Xuân của niềm tin!

Thời gian không biết đợi chờ ai!

Thời gian vun vút bóng câu, Đông qua là Xuân tới. Quy luật đất trời một năm bốn mùa quay tròn trong cái vòng quay của 365 ngày, càng thấy thời gian quý hơn vàng!

1. Thì đó, những cô gái chàng trai sinh ra ở những năm đất nước “hoài thai” đi vào đổi mới, giờ cũng đã chững chạc ở cái tuổi 30!

Thì đó, trí tuệ và tài năng, sức trẻ năng động là hình ảnh của những công dân Việt Nam mới đang ngẩng cao đầu đi vào hội nhập!

Mới hay, tuổi trẻ giờ tư duy, cách nhìn cuộc sống, suy ngẫm về lẽ đời hơn hẳn lớp cha chú ngày xưa. Nếu như đạn bom chiến tranh ác liệt làm cho những bậc sinh thành ra lớp trẻ hôm nay có cái “tố chất” chịu đựng, cái chí bền bỉ kiên cường, thì sắc xanh của trời xanh hòa bình lại sinh ra một lớp người con đất Việt kế tiếp quyết không chịu sống nghèo. Bản chất kiên cường, trí tuệ thông minh như càng ngời sáng lên trong những con mắt trẻ trung nhìn về thời cuộc, trong những nghĩ suy về “thế thái nhân tình” đầy ắp chất nhân văn.

Dòng máu hồng Lạc Việt đời nọ nối tiếp đời kia đang lớn lên trong tư duy của một đất nước quyết bứt phá tìm cách thoát ra: Không để cho sợi dây khó nghèo ghì chặt, hỏi có gì hơn?

Trước thềm Xuân, dạo một vòng quanh hồ Gươm, ngắm những cặp uyên ương đang tạo dáng cho những bộ ảnh cưới, như thấy mình trẻ lại.

Thêm hay: Mùa Xuân - mùa của tuổi trẻ - mùa “chim làm tổ” của những lứa đôi ngập tràn trong yêu thương hạnh phúc!

Ba mươi năm trước, ai nghĩ có được đất nước đổi thay như mơ thế này?

Lớp trẻ giờ không muốn nghe “chuyện xửa chuyện xưa”, nhưng hoài niệm trong những bậc sinh thành ra các cô gái chàng trai hôm nay, sao có thể quên được. Ngày ấy là trăm thứ thiếu, là lo gạo mỳ, là xếp hàng dài với “tem cấp phiếu kèm”, với lạng thịt, bìa đậu phụ, là những chai rượu cam rượu chanh Hà Nội “xanh xanh đỏ đỏ” đặt trên ban thờ tổ tiên, phải phân phối cắt ô phiếu C, phiếu D. Thời ấy, cái khó cái nghèo đều na ná như nhau, chả ai hơn ai là mấy. Ngày ấy giáp Tết là lãnh đạo các tỉnh thành chạy “ríu chân” lo cho dân từ cân gạo nếp, lạng đậu xanh, tàu lá gói bánh chưng, cho đến chai nước mắm, thìa mì chính. Ngày ấy, khó nghèo ai cũng như ai, nên cái tình người cũng ấm nồng rất lạ. Ngày Tết ghé nhà nhau với lời chúc như cởi lòng, cởi dạ. Đâu có gì để cho nhau, tặng nhau, mà bao chuyện tình đời, tình người vẫn cứ ấm nồng, vẫn cứ vang lên trong những cái nắm tay chặt, và trong cả những nụ cười như cởi ruột gan!

2. Phải hoài niệm chút về những tháng ngày chưa xa ấy, mới thấy những gì đất nước có được hôm nay quý giá nhường nào!

Mỗi thời mỗi khác! Làm sao cứ mãi khư khư “ôm vào lòng” cái hôm qua với những bộn bề lo toan “cái gì cũng thiếu, cái gì cũng khó” của 30 năm trước? Nhưng rõ ràng đất nước có được hôm nay, mỗi người Việt Nam mình có được những gì đang cầm trên tay là cả một sự “lột xác” trong tư duy, nếp nghĩ, cách làm!

Đất nước như người mẹ hoài thai! Đất nước như người mẹ quặn lòng đau mới có được đứa con hạnh phúc bồng trên tay. Tư duy đổi mới, tư duy mở cửa của Đảng, chính là điều căn cốt “gốc rễ” để đất nước hình chữ S này có được cái “tâm thế” mới đĩnh đạc, tự tin vượt lên gian nan thách thức. Đất nước “Đảng trong lòng dân, dân bên Đảng” đồng thuận một lòng. Đất nước đàng hoàng trong vòng tay rộng mở, đĩnh đạc trong bước chân ra năm châu bốn biển, trong cái tâm thế “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay”, hỏi có tuyệt vời nào hơn?

