Xử vụ Ngân hàng Xây dựng: Phạm Công Danh sử dụng bằng giả?

Phạm Công Danh cho biết mình học ngành quản trị kinh doanh, được đào tạo theo chương trình vừa học vừa làm. Nhưng lại không biết học ở đâu, ai đào tạo.

Theo tin tức trên VOV, ngay buổi sáng nay (29/7), HĐXX bắt đầu thẩm vấn Phạm Công Danh. Hỏi cựu Chủ tịch HĐQT VNCB về việc được nghe cáo trạng chưa, HĐXX nhận được câu trả lời của Phạm Công Danh là: “Bị cáo có nghe, có đọc, nhưng do trí nhớ kém nên không nhớ lắm”.

Bắt đầu trình bày, Phạm Công Danh xin HĐXX xem xét bối cảnh thời điểm hành vi phạm tội.

Nói về học vấn, cựu Chủ tịch HĐQT cho biết mình học ngành quản trị kinh doanh, được đào tạo theo chương trình vừa học vừa làm. Nhưng Phạm Công Danh lại không biết học ở đâu, ai đào tạo.

"Học ở đâu, ai đào tạo bị cáo không nhớ thì học cái gì?", Chủ tọa đặt câu hỏi. Ngay lập tức, Phạm Công Danh kể lể hoàn cảnh. Bị cáo trí nhớ kém, sức khỏe kém, việc đứng trước vành móng ngựa là bị cáo rất cố gắng.

Trước biện minh của Phạm Công Danh, chủ tọa yêu cầu thư ký sẵn sàng điều kiện để bị cáo ngồi trả lời thẩm vấn. Đồng thời ông chủ tọa cho biết sẽ đọc những hồ sơ thu thập liên quan đến trình độ học vấn của bị cáo. Nghe thấy vậy, cựu Chủ tịch HĐQT trả lời: “Bị cáo học ngành quản trị kinh doanh, nhưng giờ bị cáo không nhớ”.

Trước trả lời vòng vo của Phạm Công Danh, chủ tọa công bố hồ sơ tài liệu thu thập về trình độ chuyên môn của bị cáo. Theo đó, bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh, Phạm Công Danh tốt nghiệp vào thời gian 1987 – 1991.

Tuy nhiên lý lịch cho biết thời gian này, bị cáo sống và làm việc tại Quảng Ngãi. Xác minh tại Đại học Kinh tế TP.HCM không có sinh viên nào tên Phạm Công Danh. Bằng bị cáo nộp lên NHNN để xem xét làm Chủ tịch HĐQT VNCB là bằng giả. “Đề nghị VKS xem xét xử lý bị cáo về việc sử dụng bằng giả”, chủ tọa gay gắt.

Quay lại quá trình “nắm” Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh kể giao dịch đầu tiên với Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Tuy nhiên, lật lại hồ sơ, chủ tọa công bố thì ban đầu Phạm Công Danh giao dịch với Hà Văn Thắm. Thời điểm đó, cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Dương cũng muốn “mua” Ngân hàng Đại Tín.

Tuy nhiên, NHNN không đồng ý vì không có tình trạng một nhóm tư nhân sở hữu hai ngân hàng yếu kém. Thời điểm đó, Ngân hàng Đại Dương cũng là ngân hàng yếu kém. Chính vì lẽ đó, Hà Văn Thắm và bà Hứa Thị Phấn – nhóm cổ đông Phú Mỹ ở Ngân hàng Đại Tín không thể tiến hành sang nhượng cổ phần. Bị cáo Danh đã gặp Thắm rồi sau đó tiếp cận nhóm Phú Mỹ.

Trước công bố, Phạm Công Danh bác lại. Theo cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, ông ta giao dịch với Hà Văn Thắm. Thời điểm đó, Hà Văn Thắm đã đưa người vào quản lý ngân hàng Đại Tín rồi. Việc chuyển nhượng cổ phần, ông Danh phải trả cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng và có giấy tờ biên nhận. Còn số cổ phần của nhóm Phú Mỹ, bao nhiêu tiền, cựu Chủ tịch VNCB không nhớ hết vì thời gian quá dài.

