Ý kiến đa chiều về đề xuất dừng hoạt động karaoke tại Hà Nội

Chủ tịch Hà Nội: Có thể dừng hoạt động karaoke đến hết 2016

Đồng tình việc Hà Nội có động thái mạnh trong quản lý các cơ sở karaoke, tuy nhiên với đề xuất dừng kinh doanh, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên cân nhắc phân loại để có "lệnh cấm" phù hợp.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết “đang cân nhắc ra chỉ thị với tinh thần dừng toàn bộ hoạt động karaoke trên địa bàn thành phố từ nay đến 31/12", để qua đó các cơ quan chức năng rà soát các tiêu chí như: Diện tích phòng; ánh sáng; đường thoát hiểm; quản lý nội dung bài hát; tất cả biển quảng cáo cỡ lớn phải dỡ bỏ.

Bên hành lang Quốc hội ngày 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình việc thành phố Hà Nội có những động thái mạnh mẽ trong quản lý hoạt động của cơ sở dịch vụ karaoke sau nhiều sự cố hỏa hoạn nghiêm trọng vừa qua.

Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường. Ảnh: Giang Huy.

TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, chủ trương dừng kinh doanh karaoke để rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn là cần thiết. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ĐH Kinh tế quốc dân, thành phố Hà Nội cần cân nhắc về thời gian dừng, vì các cơ sở có đầy đủ điều kiện để kinh doanh an toàn mà vẫn bị dừng thì ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu giải trí, hát karaoke của người dân là chính đáng.

“Thời hạn dừng phải khác nhau. Các điểm kinh doanh đủ điều kiện sau khi kiểm tra xong thì cho hoạt động lại ngay. Cơ sở nào không đủ điều kiện hoặc chưa kiểm tra được thì cương quyết dừng, không phải dừng 3 tháng mà đến khi nào đủ điều kiện mới cho hoạt động”, TS Cường nêu quan điểm.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TP HCM. Ảnh: Giang Huy.

Cùng quan điểm không nên kéo dài thời gian dừng hoạt động karaoke, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh chủ trương này phải được triển khai trên cơ sở không vi phạm quyền tự do kinh doanh đã được Hiến định, không để cán bộ cấp dưới lợi dụng tình huống này gây nhũng nhiễu, tiêu cực với người đầu tư, kinh doanh lĩnh vực karaoke.

"Trong tình huống khẩn cấp thì chính quyền địa phương có thể áp dụng chế tài tạm dừng hoạt động kinh doanh nào đó trên địa bàn, để kiểm tra, rà soát. Việc làm này cũng vì lợi ích công cộng, đảm bảo an toàn cho người dân", ông Nghĩa nói và cho rằng vừa rồi Hà Nội thí điểm không gian đi bộ hồ Gươm; nới rộng “giờ giới nghiêm” cho các quán bar, nhà hàng trên một số địa bàn, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng sau một thời gian áp dụng thì người dân, dư luận đã ủng hộ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, đại biểu đoàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến cho hay, việc chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh “không có gì là trái luật”, dù ảnh hưởng tạm thời đến công ăn việc làm. Thực tiễn cho thấy, nếu vẫn để hoạt động kinh doanh không đủ điều kiện thì sẽ tiếp tục xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.

Về thời gian dừng hoạt động dự kiến đến hết tháng 12/2016, ông Chiến cho rằng cần lắng nghe ý kiến của người dân và chủ các cơ sở kinh doanh, để bảo đảm đồng thuận khi triển khai chủ trương.

Hà Nội chưa tạm dừng hoạt động karaoke

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Hà Nội chưa quyết định tạm dừng hoạt động karaoke trên địa bàn toàn thành phố mà chỉ có quyết định rà soát, kiểm tra và tạm dừng cấp phép.

Bí thư Hà Nội cho hay, thành phố đang rà soát hoạt động karaoke tại tất cả các quận, huyện; cơ sở nào vi phạm thì xử lý dừng. Sau vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy, rất nhiều quán đã tự giác dừng hoạt động.

Theo Võ Hải/Vnexpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/y-kien-da-chieu-ve-de-xuat-dung-hoat-dong-karaoke-tai-ha-noi.html