Xuất khẩu còn khó

Hoạt động XK của nước ta được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn do các quốc gia NK đang có xu hướng dựng lên các rào cản phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước "hậu" các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Xuất khẩu nông sản còn gặp khó do hàng rào bảo hộ của các nước. Ảnh: ST.

Xu hướng bảo hộ ngày càng rõ

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XNK cả nước trong tháng 1 đạt hơn 27,53 tỷ USD, giảm 18,2%, tương ứng giảm gần 6,13 tỷ USD so với tháng 12/2016. Trong đó, xuất khẩu là 14,34 tỷ USD, giảm 13,5%, tương ứng giảm 2,24 tỷ USD; nhập khẩu gần 13,19 tỷ USD, giảm 22,8%, tương ứng giảm gần 3,89 tỷ USD so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2016 XNK của tháng 1 tăng 4,8%, tương ứng tăng hơn 1,26 tỷ USD; trong đó XK tăng 5,7%, tương ứng tăng 768 triệu USD; NK tăng 3,9%, tương ứng tăng 495 triệu USD. Cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong tháng 1 thặng dư hơn 1,15 tỷ USD.

Nhìn vào bảng thống kê số liệu 46 nhóm hàng XK của Việt Nam, có 4 nhóm hàng lọt top tỷ USD trong tháng 1 là điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và giày dép các loại. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ năm trước- 18,7%, tiếp đến là dệt may tăng 5,7%, điện thoại các loại và linh kiện chỉ tăng 2,6%, riêng giày dép giảm 4,8%. Đây cũng là những mặt hàng có đóng góp không nhỏ vào thành tích XK chung của cả nước. Ngoài những mặt hàng này, rau quả trong tháng 1 cũng khá ấn tượng khi tăng trưởng trên 16%, mang về 233 triệu USD. Mặt hàng này vẫn duy trì được “phong độ”, trong khi các mặt hàng trong nhóm như chè, hạt tiêu, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn đều sụt giảm khá mạnh từ 30-40%.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi cả một quá trình thì thấy rằng, XK có dấu hiệu chững lại khi “dựa” nhiều vào những mặt hàng XK chủ lực đang “giảm tốc”. Nếu vài năm trước, điện thoại các loại và linh kiện tăng trưởng XK có thời kỳ đỉnh cao là 30% thì nay đã giảm xuống còn 16% (trong năm 2016). Dệt may cũng là ngành đã phải trải qua một năm đầy khó khăn, biến động khi chỉ tăng trưởng 5,2% và không đạt mục tiêu đề ra từ hồi đầu năm 2016 là 31 tỷ USD.

Đánh giá về tình hình chung, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, năm 2017, hoạt động XK sẽ gặp không ít khó khăn do các quốc gia NK đang có xu hướng dựng lên các rào cản phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước "hậu" các FTA. “Do đó, bên cạnh những giải pháp xúc tiến thương mại để tăng sản lượng XK, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần theo sát diễn biến thị trường, triển khai các giải pháp để không rơi vào những vụ kiện phòng vệ thương mại”, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Đi vào chiều sâu

Có thể thấy, XK của Việt Nam đã qua thời kỳ tăng trưởng “nóng” với mức tăng 15-16%, bởi lẽ những mặt hàng tăng trưởng nhanh đã đến ngưỡng, còn những mặt hàng Việt Nam có lợi thế thì đang gặp phải vô vàn rào cản từ các nước NK. Chưa kể, nhiều cơ chế chính sách trong nước gây khó khăn cho DN.

Ví dụ dễ thấy nhất là mặt hàng gạo XK đang bị “trói chân” bởi điều kiện kinh doanh XK gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109 và dự kiến sẽ xây dựng xong trong quý II năm nay, lấy ý kiến các cơ quan quản lý và DN nhằm xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động XK gạo. Trong khi chờ đợi thì các DN XK gạo tiếp tục phải thực hiện những quy định đang gây cản trở cho hoạt động sản xuất, XK.

Chính vì thế, năm 2017 mục tiêu XK đã được hạ xuống (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6-7%, nhập siêu là 3,5% kim ngạch XK). Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên nhìn vào mục tiêu tăng trưởng bao nhiêu %, tức là nhìn vào tăng trưởng chiều rộng mà phải chuyển hướng sang tăng trưởng về chiều sâu. Cần phải xem Việt Nam có lợi thế gì để có thể phát triển để từ đó cơ cấu lại mặt hàng XK.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài nhìn nhận, trong từng nhóm mặt hàng, ví dụ như nhóm hàng nông thủy sản cần phải tìm ra mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Hiện nay chúng ta đã có chủ trương giảm XK gạo xuống và tăng XK con tôm. “Trong Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đưa ra cho ngành tôm XK đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2030 là quá thấp. Thủ tướng đặt vấn đề phải đạt 10 tỷ USD vào năm 2025”, ông Mại nói. Hoặc như mặt hàng XK mới nổi, có triển vọng của năm 2016 là rau quả, nếu có sự đầu tư bài bản, hệ thống, ông Mại tin chắc đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.

Như vậy, chỉ có tập trung vào những nhóm hàng có lợi thế, tập trung phát triển các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ và chất xám cao thì Việt Nam mới có thể XK bền vững, từ đó mang về giá trị gia tăng cao hơn thay vì chỉ XK thô, làm gia công như hiện nay. Tất nhiên, các giải pháp về tìm kiếm, phát triển thị trường vẫn cần phải thực hiện song song. Ví dụ như thị trường lớn của hàng hóa XK là Trung Quốc phải tìm cách khai thác, phát triển hơn nữa, trong bối cảnh sản phẩm nước ta gặp khó khăn ở những thị trường mới.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/xuat-khau-con-kho.aspx