Xử phạt con cái dựa trên nguyên tắc nào?

Mỗi lần con phạm lỗi, anh Nghĩa đều đưa ra hình phạt cho con. Nếu lỗi nhẹ, thằng bé bị cấm không được xem tivi suốt một tuần, nặng hơn là đánh đòn, quỳ gối...

Ảnh minh họa

Hình phạt hiện vẫn còn tồn tại như là một trong những biện pháp giáo dục và được không ít bậc cha mẹ áp dụng. Thế nhưng, liệu bạn đã hiểu rõ về biện pháp này và liệu nó có giúp cho việc dạy con tốt hơn hay ngược lại? Về mặt lý lẽ, trừng phạt như là phương pháp nhằm ngăn chặn, giảm bớt những hành vi mà cha mẹ không mong muốn ở trẻ. Nhưng thực tế, không phải lúc nào biện pháp trên cũng đạt kết quả.

Khi những cách xử phạt đầu tiên không mang lại kết quả, cha mẹ thường dùng đến biện pháp mạnh hơn là đánh đòn. Việc này có thể nhận được phản ứng tiêu cực hay chống đối. Không tôn trọng con cái có thể dẫn đến hậu quả là đến tuổi vị thành niên, trẻ sẽ không tôn trọng, không nghe lời cha mẹ, những người xung quanh và ngay chính cả bản thân. Tất cả những hệ lụy đó đều bắt nguồn từ việc áp dụng hình phạt không đúng, không phù hợp.

Sự trừng phạt có thể ví như con chó dữ đang bị xích, canh chừng không cho trẻ vượt qua giới hạn của những hành vi đúng mực. Việc áp dụng chỉ có tính chất răn đe bằng cách gây sợ hãi. Đôi khi, hình phạt để lại hậu quả nặng nề về cảm xúc cho chính cha mẹ. Trong lúc nóng giận, bạn trừng phạt trẻ theo phản ứng tức thời, sau đó khi cảm thấy hối hận và để chuộc lại lỗi lầm, bạn lại quay sang nuông chiều, lấy lòng con cái. Nên nhớ rằng, đánh đòn trẻ chỉ thể hiện sự bất lực của bạn.

Dù những lời nặng nề mắng nhiếc tuy không gây đau đớn về thể xác, nhưng cũng không phải là cách giáo dục phù hợp. Bởi nó có thể làm thui chột những sáng kiến, hạ thấp lòng tự trọng của trẻ tới mức gây nên sự chống đối. Nếu sợ bị trừng phạt liên tục, trẻ sẽ luôn sống trong sợ hãi. Khi lớn lên, trẻ sẽ không có cuộc sống hồn nhiên như vốn có, luôn có phản xạ phải đối đầu và thù hằn, suốt đời gắn liền với tính cách run rẩy, thiếu trung thực, không có khả năng có một cuộc sống đích thực, đầy đủ ý nghĩa và sẽ khó đi đến thành công.

Có một số đặc điểm theo từng thời kỳ, mà cha mẹ cần dựa vào đó để có cách giáo dục con phù hợp:

• Dưới một tuổi: Trẻ chưa có khả năng hiểu nghĩa của từ “không được”, “không nên”. Vì vậy, trong khi chơi với trẻ, bạn chỉ nên giải thích: có thể thế này, có thể thế kia, mà thôi.

• Từ hai tuổi: Lúc này, trẻ chưa thể hiểu sự liên quan giữa những hành vi của chúng với sự trừng phạt bằng roi vọt. Lớn hơn một chút, trẻ có thể không thay đổi hành vi nhưng đã bắt đầu nghĩ đến cách che giấu việc, không nghe lời để tránh hậu quả xấu.

• Từ ba tuổi: Đây là lứa tuổi khủng hoảng của trẻ. Bạn chỉ nên dùng cách làm gương, động viên, khuyến khích những việc làm có cố gắng và có ít nhiều thành công của trẻ.

• Từ bảy tuổi: Từ thời điểm này, mới có sự thức tỉnh trong lương tâm của trẻ. Đây là lúc bạn cần phải kích thích sự hình thành và phát triển đạo đức, ý chí của trẻ.

Với những thông tin kể trên, thì không thể coi trừng phạt là biện pháp hữu hiệu. Do vậy, cách tốt nhất là cha mẹ nên xiết chặt kỷ luật. Đó là điều giúp cho trẻ có thể phát triển đúng cách, học cách tự kiểm soát bản thân và hiểu hành động như thế nào là có thể chấp nhận được. Việc xác định được hành vi cho bản thân trong khuôn khổ kỷ luật đúng đắn, giúp trẻ có cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và hữu ích. Khi đặt ra kỷ luật, cha mẹ cần phải lưu ý đến những đặc điểm tính cách, lứa tuổi cũng như mức độ phạm vi của trẻ.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/xu-phat-con-cai-dua-tren-nguyen-tac-nao-post180518.html