Xuất khẩu khó vì rào cản kỹ thuật

Trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải đạt sáu tỷ USD thì mới đạt chỉ tiêu. Mở lớp học tiếng Campuchia cho doanh nghiệp.

Sáng qua (27-7), Bộ Công thương tổ chức hội nghị giao ban xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2009 với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhằm tìm biện pháp “cứu” xuất khẩu. Bảy tháng đạt 1/2 kế hoạch của năm Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm ước đạt 32,3 tỷ USD, chỉ xấp xỉ một nửa kế hoạch của cả năm, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2008. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm nay thì kim ngạch xuất khẩu năm tháng còn lại phải trên 30 tỷ USD, trung bình mỗi tháng xuất khẩu đạt sáu tỷ USD. Đây là chỉ tiêu khó vì bảy tháng qua, trung bình mỗi tháng chỉ xuất khẩu được 4,6 tỷ USD mà thôi. Thứ trưởng cũng cho biết nền kinh tế của ta có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, dự báo nền kinh tế các nước châu Á cũng sẽ hồi phục. Điều này lại gây lo ngại cho xuất khẩu của ta vì các nước cùng xuất khẩu như nhau, nếu các nước bạn phục hồi nhanh thì sức cạnh tranh với ta càng quyết liệt hơn trong khi thị trường tiêu thụ thì chưa tăng nhu cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cứ phải than mãi các khó khăn về cơ sở hạ tầng, kẹt cảng biển, tắc đường nối... mà chưa giải quyết được. Kẹt hàng rào kỹ thuật Ngoài các khó khăn trong nước thì xuất khẩu năm tháng cuối năm chịu ảnh hưởng nặng nề của các rào cản về kỹ thuật nhằm bảo hộ mậu dịch của nước ngoài. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết hàng loạt rào cản mới đang được dựng lên như quy chuẩn về cá tra, cá ba sa hay đạo luật an toàn về giày cho người tiêu dùng, đạo luật hóa chất và an toàn hóa chất, quy định về khai thác rừng và nguồn gốc gỗ, quy định về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn lợi thủy sản... Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết xuất khẩu thủy sản bảy tháng đầu năm chỉ đạt 2,1 tỷ USD, chưa đến một nửa so với kế hoạch 4,6 tỷ USD, các tháng còn lại mà cố hết sức thì xuất khẩu cả năm cũng chỉ có thể đạt 4,2 tỷ USD mà thôi. Hiệp hội cũng nhấn mạnh cần phải thực hiện ngay chương trình ngăn ngừa chích tạp chất vào tôm. Ngày mai (29-7), hiệp hội sẽ có buổi hội thảo mang tên “Nói không với tạp chất” nhằm tuyên truyền cho các doanh nghiệp không mua, không chế biến, không bán, không xuất khẩu tôm có tạp chất. Ngoài ra, sẽ thảo luận việc công khai danh sách “vàng” các doanh nghiệp thực hiện tốt việc không có tạp chất trong sản phẩm. Ngoài ra, sẽ thảo luận việc công khai ra dư luận tên tuổi các doanh nghiệp, đơn vị mua bán tôm có tạp chất để loại trừ các doanh nghiệp này, không để các doanh nghiệp này gây tiếng xấu, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tôm. Việc xuất khẩu cá đại dương cũng gặp vấn đề với hàng rào kỹ thuật. Hiện nay, Liên minh châu Âu đã áp dụng quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, yêu cầu việc đánh bắt cá phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng sản lượng, có báo cáo... và quản lý bằng giấy chứng nhận đánh bắt. Việc này gây trở ngại cho xuất khẩu cá ngừ, cá kiếm. Giấy chứng nhận hiện nay của ta về đánh bắt các loại cá này chưa được EU chấp nhận là giấy tờ hợp lệ. Do đó, hiện Việt Nam đang phải xin gia hạn thêm một thời gian để thực hiện quy định này và xin tham gia vào Ủy ban Nghề cá để việc xuất khẩu cá đại dương có thể phát triển. Khó về giá, vốn Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết gần đây, khi bán nguyên phụ liệu cho ta, bạn hàng Trung Quốc yêu cầu trả tiền ngay. Trong khi đó, do ảnh hưởng về tài chính, khách hàng Mỹ, châu Âu lại chỉ trả tiền hàng sau 30-60 ngày kể từ khi nhận hàng. Điều này gây trở ngại về vốn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tín hiệu mừng cho ngành dệt may là nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho đến hết năm 2009. Trong bảy tháng qua, ngành này đã xuất khẩu trên năm tỷ USD, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành gỗ là ngành xuất khẩu thấp nhất trong số các hàng chủ lực, xuất khẩu bảy tháng qua chỉ đạt 1,32 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2008 trong khi chỉ tiêu xuất khẩu cả năm đến ba tỷ USD. Ông Trấn Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết xuất khẩu gỗ cuối năm có dấu hiệu tốt hơn đầu năm, lác đác đã có đơn hàng. Tuy nhiên, các đơn hàng này có giá thấp, khó duy trì nên cũng rất khó khăn cho việc hoàn thành kế hoạch kim ngạch xuất khẩu gỗ. Mở lớp học tiếng Campuchia cho doanh nghiệp Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết doanh nghiệp TP.HCM chú trọng các thị trường mới như Campuchia. Cụ thể, khi xuất khẩu xúc xích sang thị trường này, nhiều người tiêu dùng cứ hỏi “Cái cây đỏ đỏ đó là gì?”. Vì vậy, hiện tại một sản phẩm xuất khẩu đã được dán nhãn phụ bằng tiếng Campuchia để chiếm cảm tình lẫn thị phần này. Đặc biệt, bà Hồng cũng cho biết TP đã mở lớp đào tạo tiếng Campuchia cho các doanh nghiệp quan tâm, muốn xuất khẩu vào thị trường này.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/kinh-te/view.aspx?news_id=263442