Xuất khẩu máy bay­ ­mô hình

Từ chối nhiều cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài với mức lương cả chục ngàn USD, Phạm Gia Vinh (sinh năm 1983) trở về nước tự lập công ty sản xuất máy bay mô hình để xuất khẩu.

Chúng tôi gặp Vinh tại căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), là trụ sở một trong những công ty sản xuất máy bay mô hình hàng đầu miền Bắc, với ngổn ngang đủ thứ từ cánh quạt, động cơ đến điều tốc, điều khiển. Quanh căn phòng là đủ các loại máy bay từ chiếc bé xíu nằm lọt trong bàn tay đến chiếc có cánh quạt chiếm nửa gian nhà. Phủi lớp bụi gỗ trên chiếc bàn tiếp khách, Vinh cười: “Bạn thông cảm ngồi chen với mấy chú chim sắt vậy, giờ chỗ nào cũng máy bay, khách đến cũng toàn là bạn làm máy bay nên mình không làm phòng khách riêng nữa”. Bên phải là một chiếc Heli, trái là một chiếc Eagle, đằng sau là một chiếc Tomcat, còn ông chủ Vinh đang hì hụi lắp ráp một chiếc trực thăng với máy móc hầm hố, hai bên với hai ống nhiên liệu sáng bóng chẳng khác hai ống tên lửa trong trực thăng quân sự. Vinh nói: “Chiếc này chạy bằng nhiên liệu đặc biệt, tiếng máy không khác gì tiếng phản lực, động cơ rất khỏe, có thể “ôm” cả máy ảnh, máy quay với điều khiển từ xa. Một số công ty muốn chụp ảnh từ trên không để khảo sát địa hình nên mình thiết kế riêng chú này để đáp ứng nhu cầu cho khách”. Vinh bật mí, chơi máy bay trực thăng chỉ là niềm đam mê, còn anh đang kiếm tiền từ việc sản xuất máy bay mô hình xuất khẩu. Không muốn là người làm thuê Sinh trong một gia đình bố mẹ làm ngành ngoại giao nên khi mới 3 tuổi, cậu bé Vinh đã sống ở Đức. Đến năm học cấp 2, Vinh về Hà Nội với hành trang mang theo một chiếc máy bay mô hình mà đến giờ vẫn để trên tầng thượng ngôi nhà như một kỷ niệm của thời niên thiếu. Học xong cấp 3, Vinh lại sang Pháp học ngành điều khiển tự động tại Học viện Khoa học ứng dụng quốc gia (INSA de Rennes), sau đó anh học tiếp thạc sĩ cùng chuyên ngành tại Đại học Paris 12. Ngay khi còn đi học, Vinh đã là chủ tịch câu lạc bộ mô hình hàng không của trường và nhiều lần bay biểu diễn trong các hội thi của thành phố và của sinh viên toàn nước Pháp. Vinh kể về việc chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh: “Ngay khi học tại trường mình đã xin thực tập tại Công ty Model International Distribution (MID - Pháp). Tại đó mình làm người hướng dẫn điều khiển máy bay mô hình, sửa chữa thiết bị... Đó là quãng thời gian mình đã học thêm được kinh nghiệm về tiếp thị, kinh doanh máy bay mô hình để chuẩn bị mở công ty sau này”. Cơ hội rộng mở khi chính MID mời Vinh ở lại làm việc với mức lương tối thiểu trên 5.000 USD/tháng, một số hãng khác đưa ra mức lương trên 10.000 USD nhưng Vinh vẫn từ chối với lý do: “Tính mình thích tự do và chủ động, làm cho họ dù lương cao nhưng mình vẫn là người làm thuê, vẫn phụ thuộc vào họ”. Tự sản xuất và xuất khẩu Không đồng ý làm nhân viên cho MID, Vinh táo bạo đề xuất với MID sẽ hợp tác lập nhà máy sản xuất máy bay mô hình tại Việt Nam với sự tự tin sẽ sản xuất những chiếc máy bay mô hình đẳng cấp thế giới với thương hiệu Việt. Về nước, Vinh lập Công ty CP nghiên cứu và phát triển Đông Giang chuyên sản xuất máy bay mô hình để xuất sang Pháp, việc tiếp thị, phân phối sản phẩm do MID đảm trách. Hiện nay, mỗi tháng công ty của Vinh xuất khẩu hàng trăm máy bay mô hình các kiểu dáng, kích thước với giá từ vài trăm đến 5.000-6.000 USD. Vinh thiết kế, lắp ráp từ những chiếc máy bay nhỏ xíu đến hầm hố như một “trực thăng chiến đấu” - Ảnh: Hồng Minh Dẫn chúng tôi một vòng quanh xưởng sản xuất tại Phố Nối (Hưng Yên), Phạm Gia Vinh chỉ vào những tấm gỗ mỏng, dài đang được cắt, ghép, dán để làm thành cánh máy bay cánh bằng, bảo: “Đây là loại gỗ balsa có đặc tính dai, dễ uốn, chịu nước, nhập về từ Ecuador và Úc”. Tham quan nơi lắp ráp động cơ, Vinh bảo hầu hết các thiết bị cũng được nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. “Vậy có cái gì là sản phẩm của Việt Nam?”, tôi thắc mắc. Vinh với tay lên tường chỉ vào bản vẽ: “Nó là cái này, là chất xám trong việc thiết kế, ứng dụng công nghệ để làm ra chiếc máy bay mô hình sao cho giá thành rẻ nhưng kiểu dáng đẹp, ổn định và dễ sử dụng”. Vinh giải thích: kể cả máy bay của Boeing hay Airbus họ cũng đâu có sản xuất từ A đến Z, họ chỉ là người đặt hàng, lắp ráp và quan trọng nhất là thiết kế sản phẩm. Nguyên liệu chỉ chiếm chừng 50% giá thành sản phẩm, cái làm nên thương hiệu là hàm lượng chất xám trong thiết kế”. Káp Long - Hồng Minh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201008/20100216122939.aspx