Xúc động đọc lại truyện trong sách Truyện đọc ngày xưa

Những câu chuyện cổ tích trong sách Truyện đọc ngày xưa có 8x, 9x nào còn nhớ?

Trí khôn của ta đây - một trong những câu chuyện đầu tiên mà những đứa trẻ 8x, 9x thời đó được nghe kể trong giờ đọc truyện. (Ảnh: Sách đẹp)

1. Trí khôn của ta đây

Một con Cọp từ trong rừng sâu đi ra, thấy một bác nông dân bé nhỏ cùng một con Trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước nặng nề, lâu lâu bác nông dân lại quất cho một roi vào mông. Trâu vẫn nhẫn nại kéo cày, Cọp lấy làm lạ. Đến trưa buổi mở cày, Trâu được thả ra nghỉ ngơi, gặm cỏ. Cọp liền men lại gần Trâu, hỏi nhỏ:

- Này, trông anh khỏe thế, sao lại để Người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu vừa nhai cỏ, vừa ghé vào tai Cọp thì thầm:

- Người tuy nhỏ, nhưng Người có trí khôn anh ạ!

Cọp nghe nói đến "trí khôn", tò mò hỏi:

- Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết nói làm sao cho Cọp hiểu được, đành trả lời qua quýt:

- Trí khôn là trí khôn chứ còn là cái gì nữa! Muốn biết rõ thì lại hỏi Người ấy!

Cọp thong thả bước lại gần bác nông dân, ôn tồn hỏi :

- Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Bác nông dân suy nghĩ giây lát rồi nói :

- Trí khôn của tôi để ở nhà. Muốn xem, để tôi về nhà lấy cho mà xem! có cần dùng, tôi sẽ cho một ít 1

Cọp nghe nói thế ,mừng lắm. Bác nông dân đứng dậy, giả bộ đi về nhà. Được mấy bước, như sực nhớ ra điều gì, bèn quay lại, bảo:

- Nhưng trong lúc tôi đi vắng, anh ăn mất trâu của tôi thì sao? Hay là anh chịu khó để tôi trói tạm anh vào gốc cây này, tôi mới yên tâm !

Cọp muốn xem "trí khôn" của Người, nên bằng lòng. Bác nông dân bèn lấy dây thừng trói Cọp thật chặt. Rồi chất rơm xung quanh, vừa châm lửa đốt vừa nói :

-Đây! "Trí khôn" của ta đây!

Cọp cháy sém cả lông, gầm thét, giãy giụa. Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra cười. Chẳng may hàm trên va vào đã, gẫy mất răng. Mãi sau, dây thừng cháy đứt, Cọp thoát khỏi, ba chân bốn cẳng cút thẳng vào rừng, không dám ngoảnh đầu lại.

Từ đó, Cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, dấu tích những vết cháy, còn Trâu thì chẳng con nào có hàm răng trên cả.

2. Mèo con không biết vâng lời

Đó là một con mèo tam thể rất đẹp nhưng cũng rất bướng, không biết vâng lời. Nó còn nhỏ không biết mẹ nó là ai, chỉ biết có một cô bé thường ôm vuốt ve và không bao giờ mắng nó cả.

Cô bé dặn nó một điều:

- Mèo ơi! Mèo ngoan nhé! Đừng đi đâu xa mà lạc đường không biết đường về nhà.

Mèo dạ dạ vâng vâng, nhưng rồi quên ngay. Một hôm, mèo chạy vào cánh rừng gần nhà, hết đuổi bướm ngắt hoa lại vày vò mấy chiếc lá khô. Mải chơi cho đến trời tối mới nhớ chuyện về. Nhưng đi phía nào?

Mèo không biết, nhìn xung quanh chỉ thấy cây, không thấy nhà, chim chóc không hót nữa, bốn bề vắng lặng. Bỗng có tiếng cú kêu đâu đó, mèo không còn hồn vía nữa, run cầm cập, ngồi bệt dưới gốc cây, khóc meo meo.

Thỏ con không biết nghe lời, lạc đường trong rừng sâu. (Ảnh: Sách đẹp)

Thỏ đi ngang qua đấy, thấy vậy dừng lại hỏi:

- Ai đấy? Sao mà khóc?

Mèo nói mèo quên đường về.

