Ý kiến luật sư về vụ việc cấp giấy ‘kiểm nghiệm khống’ sản phẩm thủy sản

Việc Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, trực thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) kiểm nghiệm khống hơn 800 sản phẩm thủy sản là có dấu hiệu của hành vi “Giả mạo trong công tác”, có dấu hiệu “nhận hối lộ”.

Cách chức, buộc thôi việc nhiều cán bộ Tổng cục...
Làm rõ phản ánh "kiểm định khống" hơn 800 sản...

Luật sư Trần Quang Huy. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là ý kiến của luật sư Trần Quang Huy, Văn phòng Luật sư Long Tâm, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc “kiểm nghiệm khống” hơn 800 sản phẩm thủy sản mà báo chí vừa qua có nêu và hình thức xử lý với cán bộ, công chức có liên quan của Tổng cục Thủy sản?

Theo quy định các sản phẩm thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trước khi bán ra thị trường phải được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm) chấp nhận chất lượng và phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành.

Mới đây, theo báo cáo kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT, hơn 800 sản phẩm của doanh nghiệp không cần qua khâu kiểm định chất lượng khi chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng/sản phẩm để mua chứng nhận từ Trung tâm là có tên trong danh sách sản phẩm được lưu hành trên thị trường.

Cụ thể, Giám đốc Trung tâm kiêm Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản lúc đó là ông Bùi Đức Quý; ông Lê Tuấn Anh (lúc đó là Phó Phòng Hành chính quản trị - Tổng cục Thủy sản) cùng các ông, bà Nguyễn Huy Bàn, Đỗ Thị Hà, Phạm Hồng Quân, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Dũng (cán bộ, công chức) làm giả công văn (sử dụng công văn đã ký để ghép thêm vào văn bản đó) và ban hành công văn trái luật để đưa tên các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn vào bản phụ lục sản phẩm đã được cấp phép lưu hành trước đó.

Sau vụ việc, Tổng cục Thủy sản đã khai trừ Đảng đối với ông Bùi Đức Quý; buộc thôi việc và khai trừ Đảng ông Lê Tuấn Anh; buộc thôi việc 5 người và cảnh cáo 1 người.

Tuy nhiên, tôi cho rằng hành vi “Ghép phụ lục công văn” là có dấu hiệu “Giả mạo trong công tác” và hành vi nhận tiền từ phía doanh nghiệp có dấu hiệu “nhận hối lộ”.

Vậy theo ông, mức xử lý như thế nào là phù hợp với trường hợp này?

Tôi không có kết luận thanh tra để trả lời chắc chắn việc xử lý như thế nào là thỏa đáng. Tuy nhiên, Điều 284 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 về "Tội giả mạo trong công tác" quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi… sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu/làm, cấp giấy tờ giả thì phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội có tổ chức hay nhiều lần thì phạt tù từ 3 năm đến 10 năm". Hình phạt này có thể bị xử phạt đến 20 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 279 Bộ luật Hình sự về tội nhận hối lộ, quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng… để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm”; phạm tội có tổ chức, nhiều lần hay số tiền lớn hình phạt có thể nặng hơn.

Có 72 doanh nghiệp tham gia việc mua bán giấy chứng nhận trên, liệu các doanh nghiệp này có liên đới và chịu xử lý của pháp luật, thưa ông?

Như tôi phân tích ở trên, nếu có người “nhận hối lộ” thì phải có người “đưa hối lộ”. Theo đó, tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự hiện hành, hình phạt cũng có phần tương đồng với tội nhận hối lộ ở trên.

Những sản phẩm thủy sản đã lưu thông trên thị trường sẽ phải xử lý ra sao nếu sản phẩm đó gây thiệt hại cho người dân, thưa ông?

Tôi chắc là Bộ NN&PTNT phải thu hồi các văn bản trái pháp luật trên. Xử lý đúng người đúng tội với các cán bộ vi phạm.

Theo ý kiến cá nhân, tôi đề xuất phương án yêu cầu doanh nghiệp dừng bán các sản phẩm “kiểm định khống”, đồng thời cơ quan chức năng có văn bản quy định cụ thể nếu các sản phẩm đã lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho người dân thì doanh nghiệp sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên. Còn tùy thiệt hại như thế nào sẽ có phương án xử lý thích đáng.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/phap-luat/y-kien-luat-su-ve-vu-viec-cap-giay-kiem-nghiem-khong-san-pham-thuy-san/282299.vgp