốn khá nhiều thời gian cho việc phân loại, sắp xếp lại để dễ tìm kiếm hơn.

Hai nhà sáng lập Yahoo là David Filo và Jerry Yang.

Thế là hai cậu nghiên cứu sinh nghĩ cách sắp xếp một cách có hệ thống những địa chỉ website để dễ tìm kiếm thông tin theo sở thích của từng người. Đây cũng là ý tưởng nền “Jerry and David’s Guide to the World Wide Web” (Bản hướng dẫn của Jerry và David để vào World Wide Web), tiền thân của Yahoo.

Không vừa ý với cái tên quá dài, họ tra từ điển và tìm ra từ “Yahoo”, viết tắt từ cụm từ “Yet Another Hierarchical Officious Oracle” (Thêm một sự tiên tri về trật tự không chính thức).

Khoảng 6 tháng sau khi ra mắt, website đã đạt kỷ lục lượng truy cập lên đến 1 triệu hit/ngày, tương đương 100.000 lượt người truy cập.

2 năm sau, Yahoo là một trong những trang web được truy cập nhiều nhất. Nó hệ thống 735.000 trang web và cung cấp dịch vụ email, tin tức và phòng chat miễn phí, thu hút 25 triệu người dùng mỗi tháng.

Từ một công ty chỉ có 6 người, Yahoo phình to thành một đại tập đoàn với 2.000 nhân viên, vốn hóa thị trường cán mốc 125 tỷ USD vào năm 2000. Doanh thu chủ yếu đến từ quảng cáo trực tuyến.

Rồi bong bóng dot-com xảy ra. Từ đỉnh cao vào tháng 2/2000, giá cổ phiếu Yahoo mất sạch 93% chỉ trong vòng 20 tháng. CEO Koogle từ chức, nổ phát súng đầu tiên cho một giai đoạn nỗ lực gượng dậy sau này.

Loay hoay tìm hướng đi

Vị giám đốc tiếp theo, từng ngồi vị trí lãnh đạo của Warner Bros, ông Terry Semel, muốn đẩy Yahoo vào con đường của một công ty truyền thông.

Ông muốn thu nhiều phí dịch vụ cao cấp, bao gồm cả một đường dây nóng trả lời về các câu hỏi chiêm tinh với giá 14,95 USD/câu. Yahoo ngừng đầu tư vào dịch vụ tìm kiếm.

Lúc này, lại hai sinh viên Stanford khác bắt tay vào xây dựng một cỗ máy tìm kiếm tên là Google, lấp vào khoảng trống mà Yahoo bỏ ngỏ.

Yahoo thuê Google năm 2000 để hỗ trợ dịch vụ tìm kiếm. Sau đó, ông Semel muốn mua lại Google với giá 1 tỷ USD, nhưng hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin không hài lòng với mức này.

Năm 2002, sự bứt phá mạnh mẽ của Google khiến doanh thu từ thương mại điện tử của trang web nở rộ.

Yahoo thuê Google năm 2000 để hỗ trợ dịch vụ tìm kiếm.

Ông Semel chuyển chiến thuật, rót 1,9 tỷ USD để hai công ty công nghệ khác xây dựng cỗ máy tìm kiếm riêng.

Năm 2006, Yahoo lại để mắt tới Facebook với giá 1 tỷ USD, nhưng tiếp tục là cái giá chưa đủ thuyết phục. Thêm một thương vụ M&A đổ vỡ.

Ngày nay, giá trị trường của Facebook là 340 tỷ USD.

Với cuộc đua kèn cựa Google, Yahoo chưa bao giờ đuổi dịp. Khi ông Semel từ chức vào năm 2007, doanh số của Google đã đạt 14 tỷ USD, cao gấp đôi Yahoo.

Sau ông Semel là CEO Yang. Ông tuyên bố sẽ không bao giờ bán công ty.

Năm 2008, khi Microsoft đặt lời mời mua lại Yahoo với mức giá cao chưa từng thấy là 45 tỷ USD, CEO Yang thẳng thừng từ chối. Quyết định này khiến cổ đông của Yahoo nổi giẩn, trong đó có tỷ phú Carl Icahn. Nhà hoạt động này đã hất cẳng Yang khỏi công ty.

Người kế nhiệm Yang là bà Carol Bartz. Bà cũng đẩy Yahoo theo hướng hoạt động của một công ty truyền thông. Yahoo đầu tư vào tin tức, thể thao và tài chính, tuyển dụng phóng viên, mua lại một công ty thiết kế các nội dung lá cải nhưng “câu view”.

Chiến lược này khiến cấp dưới của bà không phục. Lần lượt các quản lý rũ áo ra đi, đi theo cùng họ là doanh thu. Bà Bartz bị sa thải qua điện thoại vào năm 2011.

CEO tiếp theo là cựu chủ tịch PayPal Scott Thompson, người muốn đầu tư vào thương mại điện tử. Nhưng kế hoạch còn chưa kịp triển khai, ông đã phải từ chức vào năm 2012 vì bê bối bằng cấp.

Thất bại của 10 năm trước

Yahoo lại quay lại lĩnh vực công nghệ khi thuê cựu quản lý sản phẩm của Google – bà Marissa Mayer.

Bà tập trung cải thiện các sản phẩm như email, trang web chia sẻ ảnh Flickr, đầu tư vào phần mềm di động, video và tìm kiếm.

Để thu hút nhân tài, bà bỏ ra 2 tỷ USD để thâu tóm hơn 50 công ty khởi nghiệp.

Nhưng bà vẫn không thể định nghĩa được Yahoo. Mayer nói Yahoo cần là phải trung tâm của “thói quen hàng ngày”, dù là lướt web hay đọc email.

CEO Yahoo Marissa Mayer.

Nhưng chiến thuật này không thể cứu được doanh thu cũng như giữ các lãnh đạo lại với Yahoo.

Một số nhân viên cũ cho rằng thất bại của Yahoo là do không theo kịp cơn sốt của công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và thiết bị di động.

“Thất bại của Yahoo không phải là do quyết định 3 năm về trước, mà là những quyết định của họ 10 năm về trước”, nhà đầu tư mạo hiểm Andrew Braccia, cũng từng là giám đốc mảng tìm kiếm của Yahoo, nói.

LỀ PHƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/yahoo-ban-minh-chin-nghe-ma-cha-nghe-nao-chin-1813526.html