Đất nước giờ là gạo thừa ăn, xuất khẩu cỡ nhất nhì thế giới. Đất nước giờ cá tôm, là cà phê, hồ tiêu, là cả những miệt vườn trái cây đủ loại có mặt trên thị trường trời Âu, đất Mỹ. Đất nước giờ là những cây cầu uy nghi bắc ngang qua những dòng sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Hàn… trước đó ai dám mơ? Đất nước giờ là hàng hóa đủ loại chả thiếu thứ gì tràn ngập các đô thị đến các miền quê, là mâm cơm hàng ngay nhiều gia đình giàu có chả thua gì ngày Tết. Đất nước giờ là cả ngàn ki-lô-mét đường cao tốc như những dải lụa đan dọc ngang trên các tuyến đường vào Nam ra Bắc trước ai dám ước? Đất nước giờ là cả loạt cảng sân bay, cảng biển, cảng sông rộng mở. Đất nước giờ nhìn từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu… cao ốc vút cao, chung cư hiện đại như khách sạn 4 - 5 sao. Ai hay chủ nhân của những biệt thự nguy nga, người nắm quyền sở hữu những căn hộ sang trọng ấy, đa phần đều là những công dân trẻ thế hệ 8X, 9X!

Đất nước giờ là cả loạt những nhà máy điện khắp ngoài Bắc trong Nam điện sáng ngời từ phố thị đến các vùng quê xa nẻo, mà còn là “điểm tựa” cho hàng trăm khu công nghiệp đi vào công nghiệp công nghệ cao hiện đại. Đất nước giờ là xe máy, xe hơi chen nhau đến nỗi đường sá làm không xuể. Nhìn hai thành phố lớn chuyện nghẽn tắc đang trở thành “cơm bữa” thường ngày là mối lo của Bí thư Hà Nội: “Nhìn thấy thảm họa mà chưa biết gỡ cách gì!”.

Đất nước một thời “ríu chân”, sờ vào cái gì cũng thiếu, cũng âu lo khốn khổ về cái sự thiếu.

Bây giờ lại là cái lo về cái sự thừa, quá thừa nghe có lạ không?

Thừa gạo xuất khẩu đi cũng đủ níu giằng, cũng bị đối tác bạn hàng bắt bí từ giá bán đến chủng loại hạt gạo. Nói gì, khi hay gạo xuất khẩu nhất nhì thế giới, mà loay hoay mãi không xây dựng nổi thương hiệu cho hạt gạo Việt? Nói gì, khi cô bác 13 tỉnh miền Tây Nam bộ nổi tiếng làm lúa mà mãi vẫn cứ nghèo? Ai hay các DN xuất khẩu gạo nhiều khi mất ăn mất ngủ lo ký kết hợp đồng tiêu thụ, mà hạt gạo mãi vẫn cứ chông chênh? Ai biết cả “núi tiền” Nhà nước hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm, cô bác chỉ được chút “tiếng thơm”, bao nhiêu ưu đãi bạc tiền các DN thu mua hưởng hết. Thế mới “phơi ra” lãnh đạo TCty Lương thực Miền Nam - Vinafood2 nhận mức lương ngút tận giời xanh! Hạt gạo Việt mãi không có thương hiệu bị gạo Campuchia “qua mặt”, phải chỉ thẳng cách làm thị trường của chính Bộ Công Thương rất non tầm, nếu không muốn nói là các cục, vụ của bộ này còn tư duy coi việc xuất khẩu gạo cho nhà nông như việc của ai, còn nặng “cát cứ” cái sự “xin - cho”?

