Ý tưởng cảnh báo tai nạn đường sắt bằng nước: Cần có thiết kế chi tiết để đánh giá tính khả thi

Nhận xét về ý tưởng lập hệ thống cảnh báo tàu đến bằng nước tại các đường ngang dân sinh của kiến trúc sư (KTS) Phạm Hương Giang (Khoa học và Phát triển số 46), các chuyên gia cho rằng có nhiều điểm cần làm rõ.

Trong ý tưởng này, hệ thống sẽ tạo một tấm rèm bằng nước để vừa cảnh báo có tàu hỏa, vừa cưỡng bức dừng xe đối với xe máy. Ông Nguyễn Anh Khang - chuyên viên kỹ thuật của Công ty thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội - cho biết ngành đường sắt đang triển khai hai hệ thống tín hiệu, gồm hệ nhân công ở đường ngang (luôn có người gác) và hệ tự động (sử dụng tín hiệu đèn, chuông và khi cảm biến nhận thấy tàu từ xa, barie sẽ tự động đóng xuống).

Người dân đứng chờ tàu chạy qua trên đường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội).
Ảnh: Châu Long

Về ý tưởng của KTS Phạm Hương Giang, ông Khang đặt câu hỏi nguồn nước lấy từ đâu: “Không phải đường ngang nào cũng ở gần khu vực dân sinh hoặc sông hồ để lấy nước. Chẳng lẽ mỗi hệ thống lại làm một giếng khoan? Mỗi lần tàu chạy sẽ mất 2-3 phút, nếu bơm liên tục thì bao nhiêu nước cho đủ? Và nước xả ra có gây ô nhiễm và mất an toàn giao thông không?”.

ThS Đỗ Cao Trung - bộ môn Tự động hóa và Điều khiển quá trình nhiệt, lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng do chưa có thiết kế sơ bộ nên chưa đủ dữ liệu để đánh giá tính khả thi và chi phí xây dựng, vận hành. Nếu có ý định triển khai, tác giả cần quan tâm đến việc thiết kế hệ thống phun nước từ độ cao 5m xuống, xác định được tốc độ, lực phun của dòng nước. Cần tính xem khi nước xả xuống, người đi đường phải đứng cách bao xa để không bị ướt, nước thoát đi đâu để không bị bẩn.

“Nếu thay công nhân điều khiển bằng hệ thống bơm nước tự động thì hệ thống phải hoạt động rất chính xác. Điều này đặt ra câu hỏi là việc duy tu, bảo dưỡng sẽ thế nào? Nếu thiết bị có trục trặc thì hệ thống cảnh báo hoạt động ra sao?” - ông Trung nói.

Ông Khang cũng băn khoăn: “Hệ thống tự động mà đường sắt đang triển khai hoạt động theo cơ chế: Nếu bị hỏng, cần chắn sẽ luôn chắn ngang đường. Với hệ thống nước, nếu có trục trặc, giàn nước không hoạt động, sẽ không có tín hiệu cảnh báo và điều này có thể gây nguy hiểm. Về chi phí, cần chắn công nghiệp giá hơn 20 triệu đồng; còn với hệ thống này, nếu làm giếng khoan kèm theo hệ thống cảm biến, chi phí chắc chắn không rẻ. Ngoài ra, khái niệm tín hiệu đường sắt trong Luật Giao thông đường bộ hiện chỉ gồm đèn và chuông, nếu dùng thêm hệ thống giàn chắn nước thì phải sửa luật”.

Bày tỏ sự sẵn lòng hỗ trợ để biến ý tưởng thành hiện thực, ông Khang và ông Trung mong tác giả hoàn thiện ý tưởng, xây dựng thiết kế và tiếp tục chia sẻ.

Vũ Ngọc

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/y-tuong-canh-bao-tai-nan-duong-sat-bang-nuoc-can-co-thiet-ke-chi-tiet-de-danh-gia-tinh-kha-thi/20161124105629662p1c859.htm