Xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu: Hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại tại Cancun

Sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Copenhague, Hội nghị Cancun, dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay, vẫn khó đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý với mục đích đấu tranh chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Cho tới thời điểm hiện tại, các quốc gia giàu mạnh, vốn được xem là những nhà phát thải gây ô nhiễm nhất thế giới, cũng đồng thời là những người quyết định phần lớn kết quả của hội nghị này, vẫn không mấy trông đợi và kỳ vọng vào thành công của cuộc gặp gỡ tới đây.

Chúng ta sẽ tham dự mội hội nghị Copenhagen lần thứ hai ? Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu, sẽ diễn ra tại Cancun trong các ngày từ 29/11 đến 10/12 tới đây, là phần tiếp theo của hội nghị Copenhagen đã kết thúc vào cuối năm ngoái, nơi các nhà đàm phán không thể thống nhất về một thỏa thuận mang tính ràng buộc. Mặc dù bản thỏa thuận này đã được khoảng 20 nhà lãnh đạo các quốc gia cố gắng hết sức để đàm phán nhằm ấn định mục tiêu giữ mức nóng lên của khí hậu không vượt quá ngưỡng 2°C song nó vẫn còn bị thoái thác do tồn tại nhiều bất đồng xung quanh các phương tiện và kỳ hạn để đạt được mục tiêu đó. Vào thời điểm hai tháng trước Hội nghị thượng đỉnh Cancun, một hội nghị của Diễn đàn các nền kinh tế lớn của thế giới đã được tổ chức tại New York vào đầu tuần qua, nhóm họp 17 nền kinh tế lớn của thế giới (Nam Phi, Đức, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga và Liên minh châu Âu), các nền kinh tế đóng góp tới 80% lượng khí thải CO2 của thế giới. Tuy nhiên, sau ba ngày thảo luận, những nước tham gia Diễn đàn đều thừa nhận là Hội nghị Cancun vào tháng 12 chỉ có thể đưa ra một số biện pháp, chứ không thể có được một thỏa thuận chung mang tính ràng buộc. Bảng tổng kết của hội nghị này không được đảm bảo Ông Todd Stern, đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề liên quan tới khí hậu, đã tuyên bố với giới báo chí: "Các vòng đàm phán đã đạt được sự đồng thuận về mức độ cần thiết phải đưa ra các quyết sách quan trọng. (...) Tuy nhiên, không một ai có thể khẳng định việc thông qua được một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý tại Cancun, bởi vì, nói thì dễ hơn làm, rất khó đạt được đồng thuận trong một hội nghị có tới hơn 190 nước tham gia". Ông cũng chỉ ra rằng rất nhiều quốc gia hiện đang lùi lại so với các cam kết không ràng buộc về cắt giảm lượng khí thải như đã đưa ra tại Copenhagen. Điều đáng nói là nếu như chuyên gia này đã khẳng định cam kết của Mỹ về giảm thiểu, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống 17% so với mức của năm 2005, thì ông lại không chỉ rõ ra làm thế nào để đạt được mục tiêu này trong khi không có bất kỳ một văn bản nào được thông qua tại quốc hội Mỹ. "Đối với tôi, hoàn toàn không có nghi ngờ gì về việc sẽ đưa ra một luật mới. Nhưng tôi không thể nói một cách chính xác khi nào và tôi không thể nói một cách chính xác rằng nó sẽ được đưa ra dưới hình thức nào", ông khẳng định. Cho tới thời điểm hiện tại, một loạt vấn đề vẫn còn chưa ngã ngũ, trong đó đặc biệt là làm thế nào để giảm tác động của việc phát thải khí gây hiệu nhà kính, vấn đề minh bạch hóa, đầu tư tài chính và công nghệ. Như chúng ta đều biết, điểm sáng hiếm hoi tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen hồi năm ngoái là đưa ra thỏa thuận dự kiến thành lập khoản ngân quỹ hỗ trợ đối với các quốc gia dễ bị tác động nhất trị giá 30 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2012, và tiếp theo sẽ lên tới 100 tỷ USD trong giai đoạn đến năm 2020. Một khoản tiền được cam kết nhân danh "các trách nhiệm lịch sử" của các quốc gia công nghiệp hóa được xem là một tiến bộ, tuy nhiên lại vẫn chưa đáp ứng được như mong đợi. Đầu tháng 9 vừa qua, các Bộ trưởng Môi trường của 46 quốc gia đã tiến hành thảo luận về việc tạo ra nguồn quỹ này, đồng thời bày tỏ cái nhìn lạc quan về khả năng có thể chính thức đưa ra thông báo tại Cancun. Tuy nhiên, ngoài kết quả tương đối khả quan liên quan tới việc tạo ra nguồn quỹ này, các cuộc thảo luận xung quanh các vấn đề khác về khí hậu vẫn chưa tiến xa hơn và có vẻ sẽ đi vào điểm chết. "Đây là một cuộc gặp gỡ rất mang tính xây dựng nhưng không phải là một diễn đàn, nơi chúng ta có thể đưa ra các quyết định", nghị sĩ của châu Âu phụ trách về khí hậu, bà Connie Hedegaard, cho biết. Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới, Michel Jarraud, đã lên tiếng kêu gọi, bên lề hội nghị tại Bogota, tăng cường các cố gắng chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu và thích ứng với những lĩnh vực bị tác động. "Nếu chúng ta chờ đợi, các hệ quả sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều và chi phí cho quá trình thích ứng cũng sẽ rất lớn đối với nhiều quốc gia", ông dự báo. "Ngay cả khi giảm thiểu lượng khí thải (khí thải gây hiệu ứng nhà kính) cũng sẽ có rất nhiều hiện tượng biến đổi khí hậu xảy ra", ông nói thêm. Vấn đề đặt ra cho tới thời điểm này là chúng ta phải đối mặt như thế nào với sự chậm trễ của thế giới, đặc biệt là từ phía các quốc gia phát triển khi những nước này không mấy mặn mà phản ứng lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, hay ngược lại, chúng ta vẫn cần phải giữ tinh thần và phản ứng lạc quan hướng tới tương lai? Hội nghị thượng đỉnh Cancun vẫn còn ở phía trước, các kết quả đạt được vẫn là mục tiêu hướng tới của không ít các quốc gia. Và mặc dù còn nhiều khó khăn song nếu có nỗ lực không mệt mỏi và sự đồng lòng của cả thế giới, thành công về một bản thỏa thuận ràng buộc vẫn không phải là việc làm bất khả thi và chúng ta vẫn có quyền hy vọng sẽ "thấy tia sáng ở cuối đường hầm".

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=425327&co_id=30480