Ý tưởng "mũi khâu thông minh" có thể thu thập dữ liệu và cho biết tình trạng vết thương

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tufts (Mỹ) vừa giới thiệu một khái niệm mới trong y học, được gọi là " mũi khâu thông minh", vừa đóng vai trò bịt kín vết thương, vừa có thể gửi dữ liệu theo thời gian thực về tình hình sức khỏe của các mô đến bác sĩ.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tufts (Mỹ) vừa giới thiệu một khái niệm mới trong y học , được gọi là " mũi khâu thông minh ", vừa đóng vai trò bịt kín vết thương , vừa có thể gửi dữ liệu theo thời gian thực về tình hình sức khỏe của các mô đến bác sĩ.

Để hình thành những “mũi khâu thông minh” nói trên, nhóm nhà khoa học được cho là đã tạo ra một tập hợp các sợi chỉ, với các cảm biến phức tạp bên trong. Có 2 thành phần quan trọng nhất, một là các sợi chỉ có nhiệm vụ truyền tải điện năng với lượng nhỏ, được làm bằng cách ngâm trong mực dẫn điện; nhóm sợi quan trọng còn lại có thể vận chuyển chất lỏng bên trong các mô, được tạo ra bằng cách phủ lên chúng một lớp thấm nước, làm tăng hoạt động mao dẫn.

Kết hợp hai yếu tố này cùng các vật liệu khác, các nhà khoa học đã có thể tạo ra các mũi khâu và vật liệu băng với một loạt các chức năng khác nhau, trong đó bao gồm: đo lực căng tác dụng lên cơ bắp, độ pH hoặc thành phần hóa học khác của các mô. Một số sợi chỉ khác cũng có khả năng đo nồng độ glucose, nhiệt độ và áp suất. Tất cả các cảm biến sẽ gửi dữ liệu mà chúng thu thập được đến một mô-đun bên ngoài, có thể kết nối không dây với máy tính hoặc điện thoại.

Những thông tin mà các “mũi khâu thông minh” gửi về rất hữu ích cho các bác sĩ, trong quá trình theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Chẳng hạn, độ pH của một vết thương là chỉ số cho thấy mức độ hồi phục tốt như thế nào. Trong khi đó, vết thương sẽ lành hiệu quả hơn trong một môi trường có tính axit, nhưng nếu nồng độ axit quá cao, đó thường là một dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Trước kia, những dữ liệu như thế này rất khó để có thể thu được. Tuy nhiên, với công nghệ mũi khâu thông minh được ‘nhúng’ sâu vào các mô, chúng có thể nhận ra các dấu hiệu ngay khi xuất hiện.

Rõ ràng, vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm trước khi “mũi khâu thông minh” đi vào thực tiễn. Các nhà khoa học Tufts hiện chỉ tiến hành thử nghiệm phát minh của mình ở một phạm vi rất hạn chế trên mô sống, và các cảm biến này đòi hỏi phải có độ chính xác và độ tin cậy cực kỳ cao để có thể sử dụng trên người. Tuy nhiên, một ‘bản cập nhật’ cho công nghệ y tế đã được ra đời từ 5.000 năm trước, bởi những người Ai Cập cổ đại, chắc chắn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tham khảo: The Verge

Nguồn Tinh Tế: http://tinhte.vn/threads/y-tuong-mui-khau-thong-minh-co-the-thu-thap-du-lieu-va-cho-biet-tinh-trang-vet-thuong.2624410/