- Em là ai? Mẹ ở đâu?

- Không biết! Không biết!

Thỏ vẫy đôi tai dài và nhọn, nhìn mèo, suy nghĩ một lát, hỏi tiếp:

- Thế em có biết nhảy không đấy?

Mèo trả lời:

- Có biết nhảy, biết cả leo trèo nữa!

- À! Đúng rồi! Họ nhà anh rồi! Đừng khóc nữa, để anh dẫn về nhà!

Mèo đi theo thỏ. Đi được một chặng. Thỏ quay lại hỏi:

- Sao tai em ngắn thế! Ngắn hơn tai anh!

Mèo trả lời:

- Tai em ngắn, nhưng đuôi em cũng dài bằng đuôi anh.

Về đến nhà, thỏ gọi mẹ:

- Mẹ ơi! Con tìm được một em thỏ trong rừng đây này!

Thỏ mẹ nói:

- Dẫn em vào, cho em ăn rồi hai anh em đi ngủ. Tối rồi!

Thỏ con lấy một cái lá cải đưa cho mèo và bảo "ăn đi". Mèo cầm lá cải trong tay, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, mếu máo:

- Không ăn được thứ này!

Thỏ mẹ chạy lại, nhìn mèo một lúc rồi lắc đầu:

- Nhầm rồi! Không phải họ nhà ta đâu!

Và thỏ mẹ gọi mấy bà hàng xóm sang:

- Các bà ơi! Thằng con nhà tôi dẫn về một con vật ngộ lắm, đuôi cũng dài nhưng tai ngắn. Họ nhà tôi, tai đâu ngắn ngủn thế này?

Cả bầy thỏ cái xúm lại quanh con mèo, xem xét, cãi cọ ồn ào, một lão thỏ què lết tới:

- Các bà xê ra thử nào! Tai ngắn thì không phải là thỏ rồi. Nhưng đuôi dài thì là sóc!

Lão quay sang hỏi mèo:

- Cháu nói đi! Cháu trèo cây được không?

- Cháu trèo cây được.

- Đuôi dài lại biết trèo cây, đúng là sóc không chệch...đi đằng nào. Cháu đi theo ông!

Lão thỏ què dẫn mèo đi băng qua một bãi cỏ rộng luồn sâu vào rừng đến một hốc cây, có nhà sóc ở đấy. Gõ gõ, có tiếng sóc trên hốc cây vọng xuống:

- Ai? Đêm khuya có việc gì đó?

- Tôi đây mà! Thỏ què đây mà! Tôi đưa đến cho ông một chú sóc con. Nó lạc đường, tội nghiệp! Nó đói lắm!

- Bác cứ bảo nó trèo lên đây. Tôi còn bận tay, không xuống được!

Mèo trèo lên một cách dễ dàng, mau lẹ chui vào hốc cây. Già sóc đưa cho một quả thông bảo ăn cho khỏi đói. Mèo cầm quả thông vứt đi! Già sóc kêu lên:

- Chết rồi! Sao lại vứt đi! Quả thông ngon lành thế kia!

Nhìn lại mèo, già sóc mới thấy không phải là họ nhà sóc. Sóc đuôi dài nhưng nhiều lông, như cái chổi cơ! Đằng này đuôi thẳng đuồn đuột! Già sóc liền hỏi:

- Cháu thích ăn gì? Nói xem nào. Ăn nấm khô ư?

- Không. Thịt chuột cơ!

Già sóc thở dài, bực mình gắt:

- Thế mà nãy giờ không nói! Nói thì người ta biết ngay. Cháu đích thị họ nhà nhím. Nhanh lên đi theo ông!

Đến nhà nhím. Bà nhím cho mèo một miếng thịt chuột. Mèo vồ lấy ăn ngon lành. Bà nhím lại bảo.

- Vào ổ mà ngủ với các em. Khuya rồi, trời lạnh lắm đấy!

Mèo vừa chui vào ổ, xích lại mấy chú nhím đang ngủ khì. Nhưng bỗng nó la eo éo. Có cái gì như dùi đâm vào da thịt nó, không chịu nổi. Mèo chạy ra, nhảy xuống ngồi dưới gốc cây, khóc. Bà nhím lắc đầu thương hại:

- Không phải thỏ, không phải sóc cũng không phải nhím, thế thì họ nhà ai?

