Xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh

(TBKTSG Online) – Năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt khoảng 1,8- 1,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó, tôm thẻ chân trắng sẽ chiếm 50% kim ngạch.

Ngọc Hùng Theo Vasep năm thị trường lớn mà tôm Việt Nam xuất khẩu là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Đức. Trong ảnh: Ban chấp hành Vasep đang họp cùng các hội viên để tìm cách giải quyết những khó khăn mà ngành thủy sản đang gặp phải. Ảnh: Ngọc Hùng Đây là thông tin được ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đưa ra tại hội nghị các ngành hàng thủy sản do hiệp hội này tổ chức tại TPHCM ngày 14-6. “Tuy khối lượng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu thấp hơn so với tôm sú nhưng giá trị gia tăng của tôm thẻ chân trắng lại lớn hơn nên lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bằng tôm sú”, ông Hòe giải thích. Theo ông Hòe, tình hình thiếu tôm sú nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài không chỉ trong năm nay mà có thể trong năm tới nên để bù đắp phần thiếu hụt nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang chế biến và xuất khẩu tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, việc kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng bằng tôm sú là điều đáng lo vì ngành tôm Việt Nam đang bỏ sở trường để chuyển sang sở đoản. “Nếu tình hình thiếu tôm sú cứ kéo dài, bắt buộc doanh nghiệp thủy sản tiếp tục xuất khẩu tôm thẻ chân trắng thì sẽ cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực, vốn có thế mạnh về chế biến và xuất khâu tôm thẻ chân trắng”, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc công ty Thuận Phước, Đà Nẵng nói. Vì vậy, nhiều doan nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép nhập khẩu tôm sú nguyên liệu với thuế suất ưu đãi để giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu như hiện nay. “Nếu Bộ Nông nghiệp đồng ý thì vấn đề thiếu tôm nguyên liệu sẽ được giải quyết vì theo tôi biết thì những quốc gia nuôi tôm ở Nam Mỹ sẵn sàng bán tôm nguyên liệu cho doanh nghiệp Việt Nam với giá không cao”, ông Hòe cho biết. Doanh nghiệp chế biến hải sản có nguy cơ phá sản Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch Vasep, cho biết nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu có khả năng giảm bớt công nhân, đóng cửa nhà máy vì thiếu nguyên liệu do ngư trường đáng bắt các loại hải sản có dấu hiệu cạn kiệt trong khi mùa đánh bắt năm nay đã đến chậm hơn mọi năm 1 tháng. Theo bà Sắc, trên biển, một mặt ngư dân chịu tác động từ lệnh cấm biển của Trung Quốc đánh bắt khó khăn, mặt khác thương nhân Trung Quốc tìm mọi cách mua nguyên liệu từ các tàu, thuyền đánh bắt của Việt Nam. Còn trên bờ thương nhân nước này lại tranh giành nguyên liệu với doanh nghiệp trong nước. Cùng ý kiến đó, ông Phạm Xuân Nam, Công ty cổ phần Đại Thuận, Nha Trang, cho biết, do chỉ mua ở cảng cá nên lượng nguyên liệu mà doanh nghiệp của ông thu mua được chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến, vì vậy việc giảm bớt công nhân, đóng cửa nhà máy là điều khó tránh khỏi. Theo các doanh nghiệp, do hợp đồng đã ký nên doanh nghiệp đã tìm mọi cách mua nguyên liệu bằng mọi giá, đẩy chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá xuất khẩu không tăng. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. “Hiện Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước, trước tình hình này,Việt Nam cũng cần tính đến phương án đó để giữ nguồn nguyên liệu trong nước, giúp doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho người dân”, bà Sắc kiến nghị .

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/55397/