Xưởng gỗ dăm trái phép thách thức cả tỉnh Thanh Hóa

ANTT.VN – Tỉnh chỉ đạo dẹp, huyện yêu cầu dừng, công an huyện cùng UBND xã giám sát, thế nhưng xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép của công ty Minh Long 68 vẫn ngang nhiên hoạt động thậm chí với quy mô lớn hơn như thách thức chính quyền các cấp của tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 11/5/2016, tỉnh Thanh Hóa đã họp nghe báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh và bàn biện pháp khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, tình trạng hoạt động trái phép của các nhà máy gỗ dăm đã làm phá vỡ quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, thất thoát trong hoạt động thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng rừng... "Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu cần chấn chỉnh hoạt động, xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận", ông Quyền cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; sau khi giải tỏa các cơ sở hoạt động trái phép, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực dăm gỗ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương tăng cường quản lý hoạt động các doanh nghiệp sau đầu tư về mặt quy mô, công nghệ; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Đối với UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng hoạt động trái phép tiếp tục diễn ra.

Không những không dừng hoạt động sản xuất gỗ dăm trái phép, công ty Minh Long còn mở rộng quy mô, ngày đêm nghiền dăm

Ngày 2/6/2016, UBND huyện Tĩnh Gia quyết định lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm đối với các cơ sở gỗ dăm trái phép trên địa bàn huyện. Sau đó, ngày 7/7/2016 có công công văn số 1313, 1314, 1315; 1316; 1318, 1319 và 1320/TB-UBND về việc yêu cầu các công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh long 68; Chi nhánh công ty cổ phần Sinh lộc Phát; Công ty TNHH sản xuất thương mại T&T; Công ty TNHH Thành Tiến; Hộ ông Trương Thế Chất – chủ cơ sở chế biến gỗ dăm ở xã Trường Lâm; Ông Hồ Văn Việt chủ cơ sở gỗ dăm Việt Trung; Công ty TNHH và Đầu tư Nghi Sơn phải tự tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền máy móc và các phương tiện thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất gỗ dăm trái phép.

Tuy nhiên cho đến 20/7 vẫn chưa cơ sở sản xuất gỗ dăm nào nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Tĩnh Gia. Thậm chí công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Long 68 (công ty Minh Long) địa chỉ thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia còn tỏ ra ngang ngược, khi mở rộng công suất hoạt động và sản xuất băm dăm ngày đêm.

Theo văn bản số 1313/TB-UBND, công ty Minh Long hoạt động khi chưa có đầy đủ các văn bản pháp lý được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Công ty Minh Long chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, không có giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ dăm theo quy định, sử dụng sai mục đích, tổ chức xây dựng công trình, hạng mục công trình trái phép. Vì vậy, UBND huyện Tĩnh Gia yêu cầu công ty Minh Long dừng mọi hoạt động liên quan đến thu mua nguyên liệu và sản xuất, chế biến dăm gỗ của cơ sở. Công ty Minh Long phải chủ động tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền máy móc và các phương tiện, thiết bị khác phục vụ cho sản xuất, chế biến gỗ dăm. Hoàn trả nguyên trạng, khôi phục lại tình trạng đất như ban đầu và thực hiện trước ngày 15/7/2016.

Đồng thời, UBND huyện Tĩnh Gia giao Công an huyện Tĩnh Gia tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu thu mua và hoạt động của công ty Minh Long.

Tuy nhiên, Công ty Minh Long đang coi thường chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Tĩnh Gia cũng như sự giám sát của các cơ quan chức năng nơi đây, khi hàng ngày những dây chuyền băm dăm của công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất.

Theo quan sát của PV, tại xưởng băm dăm của công ty Minh Long, hai dây chuyền băm dăm ngày đêm hoạt động. Tiếng máy băm dăm “gầm thét” như thách thức tất cả. Tại xưởng này, luôn có những chiếc xe tải luôn “chầu chực ăn dăm” để chở đi nơi khác. Để phục vụ công việc băm dăm, một chiếc máy cẩu hoạt động như con thoi vận chuyển những cây gỗ đến băng chuyền của máy băm dăm. Trong xưởng luôn có cả chục công nhân làm việc.