Mèo không biết nên không trả lời được, chỉ khóc meo meo.

Bà nhím buồn ngủ, ngáp dài, mắng:

- Mặc xác mày! Họ nhà ai cũng không biết! Mày dại cho mày chết! Đáng đòi!

Một lúc sau thì sáng. Mặt trời mọc. Quạ ngủ trên cành cây tỉnh dậy trước và nhìn thấy mèo co ro, chịu rét suốt đêm bụng lại đói, có được một miếng thịt chuột nhưng chưa no nên mèo vẫn khóc. Quạ hỏi một hồi rồi liến thoắng kêu toang toác:

- Biết rồi! Biết rồi! Biết mày là họ nhà ai rồi! Mày đích thị họ nhà mèo. Tao thường bay qua nhà mày, thấy mày vẫn đùa với một em bé gái giữa sân nhà mày! Đúng không nào? Tội nghiệp! Đi theo tao!

Nói rồi quạ cất cánh bay trước và mèo ở dưới đất chạy theo ra khỏi rừng, lên đường cái.

Trông thấy ngôi nhà đằng xa, mèo ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà, không kịp cám ơn bác quạ tốt bụng.

Mèo thở hổn hển, vừa khóc mếu máo, níu lấy áo cô bé nói:

- Xin lỗi chị! Em không dám trái lời chị dặn nữa đâu!

3. Cóc kiện trời

Ngày xửa ngày xưa, không nhớ rõ năm nào, đời nào, trời hạn rất lâu, ruộng đồng nứt nẻ, cỏ cây chết đứng, trụi cả lá và thú vật không tìm đâu ra nước uống.

Cóc thấy nguy quá, lên Thiên đình kiện trời. Đi một quãng, gặp Cua, Cua hỏi đi đâu. Cóc kể rõ sự tình, Cua xin đi theo. Đến một khu rừng, Cóc lại gặp Gấu và Cọp, Gấu và Cọp cũng khát khô cuống họng, đang nằm dài chờ chết. Thấy Cóc và Cua dắt nhau đi, Gấu và Cọp hỏi nguyên do. Cóc đáp:

- Chúng ta sắp chết khát cả. Phen này phải lên trời hỏi xem sao. Các anh có đi thì cùng đi.

Gấu và Cọp đồng thanh nói:

- Thế thì cho chúng tôi đi với! Anh em chúng ta sống chết có nhau.

Một lúc lại gặp ong và Cáo. Ong và Cáo cũn năn nỉ xin theo. Thế là cả bọn kéo nhau lên Thiên Đình. Đến cửa Thiên Đình, thấy một cái trống to đặt ở đấy, Cóc bảo cả bọn:

- Anh Cua, anh vào trong chum nước này. chú Ong, chú nấp sau cánh cửa, còn anh Cáo, bác Gấy, bác Cọp thì ra phía sau chờ đấy.

"Con cóc là cậu ông trời - Nếu ai đánh nó thì trời đánh cho". (Ảnh: Sách đẹp)

Sắp đặt xong,Cóc một mình bước tới lấy dùi đánh ba hồi trống. Ngọc Hoàng rất đỗi ngạc nhiên, sai Thiên Lôi ra xem. Nhìn quanh quất không thấy ai cả, chỉ thấy một chú cóc xấu cí, bé nhỏ, ngồi chễm chệ trên mặt trống. Thiên Lôi trở vào tâu Ngọc Hoàn. Ngọc Hoàng ức giận, ra lệnh thả Gà ra mổ con Cóc hỗn xược ấy cho chết.

Gà vừa chạy đến, Cóc ra hiệu cho Cáo ở đằng sau nhảy tới, cắn cổ cắp đi. Ngọc Hoàng càng tức giận sai Chó ra cắn Cóc. Chó vừa xông ra khỏi cửa, Cóc làm hiệu cho gấu tiến lên, bóp Chó chết tươi. Tin đến Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng phái cho Thiên Lôi ra trị Gấu. Thiên Lôi cầm lưỡi tầm sét hùng hổ xông ra. Chưa kịp ra tay, Ong ở sau cửa đã bay lên đốt túi bụi. Thiên Lôi nhảy vào chum nước tránh cho Ong khỏi đốt thì bị Cua ở trong chum cắp khiến hắn la hét inh ỏi và nhảy ra ngoài. Hắn đang bối rối,chưa biết làm sai thì đã bị Cọp vồ, xé xác.

