Xuất khẩu tôm gặp nhiều trở ngại

(BVPL) - Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 1-2-2014 đến 31-1-2015. Theo đó, mức thuế các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và tự nguyện phải chịu là 4,78%, cao hơn đáng kể so với mức thuế sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3-2016. Trước tình hình này, giới chuyên gia ngành Thủy sản nhận định xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm sẽ gặp nhiều trở ngại.

Mỹ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Mới đây, Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 10 thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh của nước ta. Theo đó, xuất khẩu tôm vào thị trường này với mức thuế cao gấp 5 lần so với lần thứ 9. Theo đó, mức thuế các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và tự nguyện phải chịu là 4,78%, cao hơn đáng kể so với mức thuế sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3-2016.

Kết quả thuế chống bán phá giá của VN thay đổi do một trong hai bị đơn bắt buộc là Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã được công bố là không bán phá giá và được đưa ra khỏi danh sách các công ty xem xét thuế chống bán phá giá.

Mức thuế 4,78% mà 50 doanh nghiệp trong danh sách xem xét phải chịu là mức thuế của bị đơn bắt buộc còn lại là Công ty Stapimex. Mức thuế suất toàn quốc (áp dụng cho các doanh nghiệp khác tại VN) khi xuất khẩu tôm vào Mỹ là 25,76%.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là mức thuế bất hợp lý và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất tôm trong nước. Trong đợt tính thuế lần này, DOC tiếp tục chọn Banglades làm quốc gia thứ ba để so sánh về giá trong khi đây là quốc gia không có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam dẫn đến mức thuế chống bán phá giá tăng cao. Với mức thuế chống bán phá giá mà ODC vừa công bố, sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ chịu mức thuế cao gấp 2 – 3 lần so với tôm Thái Lan và Ấn Độ. Với mức thuế suất này, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ gặp những khó khăn nhất định. Cho đến lúc này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chưa có động thái phản ứng lại quyết định của DOC.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam thường xuyên bị Mỹ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để áp các loại thuế như thuế chống phá giá, chống trợ cấp... Sở sĩ có điều này là bởi vì hiện tại Mỹ vẫn không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường mặc dù chúng ta đã khởi kiện ra tòa án WTO và được công nhận.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu của VN, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 657 triệu USD. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 364,8 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chiến lược kinh doanh

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc DOC tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Đây là phán quyết không mang tính khách quan mà mang nặng tính áp đặt. Theo ông Lĩnh, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn phải chịu những vụ kiện vô lý từ Hoa Kỳ, thậm chí có những vụ WTO phản đối nhưng vì nhiều lý do khác nhau như: chính trị, bảo hộ... nên họ luôn tìm hết cách này đến cách khác để tạo các điều kiện bất lợi cho hoạt động kinh doanh thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Mặc dù xuất khẩu tôm vào Mỹ liên tục tăng trưởng trong thời gian gần đây, tuy nhiên đà tăng trưởng này rất khó có thể duy trì trước cáo rào cản mà Mỹ đưa ra, đặc biệt là việc tăng thuế chống bán phá giá lần này.

Hiện, phía các doanh nghiệp Việt Nam cho biết chắc chắn sẽ khiếu nại lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ, kể cả cấp cao hơn để yêu cầu DOC tính lại mức thuế này. Theo quy định, Việt Nam có quyền nộp đơn đề nghị lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ trong vòng 30 ngày. Việt Nam không bán phá giá tôm nên sẽ khiếu nại để yêu cầu phía Mỹ đưa mức thuế về 0%. Hiện chúng ta đang chuẩn bị hồ sơ.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, phải công bằng mà nhìn nhận rằng Mỹ vẫn là một trong 3 thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam. Nếu như cánh cửa xuất khẩu của thị trường này đóng lại sẽ là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trước tình thế hiện nay, vấn đề quan trọng mà chúng ta cần bàn đến là tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, có sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm. Hiện nay, ngành nuôi tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung rất cần có một sự điều hành thống nhất về sản lượng cá, chỉ tiêu xuất khẩu, giá cả… có như vậy mới có thể cạnh tranh được với thị trường trong thời gian tới.

Hữu Bắc

Nguồn BVPL: http://baobaovephapluat.vn/kinh-te-do-thi/thi-truong/201609/xuat-khau-tom-gap-nhieu-tro-ngai-2513678/