Xúc động trước tấm lòng người thầy với HS 8 tuổi nhỏ như trẻ sơ sinh

Không có thầy Đặng Văn Cương và các thầy cô giáo Trường tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) thì với căn bệnh đặc biệt của mình, có lẽ em Đinh Văn Rể mãi mãi không bao giờ được biết đến niềm hạnh phúc được cắp sách đến trường.

Thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò đặc biệt

Nhân vật đặc biệt nhất trong buổi tiếp kiến Phó Chủ tịch nước

Em Đinh Văn Rể, dân tộc H’rê - học sinh lớp 1 Trường tiểu học Sơn Ba - là nhân vật đặc biệt nhất trong buổi tiếp kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng đoàn nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc sáng 18/11.

Đoàn nhà giáo, không ai nén nổi xúc động khi thấy hình ảnh một em bé nhỏ xíu mặc đồng phục học sinh gọn lỏn trong lòng thầy Đặng Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Ba. Với chứng bệnh lạ chưa được xác định, Rể không thể lớn, nên dù đã 8 tuổi nhưng em chỉ nặng 3,5 cân và cao 58 cm – trông y như một đứa trẻ sơ sinh.

Xúc động còn bởi sự chăm sóc vô cùng ân cần, nâng niu của người thầy với cậu trò bé nhỏ. Lần đầu tiên được ra Hà Nội và cũng có lẽ lần đầu tiên được gặp đông người đến như vậy nên lo lắng, lạ lẫm là không tránh khỏi; nhưng trên gương mặt nhỏ xíu vẫn nở nụ cười tươi tắn, hạnh phúc vì luôn được ở trong vòng tay vững chãi của thầy giáo, được thầy bảo vệ, yêu thương.

Tại Phủ Chủ tịch, hai thầy trò đặc biệt đã vinh dự được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà, động viên và ân cần hỏi thăm.

Tính thầy trò như cha con gây xúc động lòng người

Tính thầy trò như cha con gây xúc động lòng người

Tranh thủ được ra Hà Nội tuyên dương để mang học trò đi chữa bệnh

Thầy Đặng Văn Cương là một trong hai nhà giáo tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi được ra Hà Nội tham dự chương trình tri ân nhà giáo 2016. Vinh dự này với thầy không chỉ đơn thuần là niềm vui khi được vinh danh, mà hơn thế, đây là cơ hội không thể tốt hơn để có thể đưa cậu học trò đặc biệt ra thủ đô khám bệnh. Thời gian rảnh, trong khi có thể đi thăm thú Hà Nội thì thầy Cương lại cố gắng tìm bác sĩ, mong tìm ra căn bệnh lạ cho học trò của mình.

“Hôm qua, thầy trò tôi qua Bệnh viện Nhi trung ương, em Rể đã được các chuyên gia đầu ngành khám bệnh. Bác sĩ nói phải 2 tháng nữa mới có kết quả. Theo lời của Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Nhi Trung ương, sau này sẽ có một chuyên gia người Mỹ đến làm việc và xác định nguyên nhân bệnh của em” – thầy Cương chia sẻ.

Nói về cơ duyên với người học trò đặc biệt, thầy Cương kể: Trường Tiểu học Sơn Ba đang nuôi học sinh ở cùng làng của Rể. Nhà em nằm trong hốc núi rất xa. Cách đây 3 năm, tôi biết đến em khi về làng vận động học sinh ra lớp. Khi đó, tôi có hứa với bố mẹ em, nếu sau này đưa con xuống mà ở được với thầy 1 ngày thì trường sẽ nhận nuôi. Không ngờ, đầu năm 2016, khi được cha mẹ đưa xuống, Rể đã ở nội trú trong trường được luôn 1 tuần.

Qua mấy tháng học, thầy Cương cho biết Rể hòa đồng, ngồi trên lớp ngoan ngoãn lắng nghe thầy cô giảng và đặc biệt hiểu tiếng Kinh khá tốt, thậm chí còn tốt hơn cả anh trai ruột của em hiện cũng đang học lớp 4 tại trường. Tuy nhiên, nhận thức của em không thể được như trẻ cùng lứa tuổi.

“Hiện nay Rể biết cầm bút, cầm phấn nhưng chưa nhận được mặt chữ, viết được chữ O nhưng còn nguệch ngoạc vì em là người dân tộc thiểu số, lại mới ở trên núi xuống và chưa biết một chữ tiếng Kinh nào. Tham vọng của nhà trường không cần em biết đọc, biết viết ngay mà là giúp em hòa nhập với cộng đồng, dạy em một số kĩ năng cơ bản. Ngoài một số khó khăn trong tiếp thu kiến thức, Rể sinh hoạt, tự phục vụ bình thường, chỉ nhờ thầy cô hỗ trợ khi cần thiết do thể trạng em quá nhỏ” – thầy Cương tâm sự.

Nhà trường là mái ấm

Theo lời kể của thầy Đặng Văn Cương, hiện nay Trường Tiểu học Sơn Ba có 430 học sinh, trong đó 279 em được hưởng chế độ bán trú; 37 học sinh ở nội trú, được trường nuôi là những em có hoàn cảnh khá đặc biệt, hoặc nhà ở quá xa, hoặc mồ côi cha mẹ.

Những học sinh này ăn, ở, sinh hoạt tại trường, được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ và được các thầy cô giáo quan tâm chăm sóc tận tình.

“Chúng tôi cắt cử, phân công giáo viên nấu ăn cho học sinh. Hiện toàn trường có tổng số 32 thầy cô, trong đó 12 người đang ở nội trú. Cũng may là có nhiều thầy cô từ đồng bằng lên miền núi, bản thân tôi là hiệu trưởng cũng ở nội trú nên việc chăm sóc cho các em thuận tiện hơn” – thầy Cương chia sẻ.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xuc-dong-truoc-tam-long-nguoi-thay-voi-hs-8-tuoi-nho-nhu-tre-so-sinh-2578065-v.html