Xung quanh vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử “oan”: Xét xử và kháng nghị tái thẩm đều sai?

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về vụ án oan sai, khiến ông Nguyễn Thanh Chấn, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang mất 10 năm ngồi tù, sau cả 2 cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết tội “giết người”, với mức án tù chung thân. Ông Chấn được “trả tự do” sau khi Viện KSND Tối cao kháng nghị bản án. Qua vụ án này, nhớ lại nỗi oan của thầy giáo Nguyễn Sỹ Lý, sinh 17/9/1956, quê quán tại xã Viên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An từ một giảng viên đại học mới 27 tuổi phải ôm lấy 2.000 ngày oan trái, thất nghiệp, tiều tụy… một lần nữa nhiều vấn đề về cải cách tư pháp buộc chúng ta phải suy nghĩ. Xem ra, con đường tiến tới sự minh bạch trong tố tụng còn bộn bề…

Sau 10 năm vừa ngồi tù, vừa kiên trì kêu oan, ông Nguyễn Thanh Chấn được về nhà trong niềm xúc động vỡ òa của gia đình, làng xóm. Lập tức, diễn đàn Quốc hội và dư luận nóng lên vì câu chuyện hi hữu này. Một câu hỏi khiến ai cũng sởn gai ốc, đó là khi xét xử, ông Chấn được xem xét tình tiết giảm nhẹ, do ông là con liệt sĩ. Vì vậy, ông mới không bị kết án tử hình. Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ: “Nếu ông Chấn không có bố là liệt sĩ thì ông đã bị xử tử hình rồi! Lúc đó thì chả biết thế nào mà nói? Quá nguy hiểm!”. Giáo sư Văn Như Cương cũng tỏ ý xót xa cho 2 người con của ông Chấn, phải bỏ học do không chịu được áp lực miệt thị, chê cười của những người xung quanh. Giáo sư cho rằng: Phải xem lại cán bộ xử án, cán bộ điều tra… gây ra án oan cho gia đình ông Chấn. Tức là những người xử sai phải xử lí trách nhiệm, người xử sai thì phải xem xét trách nhiệm do đâu? Do điều tra, do trình độ nghiệp vụ kém hay do ăn tiền, hay thù hằn… để có mức độ xử lí những cán bộ tham gia điều tra, xét xử vụ án oan này (theo infonet.vn).

Luật sư, ĐB Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trường hợp oan sai 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là cá biệt. Ông nhận định: “Chừng nào còn ép cung, bức cung, chừng nào nguyên tắc suy đoán vô tội còn không được áp dụng một cách triệt để, quyền có người bào chữa của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ không được bảo đảm đúng luật định, chừng ấy còn những trường hợp như ông Chấn (theo vietnamnet.vn).

Về trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nêu rõ: Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lí nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Chấn theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lí, bảo đảm đúng pháp luật.

Sau 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn mới được về trong vòng tay gia đình, làng xóm. (ảnh IT)

Bên lề kì họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu có trường hợp ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà giam (theo vietnamnet.vn). Đúng vậy, pháp luật quy định rõ ràng, rành mạch như vậy, nhưng trên thực tế việc ép cung, dụ cung… vẫn tồn tại trong quy trình tố tụng. Vậy phải làm sao để giảm thiểu hiện tượng này? ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Quy trình tố tụng phải thay đổi, mà muốn thay đổi thật sự thì không có gì khác là phải nâng cao quyền giám sát của nhân dân. Câu chuyện này làm rung động dư luận là vì một loạt các vấn đề về cơ chế và trách nhiệm. Cải cách tư pháp trong 10 năm qua chưa làm được, chỉ có vai trò của luật sư có thay đổi nhiều, nhưng điều kiện cho số đông người dân còn rất hạn chế. Phải minh bạch trong quá trình xét xử, đồng thời phải tạo điều kiện cho các bị can được hỗ trợ tư pháp, vì phần lớn họ không có điều kiện tự bảo vệ mình.

Câu chuyện minh oan cho ông Chấn vẫn chưa đến hồi kết, do vẫn phải qua một phiên xét xử với trình tự tái thẩm.

Trả lời trang báo điện tử giaoduc.net.vn ra ngày 5/11/2013, ông Vũ Đức Khiển, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cựu Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao khẳng định: “Việc chứng minh bị can có tội, sau đó kết tội là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bây giờ đã biết người ta bị oan thì phải làm thủ tục giám đốc thẩm để hủy hai bản án cũ, tuyên bố người ta vô tội, chứ không phải vì một kẻ ra đầu thú nhận tội mà coi đó là tình tiết mới… Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm, nhưng xử như vậy là sai. Viện KSND Tối cao kháng nghị tái thẩm cũng sai. TAND Tối cao có trách nhiệm bồi thường cho anh Nguyễn Thanh Chấn cả về vật chất lẫn tinh thần theo Luật Bồi thường của Nhà nước. Hội đồng xét xử của TAND Tối cao đã xử anh Chấn cũng phải có trách nhiệm trong việc này”. Ông Khiển cho rằng, nếu đưa ra tái thẩm thì đúng là TAND Tối cao đã phủi trách nhiệm. TAND Tối cao đã xử phúc thẩm bản án của TAND tỉnh Bắc Giang, phán quyết anh Chấn tù chung thân, và trên thực tế anh Chấn đã phải ngồi tù 10 năm rồi (theo giaoduc.net.vn).

Qua vụ án này, vậy có bao nhiêu vụ án oan sai chưa được làm sáng tỏ? Chắc khó có câu trả lời xác đáng. Song, chừng nào trình tự tiến hành tố tụng còn chưa được hoàn thiện, hiện tượng ép cung, dụ cung… còn tồn tại trong quy trình tố tụng của Cơ quan Điều tra, thì sẽ còn nhiều vụ án oan sai, nhiều người chịu oan ức như ông Chấn. Xem ra, cải cách tư pháp hiệu quả còn thấp.

Hoàng Linh

(Tổng hợp, bình luận)

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/phap-luat/xung-quanh-vu-an-ong-nguyen-thanh-chan-bi-xu-oan-xet-xu-va-khang-nghi-tai-tham-deu-sai.html