Số tiền 500 tỷ trả cho Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh khai, đó chỉ là số tiền trả cho chi phí chăm sóc khách hàng và đây không phải là con số cuối cùng.

Phạm Công Danh cho rằng khi tiếp quản ngân hàng Đại Tín thực sự “sốc” vì chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn vì có lúc lên đến 6-7%. “Lãi suất vượt trần không đúng với quy định của NHNN”, ông Danh thừa nhận.

Tiếp tục khai, bị cáo Danh cho biết, lúc đó, chi phí chăm sóc khách hàng của các chi nhánh chưa trả đủ. Chi nhánh của NH Đại Tín yêu cầu trả vì họ phải đi vay tiền.

Về đề án tái cơ cấu, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB khẳng định do Phan Thành Mai viết. Theo đề án tái cơ cấu NH Đại Tín, ông Danh đại diện cho nhóm cổ đông mới (bao gồm 21 cổ đông trong đó có bố của Phạm Công Danh là ông Phạm Toàn).

Bị cáo Phạm Công Danh trả lời thẩm vấn.

Về nguồn tiền để tái cơ cấu NH, Phạm Công Danh tin tưởng vì lúc đó Tập đoàn Thiên Thanh đang kinh doanh tốt, quản lý nguồn bất động sản lớn. Số dư tài khoản có nhiều ở các ngân hàng trong đó riêng ở Ngân hàng Đầu tư là khoảng 1000 tỷ đồng.

Với những người trong nhóm cổ đông mới, nhiều người không có tài chính, một số người có khả năng nhưng sau khi tìm hiểu về thực trạng tại NH Đại Tín đã rút vốn không tham gia.

Theo Danh, trước thực trạng “cấp cứu đặc biệt” của Ngân hàng Đại Tín thời điểm đó, ông ta đã tính chuyện không thực hiện có cấu NH, nhưng vẫn thực hiện vì được sự động viên của Chánh thanh tra NHNN thời điểm đó. Khi chủ tọa hỏi tên vị Chánh thanh tra NHNN, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB lại nhớ không rõ.

Cựu Chủ tịch HĐQT kể, vị lãnh đạo này của NHNN cho hay không thể lập NH mới, không thể tái cơ cấu bằng nguồn tiền Nhà nước. “Lúc đó tôi tính từ bỏ, sẵn sàng mất hàng trăm tỉ đồng trước đó”, ông Danh kể.

Quay lại bối cảnh, từ sự động viên, ông Danh vẫn quyết định thực hiện tái cơ cấu NH. Ông ta tin tưởng vào nguồn lực tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh sẽ giúp việc tái cơ cấu thành công.

Ông ta cho hay không ai ép buộc mình thực hiện tái cơ cấu NH Đại Tín. Động lực để cựu Chủ tịch VNCB xắn tay vào lĩnh vực tín dụng này là “niềm tin”. Chính niềm tin của bị cáo đã khiến nhiều người phải hầu tòa, Phạm Công Danh nói giọng trăn trở.

Cũng theo Phạm Công Danh, một thực trạng mà trong đề án tái cơ cấu không bao giờ đề cập đến, đó là tiền chăm sóc khách hàng quá cao. Ông ta đề nghị, việc xem xét hành vi của mình cũng phải xem xét hoàn cảnh thời điểm đó vì NH Đại Tín đang ở tình trạng “cấp cứu đặc biệt”. Tất cả các NH thời điểm đó đều có tình trạng “đi đêm lãi suất”.

Theo Dân Trí, ngày đầu xét xử, bị cáo Danh đến dự tòa với chai nước lọc trên tay và mắt kính vừa cắt trong túi, bị cáo Phạm Công Danh khá bình thản và mạnh khỏe. Tuy nhiên, đến phần thẩm vấn lý lịch thì bị cáo trả lời chậm chạp các câu hỏi của HĐXX. Nhiều câu hỏi Phạm Công Danh trả lời không được với lý do “trí nhớ kém”, không nhớ rõ việc mình làm và cũng không nhớ rõ năm sinh của các con của mình. Trong lần bị đưa ra xét xử này, Danh thuê 5 luật sư bào chữa cho mình.

