Xuất khẩu lao động - những tín hiệu khả quan

Năm 2016 đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Hà Tĩnh khi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, các cấp, ngành đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động XKLĐ, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản; đồng thời xây dựng nhiều chương trình với các nhóm giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác XKLĐ.

Lao động Hà Tĩnh tham gia thi tuyển chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản.

Trước thực trạng người lao động hết hạn hợp đồng, trốn ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phối hợp với các địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp vận động để người tham gia XKLĐ thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng, trở về nước đúng hạn. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên các doanh nghiệp có đủ tư cách pháp nhân, có đơn hàng tốt giới thiệu về địa phương và các trung tâm giới thiệu việc làm để tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), năm 2016, toàn tỉnh có 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 103,3% kế hoạch; tập trung ở một số thị trường có thu nhập cao như: Đài Loan 2.757 người, Hàn Quốc 967 người, Nhật Bản 782 người… Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Can Lộc là những địa phương có số lượng người XKLĐ lớn.

Đặc biệt, năm 2016, đối với chương trình hợp tác XKLĐ sang Hàn Quốc, toàn tỉnh đã có 433 lao động về nước đúng thời hạn được quay lại nước này làm việc. Đầu năm 2017, có 661 lao động vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường vượt qua kỳ thi kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực trong ngành ngư nghiệp để tham gia Chương trình EPS ngành ngư nghiệp năm 2016 (chiếm 50% chỉ tiêu cả nước). Đến thời điểm này, Hà Tĩnh có 21.449 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

XKLĐ là hướng giải quyết việc làm có khả năng giúp người lao động tăng thu nhập đáng kể. Trên thực tế, nhiều gia đình có người thân tham gia XKLĐ cuộc sống thay đổi hẳn. Nhiều người sau thời gian lao động tại nước ngoài trở về có thể xây dựng nhà cửa khang trang, hỗ trợ vốn để người thân phát triển kinh tế. Ông Hoàng Văn Bình (xã Thiên Lộc - Can Lộc) cho biết: “Con trai tôi đi XKLĐ được 2 năm, làm nghề cơ khí và đã gửi về cho gia đình 400 triệu đồng. Hiện gia đình đã trả hết nợ ngân hàng, số còn lại gia đình đầu tư làm kinh tế vườn, hiện đời sống gia đình đã ổn định”.

Ông Đặng Văn Dũng cho rằng, tỷ lệ người lao động tham gia XKLĐ trong năm 2016 vượt chỉ tiêu đề ra là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để XKLĐ đạt được hiệu quả bền vững, cần tiếp tục làm tốt Chương trình EPS, hoàn thành hồ sơ cho lao động ngành ngư nghiệp thi đạt trong kỳ thi vừa qua; tiếp tục duy trì thị trường Hàn Quốc, Đài Loan... và mở rộng sang thị trường EU. Trang bị tốt cho người lao động từ trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ đến sự cần cù, chịu khó… để đáp ứng yêu cầu khi tham gia XKLĐ, đặc biệt là cung ứng nguồn lao động có chất lượng từ các cơ sở dạy nghề.

Triển khai có hiệu quả đề án “Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường trên địa bàn Hà Tĩnh”. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác XKLĐ, chấn chỉnh các văn phòng đại diện, các đơn vị cung ứng nguồn nhân lực lợi dụng thu phí của người lao động cao hơn thực tế, thông tin sai sự thật về thị trường lao động và thu nhập.

Giang Nam

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/lao-dong-viec-lam/xuat-khau-lao-dong-nhung-tin-hieu-kha-quan/127722.htm