Xuân mới trên bản Rào Tre

Định cư ở bản Rào Tre đã hơn nửa thế kỷ cùng sự chung tay của cộng đồng, người Chứt giờ đây đã rũ bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre phấn khởi nhận quà đầu năm mới. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Những ngày đầu năm mới 2016, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của tỉnh Đoàn Hà Tĩnh trở lại thăm bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) - nơi cư trú của đồng bào dân tộc Chứt, một dân tộc ít người nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Được tìm thấy và định cư ở bản Rào Tre đã hơn nửa thế kỷ cùng sự chung tay của cộng đồng, người Chứt giờ đây đã rũ bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người Chứt (hay còn gọi là người Mã Liềng) vốn sống nay đây mai đó trên dãy núi Kà Đay giáp biên giới Việt - Lào. Trước đây, đồng bào cư trú trong hang động hoặc dưới những tán lá cây, sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, không biết trồng lúa, chăn nuôi. Con chữ đối với đồng bào là điều hoàn toàn xa lạ và thậm chí cái tên, cái tuổi của mình, người dân cũng không biết.

Dẫn chúng tôi đi thăm bản, thượng tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ công tác Biên phòng Rào Tre (thuộc Đồn Biên phòng 575, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Người Chứt ở Rào Tre trước đây không có tập tục cưới hỏi. Nếu chàng trai “ưng” cô gái nào trong bản chỉ cần lên rừng chặt một bó củi vác về đặt trước cổng nhà gái.

Nếu đồng ý, gia đình nhà gái vác bó củi vào thổi lửa rồi ngay tối đó, chàng trai khăn gói quần áo sang nhà cô gái ở. Ở nhà cô gái cho hết thời hạn quy định thì cả hai dắt nhau về nhà chồng, dựng nhà cửa rồi sống với nhau.

Điều đáng nói là, ở bản Rào Tre có khoảng hơn 130 người, trong đó có vài chục thanh niên trong độ tuổi 16 – 35 thì hầu như đều có quan hệ huyết thống với nhau. Hơn nữa, việc giao lưu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc khác bên ngoài còn hạn chế bởi tâm lý e ngại nên hầu như các cặp vợ chồng ở đây đều có quan hệ huyết thống.

Điển hình như: Hộ ông Hồ Vẹt có con trai cả lấy con gái chị ruột ông Vẹt là Hồ Thị Loong. Con trai thứ của ông Vẹt là Hồ Văn Nề lại có con gái lấy Hồ Văn Bốn là con của em trai ông Vẹt. Hồ Văn Cương cũng là con trai ông Vẹt, lấy Hồ Thị Hạnh, cháu gọi ông là bác...

Những đứa trẻ được sinh ra trong cái vòng luẩn quẩn của hôn nhân cận huyết ấy đều chậm lớn và mang trong mình những mầm mống bệnh tật.

Với người Chứt trước đây, mọi bệnh tật đều không cần thuốc thang mà chỉ cần nắm lá rừng của thầy Mo. Người phụ nữ từ lúc mang thai phải đem ra bờ suối cúng thần linh rồi dựng lều tự mình vượt cạn ở đó, không có y tế hay người thân ở cạnh chăm sóc.

Lứa lợn đầu tiên của hộ Hồ Bắc đã được xuất chuồng. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Hôm nay về thăm Rào Tre, chúng tôi nhận thấy bản đã có nhiều đổi thay. Con đường từ trung tâm xã Hương Liên dẫn về bản đã được rải nhựa sạch sẽ. Đi khắp bản làng là sự ấm no rạng ngời trên những khuôn mặt người dân.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn cộng đồng, đặc biệt là sự tận tình của Bộ đội Biên phòng, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị khác, bản Rào Tre đã thực sự đổi thay. Sự đổi thay không chỉ ở những nếp nhà, con đường mới mà còn ở chính nhận thức của đồng bào nơi đây.

Sau hơn mười năm gắn bó với tinh thần “5 cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng biên giới và cùng nhau bảo vệ biên cương, người dân Rào Tre đã thực sự tin tưởng, coi người lính Biên phòng như anh em.

Bằng tình thương và trách nhiệm của những người lính mang quân hàm xanh, các chiến sỹ thuộc Trạm Biên phòng Rào Tre đã vượt mọi khó khăn, kiên trì vận động đồng bào học con chữ, hướng dẫn họ trồng cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ cuộc sống du canh du cư, giờ đây người Chứt ở Rào Tre đã sống định canh, định cư với nhà cửa kiên cố, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo; nhiều hộ còn sắm được tivi, xe máy và bắt đầu nghĩ đến việc tạo ra của cải để tích lũy.

Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, thay vì nhờ thầy Mo cúng bái như trước, người Chứt đã biết tìm đến trạm quân y của bộ đội Biên phòng để được khám và chữa trị.

Ông Hồ Bắc, một người dân của bản Rào Tre bày tỏ:"Người Chứt chúng tôi biết ơn anh lính biên phòng lắm, các anh đã cho chúng tôi cái tên, cái họ, cùng ăn ở và chỉ dạy chúng tôi làm ăn".

Giờ đây, hầu hết đồng bào dân tộc Chứt đều đã biết đọc, biết viết; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Tại bản hiện đã có một trường mầm non; 10 em đang theo học tại trường tiểu học xã Hương Liên và 14 em đang học tại trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.

Nhiều người dân trong bản Rào Tre đã được chính quyền địa phương cử đi học và được nhân dân tín nhiệm bầu vào một số vị trí trong các ban, ngành, đoàn thể của xã, huyện.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre” của UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể đã cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy để phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ tháng 3/2015, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh ra quân trồng chuối cao sản cho đồng bào dân tộc Chứt. Đến nay, chuối đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch năng suất cao giúp người dân cải thiện kinh tế.

Mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 10 con/lứa do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ, bố trí đội thanh niên tình nguyện giúp đỡ, hướng dẫn cho đồng bào Chứt, cũng đã giúp người dân nâng cao thu nhập.

Mô hình không những góp phần tăng thu nhập cho người dân, mà còn làm chuyển biến nhận thức, thói quen canh tác và tự chủ trong sản xuất cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra, mô hình nuôi gà với quy mô trên 100 con cũng được phát triển tại nhiều gia đình trong bản.

Bên cạnh các hoạt động giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng và Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối, giao lưu giữa thanh niên dân tộc Chứt và thanh niên người Kinh, thanh niên dân tộc Rục (Quảng Bình). Đến nay, đã có 3 nữ thanh niên dân tộc Chứt kết hôn với nam thanh niên người Kinh tại địa bàn huyện Hương Khê.

Gần đây nhất là đám cưới giữa thanh niên Hồ Nghĩa (người dân tộc Chứt) với Hồ Quỳnh Kham (dân tộc Rục, Quảng Bình). Điều này thêm một lần nữa chứng tỏ sự nỗ lực vào cuộc của toàn cộng đồng trong việc xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống của dân tộc Chứt.

Một mùa xuân nữa lại về, bên bếp lửa hồng giữa đại ngàn Trường Sơn, với tiếng sáo Pi, tiếng đàn Trơ bon và những điệu nhảy sạp rộn rã, bản Rào Tre đã thực sự khoác lên mình chiếc áo mới./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xuan-moi-tren-ban-rao-tre/8832.html