Theo cáo trạng, Phạm Công Danh (SN 1964, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Bị cáo Danh bị truy tố theo khoản 3 điều 165 và khoản 3 điều 179 Bộ luật Hình sự, mỗi tội danh có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù.

Đây không phải lần đầu tiên Phạm Công Danh rơi vào vòng lao lý, Phạm Công Danh từng bị TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau đó VKSND tối cao kháng nghị bản án sơ thẩm, TAND tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm tuyên bị cáo 6 năm tù về tội danh trên.

Trước khi bị khởi tố và chuyển sang kinh doanh ngân hàng, bị cáo Danh đã mua cổ phần VNCB của nhóm cổ đông cũ Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành VNCB), Phạm Công Danh được giới doanh nhân biết đến là ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh, một trong những đại gia trên thương trường về lĩnh vực vật liệu xây dựng, salon ô tô, du lịch – nhà hàng – khách sạn, tài chính – dịch vụ tài chính, kinh doanh bất động sản.

Ngay thời điểm trước khi bị bắt, Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh từng gây sốt khi nói về đại dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp Trung tâm thương mại vật liệu xây dựng – nội thất có 4 mặt tiền (Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Tam Đảo, Thành Thái) thuộc P.15, Q.10, TP.HCM với quy mô xây dựng 500.000m2, vốn đầu tư dự kiến ít nhất 500 triệu USD.

Chiều 28/7, HĐXX tiếp tục làm việc với phần xét hỏi các để làm rõ “đường đi” của việc thẩm định hồ sơ cho vay gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Thông tin đang chú ý xảy ra ở cuối buổi làm việc, khi HĐXX đã có đã phần xét hỏi ngắn đối với bị cáo Phạm Công Danh. Chủ tọa hỏi sức khỏe bị cáo, bị cáo Danh khai nhận mình cũng đang cố gắng, đang sử dụng thuốc vào những bệnh như sỏi thận, thần kinh, viêm phổi. Vì vậy HĐXX cũng xem xét cho bị cáo Phạm Công Danh một ghế riêng nhằm đảm bảo sức khỏe cho bị cáo.

Tại sao tòa đã cắt kính mà bị cáo không đeo? HĐXX hỏi - Bị cáo Danh trả lời khi nào đọc thì sẽ đeo. “Sáng mai tòa sẽ hỏi bị cáo, bị cáo nhớ đảm bảo sức khỏe tư tưởng, yêu cầu bác sĩ chú ý sức khỏe bị cáo Danh”, Chủ tọa phiên tòa nói.

Dư luận hiện đang quan tâm đến số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích đã bị bốc hơi tại VNCB khi không có chữ ký của chủ tài khoản. Cáo trạng có kết luận: “Ngoài những lần giao dịch đã tất toán trên của 2 bên, Phạm Công Danh còn tự ý rút gần 5.200 tỷ đồng từ tài khoản của bà Bích tại VNCB (do VNCB giải ngân các khoản bà Bích vay bằng cách cầm sổ tiết kiệm) mà không có chữ ký của bà này. Ngoài ra, còn có 300 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm đứng tên 3 cá nhân trong nhóm bà Bích nhưng cũng bị Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu mà không hề có hồ sơ chứng từ”.

Hiện nay, nhóm bà Bích đang yêu cầu VNCB trả lại 124 sổ tiết kiệm với số tiền 5.881 tỷ đồng mà nhóm này đã gửi tại VNCB. Vì lý do số tiền của bà Bích vay 5.190 tỷ đồng bằng việc cầm 124 sổ tiết kiệm trên được VNCB chuyển vào tài khoản của bà nhưng đã bị Danh tự ý lấy sử dụng. 3 sổ tiết kiệm khác cũng bị Danh tự ý lấy ra 300 tỷ đồng.

NINH LAN (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/pham-cong-danh-khong-nho-hoc-truong-nao-ai-dao-tao-a155706.html