Ngọc hoàng túng thế đành nhượng bộ, mời Cóc vào. Cóc tâu:

- Muôn tâu Thượng đế, đã ba bốn năm rồi, dưới trần gian không hề được một giọt mưa. Vạn vật khô héo hết cả. Nếu kéo dài mãi thì không còn một sinh vật nào sống sót.

Ngọc Hoàng sợ trần gian nổi loạn dịu giọng nói :

- Nhà ngươi về đi, ta sẽ lệnh cho mưa xuống.

Và dặn thêm :

- Hễ khi nào dưới trần gian hạn lâu ngày, thì cứ nghiến răng báo hiệu nhắc ta.

Ngọc Hoàng phán xong sai Rồng phun mưa xuống. Cóc về đến trần thì nước đã xăm xắp ruộng đồng. Từ đó về sau hễ Cóc nghiến răng là trời sắp mưa. Trong dân gian có câu hát:

"Con Cóc là cậu ông Trời
Hễ ai đánh Cóc là Trời đánh cho"

4. Cây khế

Ngày xưa, có hai anh em, bố mẹ mất sớm. Lúc chia gia tài, người anh tham lam chiếm hết nhà cửa, ruộng vườn, chỉ để lại cho người em một mảnh vườn nhỏ và một cây khế. Hai vợ chồng người em phải làm lụng vất vả, cày thuê cuốc mướn, sống lần hồi qua ngày.

Năm nào cây khế cũng sai trĩu quả. Hai vợ chồng người em hái kế đem ra chợ bán, đủ tiền đong gạo. Một buổi sáng, người em ra vườn thì thấy một con chim lạ đang mổ khế ở trên cành. Người em buông lời than thở :" Chim ơi! Nhà ta nghèo lắm, cả gia tài chỉ có mỗi cây khế này, chim đừng ăn khế của ta!". Chim bỗng kêu lên thành tiếng :

"Ăn một quả
Trả cục vàng
May túi ba gang
Mang đi mà đựng"

Cây khế là một trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam quen thuộc với trẻ nhỏ. (Ảnh: Sách đẹp)

Người em kể lại chuyện đó cho vợ nghe. Tin lời chim, hai vợ chồng liền kiếm vải cũ, chắp nối may cái túi đo vừa đúng ba gang. Sáng hôm sau, chim lạ đưa người em đi lấy vàng. Chim bay qua biển Đông đến một hòn núi thì hạ cánh. Trên sườn núi, những thỏi váng óng ánh, trông lóa cả mắt. Người em nhặt vàng bỏ đầy túi ba gang rồi cưỡi lên lưng chim trở về vườn cũ. Từ đó, hai vợ chồng người em trở lên giàu có. Bà con thôn xóm ai cũng đến chia vui, nghe anh kể lại câu chuyện lạ.

Vợ chồng người anh vốn tính tham lam, nghe tin liền sang gạ gẫm đổi cho em cả gia tài để lấy túp lều và cây khế. Chiều lòng anh, người em nhận lời, dọn về nhà anh ở.

Từ ngày đổi được cây khế, hai vợ chồng người anh nóng ruột chờ đợi. Một buổi sáng chim lạ lại đến ăn khế. Hai vợ chồng mừng quýnh. Người anh than thở và chim cũng kêu lên thành tiếng như lần trước. Hai vợ chồng người anh liền lấy vải may hẳn túi mười hai gang. Sáng hôm sau, chim bay tới, đưa người anh đi lấy vàn. Khi chim hạ cánh xuống núi, người anh hoa mắt lên, nhặt vội vàng nhét đầy túi to tướng, rồi ì ạch leo lên mình chim.

Vàng nhiều nặng quá, chim bay chậm. Đến giữa biển đôi cánh chim mỏi rã rời. Trời đã tối Bất chợt gặp cơn gió mạnh, chim không gượng được bay lảo đảo, lật mình một cái. Tên tham lam và cái túi vàng nặn trịch rơi tòm xuống biển.

Theo Sách đẹp

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/xuc-dong-doc-lai-truyen-trong-sach-truyen-doc-ngay-xua-104713