Xuất,nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Theo một số tổ chức quốc tế như Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Viện phát triển quản lý IMD tiến hành điều tra, so sánh và xếp hạng cạnh tranh quốc gia của các nền kinh tế thế giới. Theo đó, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam thấp và chậm được cải thiện (trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực). Vì vậy, để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện các giải pháp sau:

-Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng -Giảm thiều tình trạng tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính quyền và nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề về hành chính, giảm thiểu thủ tục -Phát triển nguồn nhân lực phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển quốc gia. -Hoàn thiện các loại thị trường: Tập trung vào những thị trường quan trọng hiện còn sơ khai như thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường công nghệ. Trong thời gian qua, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực trạng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng bền vững. Bởi, về thực chất, cơ cấu hàng xuất khẩu thời gian qua chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là khoáng sản (trong đó lại chủ yếu là dầu thô) và các sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến (như gạo, cà phê, thủy sản). Năm 2007, tỷ trọng hàng công nghiệp, hàng chế biến xuất khẩu mới chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Việc chuyển dịch cơ cấu mặt hàng để tăng sức cạnh tranh còn chậm, xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế so sánh. Với những cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ bắt đầu từ tháng 12/2001, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Mỹ, cũng như chính sách thương mại của Mỹ đối với Việt Nam ngày càng tăng.... Trong khi đó, việc nhập khẩu hàng hóa vẫn chưa có sự chọn lọc và chưa có biện pháp hạn chế nhập khẩu những máy móc công nghệ cũ sẽ tất yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, chu kỳ kinh doanh, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2007 tăng 38,02% so với năm 2006 - mức tăng kỷ lục. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị tiên tiến, công nghệ nguồn thấp mà chủ yếu là nhập khẩu những máy móc thiết bị công nghệ thấp và trung bình của thế giới. Thống kê cho thấy, lượng máy móc nhập khẩu nhiều nhất lại là từ Trung Quốc, Hàn Quốc - những nước có nền công nghiệp phát triển ở mức trung bình của thế giới. Nhập siêu năm 2007 cao kỷ lục, lên tới 13,29 tỷ USD, tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2006 (4,8 tỷ USD) đưa tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu đạt 27,69%, cao nhất trong 10 năm qua. Mặc dù nhập siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu khối lượng lớn nguyên liệu, thiết bị máy móc đầu vào, một phần do giá nhập tăng như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy, sợi dệt, bông. Cán cân thương mại thâm hụt ngày càng lớn là một dấu hiệu không thuận lợi cho nền kinh tế, nó chứng tỏ khả năng sản xuất và cạnh tranh của các hàng hóa trong nước còn yếu, hàng hóa trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn ngay cả trên thị trường nội địa khi mà Việt Nam phải cắt giảm thuế suất nhập khẩu theo lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO. Việc cố gắng giảm dần nhập siêu tiến tới xuất siêu cần được đặt ra cụ thể và ngay từ bây giờ, vì hiện nay nhập khẩu của Việt Nam không được tài trợ từ nội lực của nền kinh tế mà từ đi vay nước ngoài là điều chứa đựng nhiều rủi ro (rủi ro về tỷ giá, rủi ro thanh toán). Nhập siêu tăng như hiện nay chỉ được phép tồn tại trong ngắn hạn và trong giới hạn kiểm soát được. Vì vậy, thời gian tới Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, tập trung vào những ngành công nghiệp sáng tạo (vốn không lớn nhưng mang lại giá trị gia tăng cao).Chọn các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu cao như nhựa, dây cáp điện, dệt may. Tiếp tục khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm bớt tỷ lệ gia công hàng hóa cho nước ngoài. Cải cách thủ tục hải quan và thuế (hoàn thuế) nhanh gọn, phù hợp với thực tế nhằm tiếp tục khuyến khích xuất khẩu và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Song song với các biện pháp trên, cần phải phân lớp các ngành công nghiệp phụ trợ cụ thể và quy hoạch vùng nguyên phụ liệu cho các ngành. Phát triển các ngành dựa trên hiệu quả và sáng tạo, người Việt có tiềm năng trong những ngành này với khả năng học hỏi, tiếp thu nhanh và khéo léo. Đồng thời, sử dụng máy móc trong nước cho những công việc chưa thực sự cần công nghệ tiên tiến. Tăng cường R&D vào những ngành công nghệ cao. Thay đổi cơ cấu nhập khẩu trong đó có những việc có thể làm ngay là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những mặt hàng xa xỉ nhằm hạn chế tiêu dùng, chỉ nhập khẩu những máy móc thiết bị hiện đại phù hợp với yêu cầu. Tăng cường xúc tiến để xuất khẩu nhiều hơn sang những thị trường hiện nay đang nhập siêu lớn như Trung Quốc, ASEAN. Việc nới rộng biên độ tỷ giá đồng Việt Nam và đôla Mỹ cần được thực hiện từng bước tiến tới để giá trị của các đồng tiền dần điều tiết theo cơ chế thị trường.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/xuat-nhap-khau/tin-tuc/12756-xuatnhap-khau-dong-vai-tro-quan-trong-trong-viec-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam