Xuất khẩu cuối năm sẽ “thuận buồm xuôi gió”

(VietNamNet) - Tình hình xuất khẩu 5 tháng cuối năm 2009 có dấu hiệu lạc quan, nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp không nên mở rộng thị trường mới.

- Tình hình xuất khẩu 5 tháng cuối năm 2009 có dấu hiệu lạc quan, song các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp không nên mở rộng thị trường mới, mà tập trung nguồn lực vào thị trường truyền thống. Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 diễn ra sáng nay (27/7) tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, nhìn chung tình hình xuất khẩu cả nước giảm mạnh về giá trị, mặc dù có sự gia tăng về khối lượng ở một số mặt hàng. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng về số lượng, nhưng giá lại giảm trên 8,8%. Nhiều mặt hàng đã bất ngờ vươn lên chi phối thị phần như tiêu, cà phê, nhưng lại bị các thương lái, đầu cơ ép giá làm doanh nghiệp và nông dân điêu đứng. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có tiếng nhưng không có "miếng"! (Ảnh: Ca Hảo) Không thể chủ quan Theo ông Biên, sức cạnh tranh trong 5 tháng cuối năm sẽ khốc liệt hơn, khi nền kinh tế các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hồi phục sớm hơn dự kiến, nhất là Trung Quốc – thị trường xuất khẩu mà Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất. Ngoài ra, những rào cản về kỹ thuật được dựng lên, như đạo luật nông trại của Mỹ, đạo luật an toàn cho người tiêu dùng (Mỹ), hóa chất và an toàn hóa chất, nguồn gốc đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên của châu Âu (EU)… là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Một vấn đề nan giải là thực trạng tắc nghẽn cảng đang là mối quan ngại của các doanh nghiệp (DN), nhất là ở TP.HCM khi mà xuất khẩu ở khu vực phía Nam chiếm ¾ lượng hàng xuất khẩu của cả nước. Dự báo tình hình 5 tháng cuối năm sẽ tốt hơn 7 tháng đầu năm. 4 thị trường lớn của Việt Nam vẫn là Mỹ, kế đến là Asean, EU và Nhật. Hiệp định đối tác toàn diện giữa Asean-Nhật Bản đã được thông qua và đến tháng 10/2009 sẽ có hiệu lực. Đây là cơ hội cho ngành dệt may và thủy sản của Việt Nam vào thị trường này khi có đến hơn 90% hàng hóa được miễn thuế. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng kết quả như hiện nay còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi mà khó khăn chung chưa dừng lại. “Tôi có cảm giác, hiện nay khủng hoảng vẫn chưa đến đáy, khi nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài tiếp xúc với doanh nghiệp trong nước vẫn còn dè dặt. Chính vì vậy, chúng ta không thể chủ quan”, ông Minh nói. Ở khía cạnh khác, ông Minh cho rằng, những thị trường mới như Nga, Cu Ba, Ba Lan… rất cần đơn hàng, nhưng do phương thức thanh toán, cơ chế… chưa thông thoáng nên hàng của Việt Nam vẫn chưa vào được. Nếu chính phủ hai bên có những thỏa thuận thì các doanh nghiệp sẽ dễ dàng bắt tay nhau hơn. Nhà nước nên sớm tháo gỡ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận nhanh nguồn vốn kích cầu, bởi khối doanh nghiệp này hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. “Nếu còn tiền thì nên ưu tiên cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi, thời gian này là lúc doanh nghiệp cần vốn nhất để nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa cho mua xuất khẩu cuối năm”, ông Minh đề xuất. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước điêu đứng vì bị thương lái nước ngoài ép giá. (Ảnh: Ca Hảo) Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa cảm nhận được kết quả của xúc tiến thương mại, do đó cần có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Trong chương trình xúc tiến thương mại nên hỗ trợ kinh phí để sản xuất những mặt hàng chủ lực về mẫu mã mới, sản phẩm mới để tham gia các hội chợ triển lãm. “Trước đây, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 70% kinh phí để doanh nghiệp xây dựng kho hàng, để trực tiếp bán hàng ở những nước phân phối, nhằm giảm chi phí. Hiện giá nhà đất ở Mỹ rất rẻ, nên có thể thuê kho hàng để giữ chân hàng xuất khẩu tại những thị trường này”, ông Hòe góp ý. Hiện Vasep đang làm việc với Tây Ninh, An Giang, để các doanh nghiệp của TP.HCM xây dựng các kho ngoại quan ở dọc biên giới và Phnompenh (Campuchia). Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, triển khai có hiệu quả các gói kích cầu. Triển khai các tháng bán hàng khuyến mãi, hàng Việt Nam đồng hành với người Việt Nam, đưa hàng xuống vùng sâu vùng xa. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang có chính sách cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp khó khăn. Ngoài ra, trong tháng 10 tới, Bộ Công thương sẽ vận hành trang thông tin về xuất khẩu Việt Nam để các doanh nghiệp nước ngoài tra cứu về năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Hạn chế tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường mà hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi trực tiếp quảng bá hàng hóa tại các hội chợ, tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng. Tập trung vào các thị trường gần, truyền thống nhất là Campuchia. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, theo anh Cường, đại diện Tổng Công ty May Nhà Bè, khó khăn hiện nay là 90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc và phải trả tiền ngay. Trong khi đó, nếu xuất khẩu cho các doanh nghiệp nước ngoài thì phải mất 30, thậm chí 60 ngày sau mới lấy được được tiền. “Nhà nước cần hỗ trợ mạnh hơn cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc để sản xuất nguyên vật liệu, nhằm giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu. Ngoài ra, giá điện trong giờ cao điểm còn quá cao, nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về mặt này”, anh Cường nói. Ca Hảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/kinhte/2009/07/860379/