Xuất khẩu búp bê

Vài hôm trước, trên Facebook của một người đẹp từng được giải Á hậu một cuộc thi Hoa hậu quốc tế tại Nhật Bản năm 2015 có đăng tải một đoạn video. Số là cô được mời tham dự trong vai trò khách mời danh dự cũng của cuộc thi đó mùa giải 2016 và đoạn video của cô đăng này mô tả quang cảnh khi BTC công bố 15 thí sinh vào chung kết.

Hoa khôi Nam Em tại cuộc thi Miss Earth 2016.

Là một người từng ứng thí và được giải cao hồi năm ngoái, cô xuýt xoa đầy nuối tiếc mỗi khi có một cái tên được xướng lên bởi cô nuôi hy vọng thí sinh Việt Nam năm nay sẽ lại được giải cao như mình năm trước. Thí sinh Việt Nam năm nay không làm được những gì cô đã từng làm được. Xem đoạn video ấy, vừa thấy thương cho cô Á hậu nọ mà lại vừa thấy hơi “buồn cười”. Cô cổ vũ “gà nhà” thi sắc đẹp mà không khác gì cổ vũ đội tuyển bóng đá. Thế mới biết, cái niềm tự hào dân tộc lớn lao chừng nào, nhất là khi người ta tham dự một cuộc thi ở nước ngoài, trong hoàn cảnh mình còn thua kém đối thủ rất nhiều.

Vẫn biết, dù cuộc thi hoa hậu kia được liệt vào hạng 5 cuộc thi hoa hậu lớn nhất thế giới nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, các cuộc thi như thế thực tế chỉ là giải trí đơn thuần, những thắng thua không phải là chuyện quá lớn. Song, nếu ta ở vào hoàn cảnh của người dự thi, người chứng kiến, hẳn cái mong mỏi thấy người đồng hương của mình đăng quang nó lớn lao chừng nào. Nhớ hồi Phạm Hương đi thi cũng vậy. Cộng đồng sôi lên ủng hộ cô gái ấy và rồi cùng nuối tiếc khi cô không thể đi tới những vòng thi cuối cùng.

Cũng mới vài hôm trước, ở cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016, Việt Nam có một thí sinh tham dự là Nam Em. Cô vào đến tận Top 8 và cuối cùng, không thể vào Top 4 vì phần thi ứng xử không đạt yêu cầu của giám khảo. Trong sự tiếc nuối của rất nhiều người, truyền thông đã vội vàng đưa tin cho rằng, Nam Em trượt phần ứng xử bởi người phiên dịch quá lúng túng và đã dịch không đúng ý câu trả lời của cô. Và thậm chí, Nam Em còn cho rằng, lý do cô không trả lời bằng tiếng Anh mà chọn trả lời bằng tiếng mẹ đẻ bởi lẽ đây là lần đầu tiên một ứng viên Việt Nam được lọt vào phần thi ứng xử nên cô muốn mọi người biết đến tiếng Việt nhiều hơn. Tuyên bố ấy nghe có vẻ rất tự tôn dân tộc nhưng thực chất, nó đã bị cô quên bẵng đi mất chỉ sau một hai ngày. Ở một cuộc trả lời phỏng vấn khác, cô đã mạnh dạn thừa nhận rằng, tiếng Anh của cô còn chưa tốt nên ngay từ đầu, đơn vị đưa cô đi dự thi đã xác định với nhau rất rõ rằng, nếu vào được vòng ứng xử, sẽ chỉ trả lời bằng tiếng Việt.

Là người Việt, yêu tiếng Việt, tự hào với tiếng Việt là chuyện đáng quý và nó cũng là một chuyện hiển nhiên. Nhưng tự hào với ngôn ngữ của mình, yêu ngôn ngữ của mình không nhất thiết chỉ có một cách duy nhất là cất lên tiếng nói ấy, đặc biệt là ở không gian và hoàn cảnh không phù hợp. Một cuộc thi quốc tế có nghĩa là chúng ta cần chấp nhận tính quốc tế hóa của nó. Và một trong những thứ tạo nên tiêu chuẩn của quốc tế hóa chính là ngôn ngữ. Lựa chọn trả lời bằng thứ ngôn ngữ phổ biến, nhiều người trên thế giới có thể hiểu cũng đồng nghĩa với việc phát tán tốt một thông điệp về văn hóa Việt Nam. Tất nhiên, phải là trường hợp thông điệp có văn hóa, thông minh và tích cực cái đã.

Bởi thế, quay trở lại câu chuyện, chúng ta mới nhận ra rằng, chúng ta đưa thí sinh đi thi hoa hậu quốc tế để làm gì, khi mà bản thân họ chưa đạt tiêu chuẩn một con người hiện đại, có khả năng hòa nhập với thế giới? Những câu trả lời ngô nghê, cách phát âm tiếng Anh không ai có thể hiểu nổi (như một cô hoa hậu mới đây cũng bị chỉ trích dữ dội khi được ngồi ghế giám khảo và hỏi câu hỏi bằng tiếng Anh mà không một ai biết được cô đang nói gì) sẽ chỉ mang lại hình ảnh thảm hại cho thí sinh nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Vô tình, chúng ta đang khiến bạn bè quốc tế nghĩ rằng chúng ta đang gửi những cô búp bê đèm đẹp đến trưng bày hỗ trợ, hết hội lại mang về, chứ không phải mang tới những đại sứ của vẻ đẹp Việt Nam, vẻ đẹp cả hình thể lẫn tâm hồn.

Ở thời đại này, chuyện biết tiếng Anh đối với người Việt thành thị không còn là của hiếm nữa. Vậy thì thật lạ lùng khi vẫn có những cô mang danh hoa hậu, á khôi… mà không thể nói được một câu tiếng Anh cho lưu loát để thể hiện được cái vẻ đẹp trí tuệ của mình. Như vậy, thử hỏi họ làm đại sứ cho vẻ đẹp Việt ở đâu đây, hay vẫn chỉ quẩn quanh nơi cái ao nhà, nơi mà thực sự người ta không cần một ai đó đứng ra giới thiệu cho họ thế nào là vẻ đẹp Việt cả?

HÀ QUANG MINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/xuat-khau-bup-be-610236.bld