Xuất khẩu rau quả vượt lúa gạo: Dự báo trước?

Rau quả đã vượt qua gạo trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực thứ 3 của Việt Nam sau cà phê và hạt điều.

Thông tin trên được Tổng cục Hải quan công bố trong báo cáo tình hình xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam tính đến trung tuần tháng 9 vừa qua.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh

Cụ thể, xuất khẩu rau quả của cả nước tăng mạnh và đạt kim ngạch khoảng 1,68 tỉ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này đã đưa nhóm hàng rau quả vượt qua gạo trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau cà phê (2,371 tỉ USD) và hạt điều (hơn 1,89 tỉ USD).

Rau quả đã vượt qua gạo trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực thứ 3 của Việt Nam sau cà phê và hạt điều. Ảnh: thesaigontimes

Báo cáo của cơ quan hải quan cho biết, rau quả cũng là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực trong gần 9 tháng qua.

Theo số liệu thống kê, cà phê chỉ tăng 22% so với cùng kỳ, hạt điều tăng 13,6%. Xuất khẩu gạo trong thời gian trên cũng giảm tới gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và chỉ đạt gần 1,6 tỉ USD.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Ngoài ra rau quả Việt Nam còn xuất khẩu sang các thị trường khác như: Canada, Hàn Quốc và Mỹ.

Trong 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường các nước liên tục tăng trưởng cao. Nếu như năm 2013 rau quả xuất khẩu chỉ đem lại lợi nhuận khoảng 900 triệu USD thì đến năm 2014 đã tăng lên 1,47 tỉ USD. Trong năm 2015, lĩnh vực này tiếp tục gia tăng mạnh và chạm ngưỡng 1,85 tỉ USD.

Nông dân chuyển đổi mô hình trồng lúa

Kết quả xuất khẩu rau quả tăng cao vượt qua xuất khẩu gạo đã được cơ quan quản lý ngành cũng như giới doanh nghiệp dự báo trước đó.

Thực tế thời gian qua để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn đang ở mức báo động, nông dân tại nhiều tỉnh thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã quyết định chuyển đổi mô hình trồng lúa.

Trao đổi với Đất Việt, anh Triệu Xuân Hó (tên thường gọi Út Lợ) ở ấp Hòa Phước, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, mấy năm nay giá lúa quá thấp, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên nên nếu không tiến hành chuyển đổi nuôi tôm thì người dân sẽ không có thu nhập.

“Một năm tôi thu hoạch khoảng 30 tấn tôm, giá thành và đầu ra rất ổn định, các đại lý trên địa bàn cũng lấy thường xuyên. Hiện nay, tôm sú loại 50 con/kg thì giá 150-200.000đ/kg. Còn loại tôm sú 30 con/kg cũng được 310.000đ/kg. Tính ra lợi nhuận thu được tốt hơn trồng lúa rất nhiều, 1 năm thu được 10 tấn lúa cũng chỉ đủ để ăn, chứ chi phí rất cao”, ông Út Lợ phân tích.

Anh Bách, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cũng là một trong những hộ nông dân áp dụng mô hình 1 tôm, 1 lúa, nuôi tôm là để tận dụng nguồn nước mặn.

"Nếu các nhà khoa học có thể giảm độ mặn thành nước ngọt, thì người dân sẽ canh tác tôm -lúa bền vững, ngoài ra còn giúp người dân trồng được nhiều cây trồng khác, chỉ cần độ mặn giảm xuống dưới 1/1000”, anh Bách nói.

Hoàng Sơn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/xuat-khau-rau-qua-vuot-lua-gao-du-bao-truoc-3320802/