Xung quanh việc công nhận chức danh phó giáo sư năm 2014: Những nghi vấn âm ỉ

Năm 2014, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh 59 giáo sư (GS) và 585 phó giáo sư (PGS). Tuy nhiên mới đây, một số nhà giáo đã phát hiện một trường hợp có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh PGS trong năm 2014?

Cụ thể, nhân vật được đề cập có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh PGS năm 2014 là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn.

Xoay quanh chủ đề này, phát biểu trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn đã từng cho rằng việc thông tin có sự gian dối trong kê khai hồ sơ xét công nhận chức danh PGS là không có cơ sở. Bởi quy trình, thủ tục và điều kiện xét công nhận chức danh PGS rất nghiêm ngặt. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, “thực chất đơn thư này đã gửi ra Trung ương. Bộ Công thương đã thông báo về vụ việc này với tôi. Tôi cũng đã làm đơn thư giải trình. Tuy nhiên, sự việc đúng sai gì thì chỉ có những người trong Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước và cơ quan chức năng mới có thẩm quyền…”– Ông Nguyễn Xuân Hoàn phát biểu trên báo chí.

Theo lý giải trên thì sự việc cũng chỉ mới dừng lại ở dạng thông tin nghi vấn hoặc đợi kết luận của HĐCDGSNN và cơ quan chức năng có liên quan nếu có.

Tuy nhiên hai năm trôi qua, chưa thấy cơ quan nào đề cập công khai đến trường hợp bị điều tiếng trên và câu chuyện nghi vấn có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh PGS năm 2014 vẫn âm ỉ đến nay.

Mới đây, một số nhà giáo đã quyết nêu ra những luận cứ chứng minh, cho thấy những nghi vấn là rất có cơ sở. Cụ thể xoay quanh ba vấn đề chính.

Một là, ông Nguyễn Xuân Hoàn không đủ điểm công trình khoa học theo quy định khi xét công nhận chức danh PGS năm 2014 chuyên ngành sinh học môi trường. Vì trong 5 bài báo khoa học của ông Nguyễn Xuân Hoàn kê khai (Bài 1 – Nghiên cứu khả năng khử chất dinh dưỡng trong nước thải bằng phương pháp hồ sinh học kết hợp, đăng trên tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), số 19, tháng 12/2007 do 2 tác giả đăng ký; Bài 2 – Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tái sử dụng nước thải sinh hoạt, đăng trên ấn phẩm chuyên về khoa học và công nghệ của Tạp chí Công nghiệp (Bộ Công Thương), tháng 2/2009; Bài 3 – Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tái sử dụng nước thải sinh hoạt ngay tại nguồn đăng trên tạp chí Hóa học và Ứng dụng (Hội Hóa học VN), số 12 (96), năm 2009; Bài 4 – Nghiên cứu xử lý ammonium nồng độ thấp trong nước thải sinh hoạt bằng phương pháp anammox, đăng trên tạp chí Hóa học và Ứng dụng (Hội Hóa học VN), số 13 (97), năm 2009; Bài 5 – Tận dụng tro từ quá trình đốt chất thải hữu cơ để sản xuất vật liệu xây dựng, đăng trên tạp chí Công nghiệp (Bộ CT), số tháng 1+2+3/2010) cho thấy chỉ có Bài 1 nằm trong danh mục được tính điểm công trình khoa học của ngành Sinh học năm 2014 (điểm khoa học tính từ bài báo chỉ tối đa là 0,5 điểm/2 người =0,25 điểm), còn lại 4 bài trên đều không nằm trong danh mục tạp chí được tính điểm do HĐCDGSNN quy định trong sách Văn bản pháp quy và tài liệu hướng dẫn về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2014.

Ngoài ra, có 2 bài có nội dung và kết quả nghiên cứu trùng khớp, chỉ khác nhau là đăng trên hai tạp chí khác nhau đó là bài 2 và bài 3.

Hai là, không đủ tiêu chuẩn nhà giáo vì trong năm học 2012-2013, ông Nguyễn Xuân Hoàn đã bị Bộ Công thương kỷ luật cảnh cáo trong công tác quản lý, điều hành tại trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nên ông bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, theo Luật Giáo dục (Điều 70, Khoản 2a), ông Hoàn không đạt được tiêu chuẩn nhà giáo.

Ba là, không đủ khối lượng giảng dạy hàng năm trong 6 năm cuối, bởi trong những năm này ông Nguyễn Xuân Hoàn không trực tiếp tham gia giảng dạy. Cụ thể, trong thời gian (từ tháng 11/2008 đến tháng 2/2013) ông Hoàn đương nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (từ tháng 3/2013 đến nay) đều không trực tiếp tham gia giảng dạy trên lớp. Tuy nhiên có điều nghịch lý là không hiểu vì sao mà ông Hoàn lại có 2 bản xác nhận giờ dạy của Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, một nhà giáo bức xúc.

Tóm lại, theo quy định, có hai tiêu chí chính làm cơ sở để công nhận chức danh PGS. Một là, có đủ tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện, hoàn thành nhiệm vụ nhà giáo, có thâm niên đào tạo trên 6 năm (trong đó đang có 3 năm thâm niên cuối), có đủ khối lượng giảng dạy hàng năm theo quy định (trong đó phải có trên 50% trực tiếp giảng dạy); Hai là, tổng số điểm tối thiểu của các công trình khoa học được quy đổi là 6 điểm, trong đó ít nhất 3 điểm quy đổi từ bài báo khoa học.

Như vậy, dựa theo những phân tích, luận cứ của một số nhà giáo nêu ra cho thấy những nghi vấn có dấu hiệu gian dối để được công nhận chức danh PGS năm 2014 là có cơ sở. Bởi dựa theo tiêu chí để làm cơ sở công nhận chức danh PGS thì ông Nguyễn Xuân Hoàn không đủ tiêu chuẩn cho đợt xét chức danh PGS năm 2014.

Trước những thông tin được cho là khá sát sườn nêu rõ những vấn đề bất cập trong việc xét chức danh PGS của ông Nguyễn Xuân Hoàn đang đặt ra giả thuyết có khả năng tồn tại nghi án gian dối để được công nhận chức danh PGS năm 2014. Chính vì vậy, cần thiết sự vào cuộc của HĐCDGSNN và cơ quan chức năng có liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ việc, trả lại sự minh bạch cũng như giá trị cao quý của các chức danh đã được công nhận.

Báo NB&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Chính Kỳ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhung-nghi-van-am-i/