Xuất khẩu thủy sản 2016 liệu có lạc quan?

Bước vào tháng 11, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng tốc cho mùa làm ăn cuối năm. Đây cũng là thời điểm quyết định đến mốc tăng trưởng cả năm của ngành TS…

Theo Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản [XSKT] Việt Nam đạt 4,93 tỉ USD, tăng 4,3% so cùng kỳ 2015. VASEP dự báo cả năm 2016 đạt mức 7,1 tỉ USD, tăng 7% so 2015. Trong đó, tôm đạt 3 tỉ USD, cá tra đạt 1,6 tỉ USD, cá ngừ 500 triệu USD. Bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm 53,7% tổng sản lượng giá trị là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các thị trường tăng trưởng mạnh là Trung Quốc tăng hơn 55%, Mỹ tăng 14,3%, Hà Lan tăng 12,3% và Thái Lan tăng 10,8%. Đặc biệt, nhiều thị trường tăng trưởng ấn tượng, tạo tâm lý "yên tâm" cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK vào các tháng cuối năm, với mặt hàng chủ lực là tôm.

Ảnh minh họa ( nguồn Internet)

Xuất khẩu tôm Việt Nam 9 tháng đầu năm vào thị trường Mỹ tăng trên 16%, EU tăng 7%, Anh tăng trên 8%... Nguyên nhân là do các nước đối thủ về mặt hàng tôm với ta là Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Ecuador gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, giá cả tăng, giảm sức cạnh tranh. Đặc biệt, doanh số tôm nước ấm trên thị trường thế giới lần đầu tiên “qua mặt” tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, sản phẩm cá tra, theo dự báo của các DN và chuyên gia năm 2016 sẽ giảm 5% so với năm 2015, chỉ đat 1,5 tỉ USD. Trong số 8 thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam thì có đến 6 thị trường giảm sản lượng NK, Mỹ giảm 5,6%, EU giảm 3%, ASEAN giảm 4,3%, Brazil giảm 39,8%, Mexico giảm 13,2%, Colombia giảm 13,9%.

Tại các thị trường lớn, XK cá tra gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thấp, NK chậm, yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) khắt khe hơn, cá tra còn bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm cá thịt trắng Alasta Pollack, cá cod, rô phi. Chỉ có giá trị XK cá tra sang Anh tăng 17%, Trung Quốc - Hồng Kông tăng mạnh 42% và Saudi Arabia tăng 2,4%.

Chín tháng đầu năm 2016, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông nhập khẩu cá tra Việt Nam đạt 160 triệu USD, trở thành thị trường lớn thứ 3 và được dự báo sẽ vượt thị trường EU trở thành thị trường lớn thứ 2, sau Mỹ. Thị trường EU dự báo sắp tới nhu cầu nhập khẩu cá tra sẽ tăng do các nước thu mua dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Dù thị trường biến động nhưng 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng XK cá tra Việt Nam vẫn tăng nhẹ. Trong khi XK cá tra phi lê, tươi sống, cắt khúc chiếm 99,2%, các sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm co số khiêm tốn 0,8%.

Xuất khẩu cá tra 2016 có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt tại thị trường Mỹ giá bán cá tra tăng cao so với 2 năm trở lại đây, lên 6-7 USD/kg. Thế nhưng giá cá tra nguyên liệu DN thu mua trong dân vẫn dưới giá thành 18.500-19.500 đ/kg, người nuôi lỗ 1500 - 2000 đ/kg. Đó là bởi 80 - 90% DNXK có vùng nuôi cá riêng đáp ứng nhu cầu cho mình. Do vậy, DN tự quyết giá cả. Không như trước đây, XK thuận lợi, DN tranh mua cá trong dân, đẩy giá lên cao. Hiện tại, DN mua giá đó, nông dân không bán thì tự tìm nơi tiêu thụ.

“Lạc”… thì chưa

Dù VASEP dự báo XKTS tiếp tục tăng trưởng, nhưng các DN đang đối mặt với thực trạng thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt đối với ngành tôm và lo ngại chất lượng sản phẩm của nhà NK. Tổng Thư Ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, sự cố môi trường do Formosa gây ra làm cho các nhà máy chế biến ở miền trung bị thiếu nguyên liệu trầm trọng. Nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất với công suất thấp để giữ chân công nhân. Nhiều doanh nhân từ đầu năm đến nay thu mua nguyên liệu chỉ đạt 40% nhu cầu, không đủ sản lượng giành cho XK. Nếu tình hình thiếu nguyên liệu còn kéo dài nguy cơ thêm nhiều nhà máy đóng cửa, Nhiều nhà nhập khẩu lo sợ thủy sản bị nhiễm kim loại nặng do Formosa gây ra nên đã hủy đơn hàng đối với các DN có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung.

Giám đốc Công ty SHATICO Trần Đình Nam chia sẻ: "Sáu tháng đầu năm công ty phải đóng cửa nhà máy vì không ký được hợp đồng mới. Trong khi đó, giá tháng 8 ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt xa bờ trở lại. Do đó, có thể dự báo các tháng cuối năm, nhiều DN XKTS miền Trung sẽ tiếp tục đóng cửa nhà máy vì thiếu nguyên liệu và khách hàng e ngại về chất lượng.

Tại ĐBSCL, do thiên tai hạn hán, mặn và dịch bệnh TS nuôi, đặc biệt là tôm cũng chết hàng loạt. Bên cạnh đó là nạn tranh mua nguyên liệu vô tội vạ của thương lái Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các nhà máy chế biến. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường lớn nhất là Mỹ trong quí 4/2016 có thể sẽ chững lại, chứ không như dự báo lạc quan của các "quan chức ngồi phòng lạnh" VASEP. Tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (USDOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá cuối cùng cao hơn gấp 5 lần so với mức thuế sơ bộ. Quyết định này đã gây áp lực cho cả DN và khách hàng. Đối với cá tra, ngoài áp thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn cũng đã gây áp lực cho các nhà XK Việt Nam.

Trong khi một số DN vẫn bám trụ vào thị trường Mỹ thì ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương thì "khuyên": Năm 2016, các DNXK đừng quan tâm thị trường Mỹ; thay vào đó nên nghĩ đến thị trường Châu Á với dân số 3 tỉ người có mức thu nhập tương đồng Việt Nam./.

Nguyễn Hoàng Tuấn/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/xuat-khau-thuy-san-2016-lieu-co-lac-quan-p42553.html