Xuất khẩu xi măng vào 'cửa khó'

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết: Thời gian tới, xuất khẩu xi măng (XM) sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi Quốc hội và Chính phủ vừa ban hành 2 Luật thuế và 2 Nghị định, trong đó chi phí xuất khẩu XM sẽ tăng lên.

Ảnh minh họa.

Từ 01/07/2016, Chính phủ đã ban hành 02 Luật thuế số 106/2016/QH13 và 107/2016/QH13 cùng Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế (Luật số 106/2016/QH13); Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Hai Luật thuế và Nghị định mới thực thi tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến xuất khẩu XM và clinker của các doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Như vậy, chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp XM trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/ tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/ tấn) và tăng 7,5 USD/ tấn XM (theo giá FOB bình quân 50 USD/ tấn). Giá xuất khẩu XM tăng lên, khi đó XM của Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan.

Đại diện một doanh nghiệp XM cho rằng: Hai năm gần đây (năm 2015-2016 – PV) xuất khẩu XM và clinker của nước ta gặp khó khăn do Trung Quốc tăng lượng XM xuất khẩu và giảm giá bán. Nay các Luật thuế và Nghị định này có hiệu lực thì việc xuất khẩu sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa, bởi chúng ta không thể cạnh tranh về giá với XM Trung Quốc.

Tính đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế ngành XM Việt Nam dự kiến khoảng 89 triệu tấn, tiêu thụ trong nước ước đạt 60 triệu tấn, xuất khẩu đang có xu hướng giảm, các nhà máy XM trong nước chưa thể hoạt độnh hết công suất. Giai đoạn năm 2017-2020, công suất ngành XM sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án XM lớn đi vào vận hành. Tương lai ngành XM không thể sáng sủa, các doanh nghiệp sản xuất XM chắn chắn sẽ khó khăn khi tiêu thụ XM trong nước không tăng đột biến, xuất khẩu XM và clinker sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất XM và clinker đã chủ động triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, nghiên cứu lắp đặt các thiết bị thu hồi nhiệt khí thải để có thể tự cung cấp một phần năng lượng… Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét, điều chỉnh, hoãn áp dụng các Nghị định, chính sách thuế đối với mặt hàng XM và clinker xuất khẩu.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/xuat-khau-xi-mang-vao-cua-kho.html