Thừa các ngân hàng cũng là căn nguyên của thị trường tiền tệ một thời nhốn nháo. Mới hay “ký tá” cho mở các ngân hàng quá dễ chăng, nên chạy đua lãi suất cạnh tranh không lành mạnh cả tiền gửi, tiền cho vay, giám sát không chặt, thanh tra, kiểm tra cả nghìn cuộc mà Ngân hàng Nhà nước không phát hiện ra đồng tiền ngân hàng “đao đát” chảy về đâu, cho vay có tuân thủ quy chế, quy trình không? Chỉ đến khi vỡ ra cả loạt những “phi vụ” cho vay bừa vay ẩu, cả núi nợ xấu phình quá to không cách nào che chắn nổi. Giật mình về “cô ả” Huyền Như của Vietinbank như “làm xiếc” trong cái “núi tiền” tới 4.000 tỷ đồng, kéo khách hàng ra cả quán cà phê giao dịch nghe mới lạ về hoạt động ngân hàng thời mở cửa. Không biết lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ nói gì trong những vụ thất thoát bạc tiền quá lớn ở Cty Thuê mua tài chính 2 (ALCII); ở Chi nhánh Q.6, Chi nhánh Q.7, Chi nhánh Phú Mỹ Hưng, Mạc Thị Bưởi… của Agribank? Phải chăng ngân hàng cho mở ra quá nhiều, quá thừa, quản không xuể, nên mới có những cách cho vay như “ma trận” ở Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, kéo theo tay cả quan chức “cỡ bự” ngồi ghế tổng giám đốc, phó tổng giám đốc sa chân vào vòng lao lý? Chuyện cười ra nước mắt về nguyên Tổng giám đốc Phạm Thanh Tân giương giương tự đắc coi mình như ông “giời con”, lời nào tuôn ra cũng ngọt xớt không vụ lợi, vì đất nước, vì nhà nông. Nhưng ai ngờ vẫn “cùng hội cùng thuyền” với “ả giám đốc” Phạm Thị Bích Lương “châm lửa đốt cả trời”, ký cho vay ngoài quy định 75 triệu USD, rồi tay vẫn “nhúng chàm” nhận phong bì tới 4 - 5 lần cả mấy trăm ngàn USD! Chỉ cho vay một khách hàng, tiền ngân hàng đã “bay hơi” quá lớn, giờ như nhìn “bóng chim tăm cá”! Ai biết cho cả chuyện ký tá chuyển tiền cho khách hàng Việt kiều này vay cả đêm, giờ vị “khách vàng” cao chạy xa bay. Đâu hết, trong cả loạt vụ “đại án”, còn kia những vụ Ngân hàng Xây dựng của Phạm Công Danh hơn 9.000 tỷ, rồi tới đây là vụ Ngân hàng Đại Dương (Ocean bank) đưa ra xử, với ông chủ ngân hàng nói “một tấc lên giời” cũng làm cho ngân hàng mất vốn, âm vốn tới 500 tỷ đồng!

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, sắp tới sẽ là 5 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước buộc phải mua với giá 0 đồng, đủ thấy gánh nặng trong hoạt động ngân hàng đâu có nhỏ. Mừng là Ngân hàng Nhà nước rất quyết liệt xử lý không nương tay. Mừng hơn, là các ngân hàng rất quyết liệt tái cơ cấu lại, nên hoạt động ngân hàng giờ đã lấy lại được phong độ, hướng đồng vốn vào các mũi nhọn của kinh tế quốc gia. Tỷ giá điều hành năng động, dự trữ ngoại tệ tăng, nợ xấu lùi về mức 2,46%. Nhưng nợ xấu cũ vẫn “cả núi” còn “nhốt” ở VAMC đang rất cần thể chế, cơ chế và cả những luật định pháp lý từ vĩ mô để xử lý nợ xấu, mới mong kinh tế quốc gia nhẹ vai. Rõ ràng phải bứt đi những ngân hàng yếu kém mất vốn, âm vốn. Rõ ràng các ngân hàng phải lo “chỉnh tướng rèn quân”, chọn cho được người đứng đầu các ngân hàng lớn cho chuẩn chỉ tử tế.

Sản phẩm nông nghiệp dư thừa từ hạt gạo, con tôm, con cá, trái cây đến cà phê, hồ tiêu giờ phải quy hoạch lại thế nào? Cứ nói tích tụ đất đai, cứ nói 13,8 triệu hộ nông dân đang quản 78 triệu mảnh ruộng, ai cũng nhìn ra manh mún. Nhưng chính sách thu gom đất đai thế nào, tích tụ ra sao để người nông dân có niềm tin, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cứ nói phải tạo chuỗi sản phẩm đủ sức cạnh tranh, với hội nghị như “Diên Hồng”, nhưng xem ra giải pháp, kế sách để thoát ra đâu đã có gì sáng láng? Các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu nông nghiệp nói gì, khi cứ “hô” rất to, nói rất mạnh, có hay vào vụ, cô bác nhà nông vẫn “ríu chân” lo giống cây con loạn xạ! Có thấu cảnh ngập mặn tràn sâu ĐBSCL, hạn cháy đất Tây Nguyên, mưa lũ ngút trời quét dọc hết các tỉnh miền Trung. Không chỉ do biến đổi thiên tai, mà còn cả “nhân tai” đó!

