Xử trí như thế nào với chiếc răng khôn

Răng số 8 còn gọi là răng khôn, thường khiến bạn gặp rắc rối do dễ bị sâu, hay mọc lệch, nhiễm trùng gây đau đớn phải nhổ...

Ảnh minh họa.

Rất nhiều người gặp rắc rối về răng số 8 song không phải ai cũng biết cách xử lý chiếc răng này. Một số không chịu nhổ vì sợ đau, nguy hiểm, sợ ảnh hưởng dây thần kinh. Nhiều người cố chịu đau nhức khi răng sâu, đến khi không chịu nổi mới chịu vào viện. Có người cho rằng nếu răng mọc xiên bị vướng răng khác thì sẽ tự đổi hướng để nhú lên.

Giáo sư Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương cho biết, răng khôn mọc sau cùng ở người trưởng thành trong độ tuổi 18-30. Khoảng cách giữa răng số 7 và cạnh trong cùng của xương hàm sẽ quyết định răng khôn mọc như thế nào. Nếu khu vực này còn chỗ, chiếc răng số 8 sẽ mọc thẳng bình thường và ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi khu vực hàm thiếu chỗ, răng sẽ không mọc hoặc mọc lệch dẫn đến nhiều biến chứng đau đớn.

Nhẹ người bệnh sẽ viêm lợi, viêm quanh chân răng, sâu cổ răng, nặng hơn thì viêm tấy lan tỏa dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí có nguy cơ tử vong. "Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mọc răng khôn cũng phải nhổ mà cần được bác sĩ chỉ định, tránh biến chứng có thể xảy ra”, giáo sư Hải nói.

Răng khôn mọc lệch còn khiến răng bên cạnh bị sâu do thức ăn dắt ở các khu vực này. Lâu này thức ăn tích trữ này bị phân hủy, vi khuẩn có điều kiện sinh sôi. Đó là điều kiện khiến bệnh nha chu phát triển, làm cho mô nâng đỡ răng bị tổn thương.

Do đó lời khuyên của nha sĩ là cần đánh răng kỹ, làm sạch khu vực răng số 8 và nên dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng trong cùng. Khi có dấu hiệu đau răng khôn, cần đi khám để nha sĩ theo dõi, điều trị hoặc cần thiết sẽ quyết định nhổ.

Theo Nam Phương/Vnexpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/suc-khoe/xu-tri-nhu-the-nao-voi-chiec-rang-khon.html