Những chiếc xe tải luôn "chầu chực chờ ăn dăm" tại cơ sở sản xuất Minh Long

Đã bị cấm hoạt động, song công ty Minh Long lại tỏ ra ngang ngược hơn với việc băm dăm ngày đêm như một lời thách thức khiến dư luận rất bức xúc và đặt ra nghi vấn “có thế lực nào bảo kê cho công ty Minh Long?”

Để tìm hiểu lý do vì sao những hành động ngang ngược của công ty Minh Long không bị xử lý, PV đã liên hệ, đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Song ông Dũng cho biết đang bận họp và cử ông Lê Anh Cường - Đội trưởng đội kiểm tra quy tắc xây dựng để trả lời PV.

Theo ông Cường cho biết, khi đoàn liên ngành đến kiểm tra thì công ty Minh Long đã tạm ngừng hoạt động. Vì việc kiểm tra có được báo trước nên không loại trừ khả năng công ty này ngừng hoạt động để đối phó với đoàn kiểm tra. Việc xử phạt công ty Minh Long rất khó, không đơn giản như công ty Việt Trung hay công ty Ngọc Nguyên. Huyện đã có báo cáo lên tỉnh, nếu tỉnh bảo cưỡng chế huyện sẽ tiến hành ngay. Còn phương án trước mắt là ngừng cung cấp điện thì công ty Minh Long sẽ phải đóng cửa.

Trước đó, UBND huyện Tĩnh Gia và công ty điện lực Thanh Hóa cũng đã có văn bản yêu cầu điện lực Tĩnh Gia ngừng cung cấp điện cho công ty Minh Long. Tuy nhiên, không hiểu công ty điện lực Tĩnh Gia có biết hay vẫn cố tình tiếp tay cho công ty Minh Long sản xuất gỗ dăm trái phép?

Theo tìm hiểu của PV, trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, nạn gỗ dăm trên nhiều địa bàn các huyện như: Thường Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh… đã bị dẹp bỏ. Tại huyện Tĩnh Gia, các cơ sở như: cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Nghi Sơn; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Sinh Lộc Phát; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Thành Tiến; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty Việt Trung; cơ sở sản xuất gỗ dăm của công ty T&T và công ty Ngọc Nguyên đã ngừng hoạt. Duy chỉ công ty Minh Long vẫn ngang nhiên hoạt động như thách thức mọi chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa.

Ai bảo kê doanh nghiệp phá 5000m2 rừng sản xuất?

Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia) đã có văn bản số 56/TB-UBND thông báo về việc đình chỉ sản xuất gỗ dăm của Công ty TM Minh Long do ông Trần Ngọc Thịnh làm giám đốc .

Song, dường như ông Thịnh và công ty Minh Long coi thường UBND xã Trường Lâm khi tiếp tục ngang nhiên sản xuất gỗ dăm.

Bất lực trước hành động ngang ngược của công ty Minh Long, ngày 16/10/2015, xã Trường Lâm đã có báo cáo số 55/BC-UBND gửi đến UBND huyện Tĩnh Gia. Trong báo cáo nêu rõ “Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm đã ra thông báo số 56/TB-UBND yêu cầu ông Trần Ngọc Thịnh dừng ngay việc sản xuất gỗ dăm, nhưng ông Trần Ngọc Thịnh vẫn không chấp hành mà vẫn tiến hành tổ chức sản xuất, đồng thời cũng không khắc phục các tồn tại… ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây bức xúc trong nhân dân…

Với chức năng thẩm quyền ở cơ sở còn có hạn, vậy UBND xã Trường Lâm báo cáo UBND huyện Tĩnh Gia xem xét kiểm tra và giải quyết theo thẩm quyền”.

Sau đó, công ty Minh Long lại chuyển “đại bản doanh” sang một vị trí khác vẫn tại thôn Hòa Lâm xã Trường Lâm.

Đáng chú ý, lần này công ty Minh Long ngang ngược hơn khi tự ý san phẳng khoảng 5.000m2 đất rừng sản xuất để làm xưởng băm dăm trái phép.

Dù UBND xã Trường Lâm đã ra quyết định phạt hành chính và yêu cầu công ty Minh Long dừng ngay việc làm sai trái, bất chấp luật pháp. Song một xưởng gỗ dăm vẫn cứ “lầm lũi” mọc lên như thách thức tất cả.

Thủy Tiên

Nguồn ANTT: http://antt.vn/xuong-go-dam-trai-phep-thach-thuc-ca-tinh-thanh-hoa-0120219.html