3. Bức tranh kinh tế - xã hội nhìn thẳng còn nhiều bất cập! Động vào lĩnh vực nào cũng như thấy yếu, thấy non. Cứ đổ cho thể chế, quy trình, đâu khác thể chế, quy trình cũng con người đặt ra. Nhìn về bộ máy quá cồng kềnh, công chức bộ ngành nào cũng quá đông, nói tinh giản mà đã tinh giản được bao nhiêu? Vẫn còn đó chuyện cài cắm người nhà thân hữu, vẫn ỳ xèo lãnh đạo tỉnh này thành kia vẫn có DN “sân trước sân sau” mở ra như để hứng “lộc giời”! Vẫn ỉ eo chuyện có tổng giám đốc DN lớn hạ cánh về hưu vẫn gửi gắm lại “đàn em kế nhiệm” mình những phi vụ sắm sanh thiết bị máy móc, những hợp đồng mua bán nguyên liệu dọc ngang dang dở, có gì “còn hở” hãy lo “khép giùm” cho “kín” lại. Thế nên chọn đúng người cho bộ máy đội ngũ các bộ ngành, các tỉnh thành, các tập đoàn kinh tế, các DNNN lớn vẫn là cánh cánh nỗi lo của Đảng!

Khi một bộ phận không nhỏ co cụm kéo bè kết cánh, che chắn o bế cho nhau còn khuynh đảo vào đất đai, bạc tiền ngân sách, còn thao túng quyền uy, tự coi mình như những “ông vua con”, càng hiểu “chọn người tài hay chọn người nhà” vẫn đang là chuyện nóng! Một vụ Trịnh Xuân Thanh vỡ lở, bao nhiêu cán bộ cao cấp phải nhận kỷ luật, quá xót xa và đau đớn! Nhưng Đảng ta không thể làm khác, cũng vì một đất nước phải đi vào kỷ cương. Dân ta dù chất chứa giàu lòng nhân ái bao dung, cũng không thể tha thứ cho được những loại “sâu đục từ trong”!

Bộ máy vẫn quá nặng nề, cấu trúc lại cách gì đây? Nạn chạy chức quyền, thao túng quyền uy ai kiểm soát hết? Phải làm sao loại ra những kẻ bất tài, vụ lợi để thu hút những người tài năng tâm huyết thực sự cho đất nước. Tết này không nhận quà, biếu quà cấp trên, dân vỗ tay với chỉ đạo quyết liệt của Đảng, nhưng dư luận vẫn chưa yên lòng, vì quan chức giờ “kính nhau, biếu nhau, bợ đỡ nhau” đâu chỉ khi “Tết đến, Xuân về”?

Nhìn về hơn 200 ngàn cử nhân ra trường không có việc làm, cũng là cái “sự thừa” của những tư duy làm giáo dục quá nóng. Đại học mở ra quá nhiều với tư tưởng ai cũng vào đại học, với cách đào tạo cử nhân non kém đầu vào như “vơ bèo”, giờ cũng đang là gánh nặng dồn cả cho xã hội phải lo. Ngành Giáo dục hãy soi lại chính mình xem những đổi mới cải tiến, sao cứ “tréo ngoe”? Giáo dục cứ tư duy đuổi theo, chạy theo dư luận, “chữa cháy” dư luận, thiếu bài bản, thiếu bản lĩnh và khoa học giáo dục, sao có được nền giáo dục cho tử tế? Dư luận như “kết tội” ngành GD&ĐT là ngành đang gây lãng phí bạc tiền của dân và Nhà nước rất lớn. Mỗi người học đại học 4 - 5 năm phải chi phí 140 - 150 triệu đồng, vậy hơn 200 ngàn tấm bằng cử nhân là bao nhiêu tiền, ông Bộ trưởng GD&ĐT có hay?

Đất nước vào Xuân! Từng bộ ngành hãy soi lại chính mình, từng “công bộc” hãy nhìn lại chính mình trên cương vị trọng trách được giao, để biết phải làm gì cho đất nước? Chính phủ “kiến tạo liêm chính”, nhưng chỉ mình Chính phủ lo sao xuể, làm sao hết. Cần sự chuyển động cả nước, cần cả nước cùng xắn tay làm, mới mong đất nước bứt phá đi lên!

Thời gian không biết đợi, biết chờ. Thời gian của nhiệm kỳ 5 năm như cái vòng quay nhanh lắm. Kỳ vọng của 92 triệu dân cả nước đang thắp lên niềm tin cháy bỏng, đang nhìn vào hành động của các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh thành “nói và làm” sẽ chuyển động ra sao?

Xuân Đinh Dậu

Tùy bút của Đỗ Quang Đán

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/xuan-cua-niem-tin.html