Xuất hiện ứng viên tiềm năng trở thành Ngoại trưởng Mỹ

Sau chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 8-11, ông Donald Trump đang nỗ lực tìm ra những gương mặt phù hợp cho các vị trí cấp cao trong nội các của mình, trong đó không thể không kể đến chức danh Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - trợ thủ đắc lực cho vị Tổng thống mới đắc cử. Việc lựa chọn Ngoại trưởng Mỹ sẽ đóng vai trò quyết định khẳng định nỗ lực muốn tái định hình chủ trương đối ngoại của quốc gia.

Hiện đã xuất hiện những gương mặt sáng giá sẽ thay thế ông John Kerry làm Ngoại trưởng Mỹ thứ 69. Trong đó phải kể đến ông Rudy Giuliani, cựu Thị trưởng thành phố New York giai đoạn 1994 - 2001 và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) John Bolton.

Đối với ông Trump, đây là một sự lựa chọn khó khăn giữa người bạn – người đồng minh lâu năm thân thiết ở New York, ông Giuliani và một nhà ngoại giao phe bảo thủ có tư tưởng đối ngoại “diều hâu” năm ngoái đã kêu gọi Mỹ giội bom Iran, ông Bolton.

Ông Giuliani, 72 tuổi, từng là công tố viên liên bang và là một trong những cố vấn thân cận của ông Trump, sát cánh bên ứng viên đảng Cộng hòa từ những ngày đầu tranh cử. Ông Giuliani từng ra tranh cử tổng thống vào năm 2008 nhưng không giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Ông là gương mặt được nhiều người biết đến trong lĩnh vực hành pháp và an ninh nội địa hơn là về quan hệ đối ngoại. Trước đó, ông Giuliani được đồn đoán là có thể sẽ được bổ nhiệm vào vị trí thẩm phán Tòa án tối cao hoặc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong bộ máy nội các của tân tổng thống.

Cựu Thị trưởng TP New York Rudy Giuliani và cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton.

Tuy nhiên, đội ngũ của Tổng thống đắc cử Trump hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào liên quan đến việc cất nhắc ông Giuliani. Khi được hỏi về vị trí Ngoại trưởng “xứ cờ hoa”, vị cựu Thị trưởng thành phố New York khiêm tốn cho rằng, ông Bolton sẽ là một sự lựa chọn tốt cho chức vụ này.

Tuy nhiên, sau đó ông Giuliani lại bóng gió rằng: “Biết đâu lại là tôi. Tôi cũng không biết nữa”. Hãng thông tấn AP dẫn nguồn tin từ một lãnh đạo cấp cao trong đội ngũ của Tổng thống Mỹ mới đắc cử cho biết, hiện không có sự cạnh tranh quá rõ rệt cho chiếc ghế ngoại trưởng trong nội các của ông Trump và vị trí này có thể thuộc về ông Giuliani nếu ông muốn.

Còn về ông Bolton, vị cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ là người có nhiều kinh nghiệm làm việc trong chính phủ liên bang, từng phụ trách các chính sách về chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush.

Ông Bolton cũng là người có tư tưởng đối ngoại “diều hâu” – trái ngược với ý định muốn rút Mỹ ra khỏi khủng hoảng tại các điểm nóng trên thế giới của ông Trump. Ông Bolton từng công khai kêu gọi tấn công bằng bom nhằm vào các địa điểm hạt nhân của Iran, cũng như phản đối kịch liệt thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa hai nước này vào năm ngoái.

Ngoài ông Giuliani và ông Bolton, theo thông tin mới nhất, ông Trump cũng đang cân nhắc bổ nhiệm Thống đốc bang Nam Carolina, bà Nikki Haley làm Ngoại trưởng trong nội các của ông. Bà Haley, 44 tuổi, gốc Ấn Độ, đã đảm nhiệm cương vị Thống đốc bang Nam Carolina từ năm 2011 và là nữ thống đốc đầu tiên của bang này, đồng thời là người trẻ nhất trong số các thống đốc Mỹ đương nhiệm.

Bên cạnh vị trí Ngoại trưởng Mỹ, hai cái tên sáng giá nhất hiện nay cho “chiếc ghế nóng” phụ trách an ninh mạng là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng Michael Flynn và Trung tướng đã nghỉ hưu Ronald Burgess.

Theo tài liệu từ đội ngũ của ông Trump, đây là hai nhân vật sẽ tập trung vào vấn đề an ninh và tình báo. Tuy nhiên, cả ông Flynn và Burgess đều không phải chuyên gia về an ninh mạng. Ông James Norton, cựu quan chức thuộc chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush và là người sáng lập nên đội an ninh mạng đầu tiên của Bộ Nội vụ, cho hay đội ngũ của ông Trump có thể chưa vội vàng và sẽ để mắt nhiệm vụ này tới sau khi hoàn thiện các vị trí chủ chốt cấp cao.

Hiện chức vụ Bộ trưởng Tài chính vẫn là một vị trí gây nhiều đồn đoán. Hãng tin Fox Business Network hôm 16-11 cho rằng, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase&Co Jamie Dimon “sẽ nhận nhiệm vụ này”. Tuy nhiên, cũng có thông tin rằng, ông Dimon không chạy đua vào vị trí này và chính bản thân Giám đốc JPMorgan cũng đã nhiều lần khẳng định ông không có tham vọng chính trị. Công tác bổ nhiệm nội các của ông Trump hiện đang vấp phải nhiều phản ứng gay gắt sau quyết định lựa chọn ông Stephen Bannon một nhân vật bảo thủ, cho vị trí Cố vấn Cấp cao và chiến lược.

Chỉ một ngày sau khi quyết định này được công bố, đã có ít nhất 169 nghị sỹ Dân chủ tại Hạ viện đồng ký tên vào một bức thư đề nghị ông Trump hủy bỏ lựa chọn này nếu Tổng thống mới đắc cử thực sự muốn đoàn kết nước Mỹ. Về phía ông Trump, vị Tổng thống đắc cử mới của Mỹ khẳng định tiến trình tiếp quản Nhà Trắng đang diễn ra suôn sẻ, nhấn mạnh rằng, công tác bổ nhiệm thành phần nội các đang diễn ra “rất có tổ chức” và cho hay ông là người duy nhất biết các ứng cử viên cuối cùng.

Ông Trump bác bỏ các thông tin trước đó của tờ New York Times về tình trạng “hỗn loạn và tranh chấp nội bộ” trong tiến trình chuyển giao quyền lực và chỉ trích công tác đưa tin của báo này. Trước đó, vị tỷ phú này cũng đã bày tỏ mong muốn thay đổi cách mà Mỹ hiện đang tương tác với các nước đồng minh, cũng như tranh luận về sự giúp sức của các thành viên khác của NATO đối với nhiều vấn đề thế giới và quan trọng là sẽ tìm kiếm một mối quan hệ bền chặt với Nga nhằm giảm bớt căng thẳng tình hình Trung Đông.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ “gắn bó” với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế như trao đổi thương mại. Trước đó, khi tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ - một động thái có thể làm leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia.

Minh Nhật

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/xuat-hien-ung-vien-tiem-nang-tro-thanh-ngoai-truong-my-417663/