Xuống làng

Đời làm báo, ai cũng có những chuyến đi về với vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu cuộc sống, lễ hội văn hóa của bà con các dân tộc. Với tôi cũng thế, đã từng có những chuyến đi dài ngày đến với người dân...

Hơn ba mươi năm trước, khi mới bước chân tập tành vào làng báo, tôi đã có chuyến đi về cơ sở tại H. Kon Plông (Kon Tum). Chuyến công tác ấy tôi ở lại nhiều ngày, được bà con, cán bộ địa phương đưa đến những địa danh anh hùng như Măng Đen, Măng Cành, Măng Pút... Dù đi rã cả chân nhưng vẫn thích, đặc biệt là lần đầu tiên tôi cùng đi theo anh em mà nửa muốn chạy nửa muốn ngồi xuống than khóc (mặc dù tôi đã từng là bộ đội ở chiến trường K 4 năm). Ám ảnh nhất với tôi trong chuyến đi rừng ấy không phải là đường đi khó khăn, xa xôi mà là những con vắt rừng. Chúng cứ rào rào búng theo chúng tôi, bám đầy người. Vậy mà mọi người thì cứ thản nhiên bước đi, lâu lâu dừng lại gỡ trong người ra từng con vắt dính đầy máu. Lúc đầu tôi hoảng quá, nhưng sau cũng quen dần và làm theo họ. Sau chuyến đi ấy, liên tục một tháng trên đài phát thanh của tỉnh phát hàng loạt tin, bài về Kon Plông đủ mọi lĩnh vực: kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, y tế, xã hội...

Nhà rông huyện Kon Plông.

Lần khác tôi về một ngôi làng tại H. Đăk Tô. Khi ấy, Ban Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai - Kon Tum giao nhiệm vụ cho tôi cùng đi với đoàn cán bộ tỉnh về làng để thâm nhập thực tế và tiếp cận với một đối tượng là đại úy FULRO tự nguyện trở về với dân làng. Đêm hôm trước tôi ngủ tại nhà một cán bộ xã để sớm hôm sau đến nhà A Yôn - tên của đại úy FULRO. Từng nghe bà con trong làng kể rằng, trước đây anh ta rất hung hãn, nhưng trong buổi sáng hôm ấy, trò chuyện với chúng tôi, tôi thấy Yôn hiền lành, thái độ thành khẩn, tuy còn đôi chút lầm lì. Dần dần cuộc nói chuyện giữa chúng tôi càng cởi mở và chân tình hơn. Yôn thừa nhận rằng mình đã sai lầm khi nghe lời một số tên sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ, rủ nhau trốn ra rừng để tập hợp quân chờ Mỹ hỗ trợ tiền của, phương tiện chống phá cách mạng. Nhờ có chút chữ, nên Yôn dần dần hiểu ra mọi vấn đề. Cuộc sống trốn chui trốn nhủi, hàng đêm phải chờ cơm của vợ hoặc người thân tiếp tế tại bìa làng, đêm đêm sương sa giá lạnh nằm dưới gốc cây, Yôn gác tay lên trán nghĩ ngợi mông lung lắm, rồi quyết định ra trình diện tại xã và thú tội với bà con.

Chuyến đi ấy với chiếc máy PRC 25 đã giúp tôi ghi âm đầy đủ và rất kỹ lời nói của Yôn và phát trên sóng phát thanh toàn tỉnh. Đi bộ và vác trên người chiếc máy ghi âm cộng với bình điện thủy ngân - tất cả nặng gần 7kg, tôi mệt nhoài, nhưng cảm thấy rất vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vu. Hơn thế nữa, đây là giai đoạn các tốp FULRO tập trung nhiều mũi từ Đắc Lắc sang Gia Lai, từ Mang Yang lên Kon Tum. Chúng thường chặn đường cướp tiền của dân trên những chuyến xe đò trên trục đường 14, 19... và bắn giết cán bộ, bộ đội, công an nếu chúng chạm trán. Cán bộ lúc ấy đi công tác cơ sở, tốt nhất ngủ trong làng với dân là an toàn tuyệt đối vì FULRO không bao giờ bắn vào làng.

Có rất nhiều chuyến đi khác đến làng Duk, làng Dip thuộc xã Ia Mơ Nông H. Chư Pah. Hồi đó, tôi vinh hạnh được tháp tùng đoàn cán bộ của tỉnh. Cả đoàn xuất phát từ Pleiku bằng ô-tô, sau nửa ngày đường mới đến nơi. Giao thông ở vùng này toàn là đường mòn và đường rừng vì lúc đó chưa khởi công công trình thủy điện Sê San 3. Ngay từ chiều, chúng tôi cùng nhóm cán bộ trẻ của huyện ra sông Sê San vừa tắm vừa bắt cá, lai rai vài ly rượu thật lý thú. Tối hôm ấy, đoàn chúng tôi giao lưu văn nghệ với dân làng. Trong đoàn cán bộ của tỉnh, có người còn hào hứng hát tặng dân làng khiến bà con vỗ tay không dứt. Đêm xuống, một số người đã đi ngủ, còn tôi tìm đến nhà sàn của già làng trò chuyện đến quá nửa đêm. Biết tôi là nhà báo nên nhiều người muốn trò chuyện và tâm sự: từ chuyện dân làng hàng ngày đánh bắt cá làm thức ăn chính, đến chuyện chế độ chính sách cho một số cán bộ hạ sĩ quan, chiến sĩ đã từng tham gia bộ đội mà chưa được hưởng, rồi chuyện tranh chấp đất đai sản xuất nông nghiệp giữa xã này với xã khác...

Mấy mươi năm làm báo, tôi cũng không nhớ hết những chuyến đi về với buôn làng. Tuy có gian nan, vất vả nhưng đã cho tôi thêm nhiều tư liệu quý giá để phục vụ cho công việc của mình. Hơn thế nữa là tôi đã cảm nhận được tình cảm chân tình của người dân vùng sâu vùng xa; Những vùng đất xa xôi ấy không bao giờ hẻo lánh như bao đời ta tưởng, một khi có đường lối, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về với làng.

Lê Bá Tuế

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_160215_xuo-ng-la-ng.aspx