Ý kiến trái chiều xung quanh việc thu phí cấp thẻ căn cước công dân

Việc Bộ Tài chính ra dự thảo thu phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu với người đủ 14 tuổi trở lên đang gây nhiều tranh cãi từ dư luận.

Theo dự thảo thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân” của Bộ Tài chính, từ 1/1/2017, công dân Việt Nam đủ 14 tuổi đã có CMND 9 hoặc 12 số khi chuyển sang thẻ căn cước công dân mới được miễn phí.

Ảnh minh họa.

Như vậy đối tượng ưu đãi đã bị thu hẹp lại bởi theo quy định cũ, công dân chỉ cần đủ 14 tuổi trở lên khi cấp thẻ căn cước sẽ được miễn phí.

Mức phí cấp mới thẻ căn cước lần đầu so với quy định cũ không thay đổi là 70.000 đồng. Các trường hợp làm mất, xin cấp lại mức phí 70.000 đồng, đổi lại phí 50.000 đồng. Đối với công dân thường trú tại các xã, thị trấn miền núi, các xã biên giới, các huyện đảo, nộp lệ phí thẻ căn cước công dân bằng 50% mức thu quy định.

Trong khi đó, tại điều 32 luật Căn cước công dân 2014, quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi làm thẻ căn cước công dân lần đầu không phải nộp lệ phí cấp thẻ. Công dân chỉ phải nộp lệ phí khi đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Như vậy, nội dung mới này tại dự thảo thông tư của Bộ Tài chính là trái với luật Căn cước công dân 2014 và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của công dân. Điều này đang gây nên tranh cãi trái chiều trong dư luận.

Chia sẻ về điều này, chị Nguyễn Thị Nga (Thanh Hóa) chia sẻ, "tôi không đồng ý với những thay đổi mới tại dự thảo thông tư của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp căn cước công dân” bởi nếu được thực thi thì nó sẽ gây tốn kém cho người dân".

Chị Đỗ Bích Ngọc (Từ Liêm, Hà Nội) thì cho biết, "mặc dù số tiền 70.000 đồng đối với các trường hợp xin cấp thẻ căn cước công dân lần đầu không phải là nhiều nhưng nếu nhân rộng ra ở nhiều người, đó sẽ là một con số khổng lồ. Đành rằng nếu là do lỗi chủ quan của mỗi cá nhân dẫn đến việc mất, hỏng thẻ căn cước công dân thì việc bỏ tiền ra để làm lại là đúng nhưng yêu cầu nộp tiền đối với lần đầu tiên cấp thẻ lại là điều không hợp lý...".

Ngược lại với những nhận định trên, bác Lâm Thị Thanh Xuân (Quảng Ninh) bày tỏ, "việc thu phí cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với người đủ 14 tuổi trở lên theo tôi cũng hợp lý bởi tâm lý người dân khi mất tiền làm gì đó thì mới có ý thức gìn giữ, hơn nữa việc thu phí để xung công quỹ nhà nước thì cũng không có gì phải thắc mắc nhiều".

Tuy nhiên, một ý kiến khác từ anh Lê Văn Tài ở Tuyên Quang lại cho rằng, "việc thu phí làm thẻ căn cước công dân là hợp lý, nhưng thu phí đối với người chưa đủ tuổi vị thành niên, cụ thể là trẻ em ở lứa tuổi 14, chưa có lao động sản xuất, chưa có kinh tế thì tôi cho rằng cần cân nhắc lại...".

Việc tổ chức thu lệ phí cấp thẻ căn cước công dân sẽ được ba đơn vị gồm: Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an; Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng Công an quận, huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính tương đương thực hiện.

Dư luận vẫn không ngừng bày tỏ ý kiến trái chiều về dự thảo quy định mới này. Đa phần những người đến tuổi làm thẻ căn cước công dân vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, các bậc phụ huynh có nhiều khoản cần phải chi tiêu như sách vở, học phí, sinh hoạt... Với những gia đình khá giả thì không thành vấn đề nhưng đối với nhiều người hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con thì số tiền đóng lệ phí để được cấp thẻ căn cước là không nhỏ.

Thiết nghĩ, thẻ căn cước công dân là giấy tờ khẳng định quyền công dân, quyền con người được pháp luật bảo vệ. Vì thế việc sử dụng thẻ căn cước công dân với ý nghĩa được Nhà nước, xã hội quan tâm, cấp phát miễn phí thì sẽ có ý nghĩa hơn...

Nguyễn Xinh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/y-kien-trai-chieu-xung-quanh-viec-thu-phi-cap-the-can-cuoc-cong-dan-d25070.html