Xử lý vi phạm trật tự đô thị ở Hà Đông: Có chuyển biến nhưng không triệt để

Sau hơn 2 tháng thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, trên địa bàn Hà Đông đã có những chuyển biến, song khó thực hiện triệt để.

Đã có chuyển biến ban đầu
Theo Thượng Tá Vũ Hồng Quang, Phó Trưởng Công an quận Hà Đông sau hơn 2 tháng thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết các vi phạm về trật tự an toàn giao thông(ATGT), đô thị, công cộng, trên địa bàn Hà Đông đã có những chuyển biến tích cực như: Công tác tuyên truyền đã huy động được tổng lực các cơ quan từ chính quyền từ quận đến phường, các cơ quan chuyên môn của quận; cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực; các tổ chức đoàn thể từ quận đến tổ dân phố đều vào cuộc tích cực tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nắm được chủ trương của TP để thực hiện.

Tuyến đường Nguyễn Văn Lộc, phường Mỗ Lao trước kia căng rất nhiều bạc làm mất mỹ quan đô thị để che mưa, che nắng cho xe, nhưng bây giờ xe được để đúng quy định và người dân chỉ che bạt trực tiếp vào xe.

Các đơn vị chức năng và phường đã tổ chức cho 4.645 hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết chấp hành các quy định về trật tự đô thị (TTĐT), vệ sinh môi trường (VSMT). Trong đó, có 592 hộ vi phạm TTĐT lực lượng cảnh sát trật tự đã làm việc trực tiếp với từng hộ, yêu cầu cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả trả lại vỉa hè nguyên trạng ban đầu, nếu cố tình sẽ có biện pháp xử lý.
Sau hơn 2 tháng thực hiện, trên 54 tuyến đường trọng điểm Hà Đông triển khai kiên quyết lập lại trật tự công cộng (TTCC), giành lại vỉa hè cho người đi bộ, xử lý nghiêm các vi phạm TTĐT, TTCC, đảm bảo ATGT, các lực lượng của quận đã thu giữ gần 1.440 biển quảng cáo, 235 áp phích quảng cáo, bóc gỡ trên 150 băng rôn sai quy định; thu hơn 530 ô bạt, trên 730 bàn ghế; tháo dỡ, đập phá trên 900 cầu dẫn, bậc lên xuống bao gồm cả vật liệu sắt và bê tông; tháo dỡ gần 460 mái che mái vẩy, 698 mái hiên di động; phá dỡ trên 1.880 bục bệ lắp đặt sai quy định; tháo dỡ 47 lều lán; xử phạt gần 120 trường hợp vi phạm hành chính về dừng đỗ xe không đúng nơi quy định, không đội mũ bảo hiểm, kinh doanh lấn chiếm lòng đường vỉa hè, bán hàng rong … nộp ngân sách gần 170 triệu đồng.
Kết quả, phần lớn những hộ dân, người kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn đã đồng tình ủng hộ cơ bản chấp hành quy định về đảm bảo TTĐT, TTCC và ATGT. Nhiều tuyến đường đã phong quang sạch đẹp, vỉa hè thông thoáng.
Khó thực hiện triệt để
Cũng theo ông Quang, mặc dù đã có chuyển biến ban đầu nhưng khó thực hiện triệt để các vi phạm. Đây cũng là ý kiến của đại diện của Tổ bảo đảm TTĐT công cộng của phường Hà Cầu. Theo đó, hầu hết các phường trung tâm của quận Hà Đông đều có các chợ, trung tâm thương mại. Những bà con có giấy phép kinh doanh cơ bản chấp hành quy định vầ TTĐT, TTCC và VSMT, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ thiếu ý thức, hay những người bán hàng rong sau khi lực lượng chức năng rời đi thì lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh. Những địa điểm vi phạm nhiều nhất là: Tuyến đường Lê Hồng Phong, khu vực đường 70 sát bệnh viện K, đường Phúc La-Văn Phú thuộc phường Kiến Hưng, khu vực CT7 Dương Nội, đường Lê Trọng Tấn tại khu vực chợ La Cả, đường quốc lộ 6 đoạn bến xe Yên Nghĩa, đường Ngô Thì Nhậm, cầu Chùa Ngòi, đường Quang Trung…

Người dân kinh doanh chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, còn để bày bừa rác trên vỉa hè. Bó vỉa vuông góc với mặt đường nên mỗi nhà đều có 1 cầu dẫn lên xuống gây mất mỹ quan đô thị trên đường Lê Lợi, Hà Đông.

Chiếc cầu người dân vừa mới làm xong còn mới nguyên để lên xuống, vì bó vỉa vuông góc xe khó lên được hè.

Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên cũng như ý kiến của ông Quang, hiện nay Hà Đông vẫn còn những tuyến đường xây dựng vỉa hè theo kiểu cũ là gạch bó vỉa vuông góc với lòng đường khiến cho người dân không thể lên xuống xe thuận lợi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số tuyến đường bà con vẫn tái sử dụng cầu dẫn lên xuống. Vi phạm nhiều nhất vẫn là tuyến đường Lê Lợi.
Ngoài ra, Hà Đông vẫn còn điểm chợ bà con phải họp lên vỉa hè mà nhiều lần phóng viên đã phản ánh đó là chợ La Cả. Nguyên nhân đó là chợ đã có, nhưng xuống cấp dột và lầy lội. Các cơ quan chức năng và phường Dương Nội đã có văn bản báo lên quận, Hà Đông đã có chủ trương xây chợ cho bà con vào họp, song chưa bố trí được nguồn nên việc tồn tại này khó được giải quyết trong một sớm một chiều.
Ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, theo ông Quang về phía đơn vị chủ công là cơ quan Công an đã bố trị lực lượng căng mình, cùng với tổ TTĐT của phường thực hiện bảo đảm duy trì TTĐT, TTCC từ sáng sớm đến tận 24 giờ đêm. Trong khi đó, mỗi phường chỉ có 3 người làm nhiệm vụ nên khó duy trì thường xuyên. Đặc biệt, sau 23 giờ 30 có quy định cấm bán hàng, nhưng lại không có chế tài xử lý nên nhiều hàng vẫn bán, hoặc 3-4 giờ sáng họ đã mở cửa bán hàng mà không xử lý được. Như vậy, ngoài việc nâng cao ý thực của người dân trong việc chấp hành các quy định và TTĐT, TTCC và VSMT thì việc đảm bảo TTĐT cần phải có đồng bộ các chế tài xử lý và hạ tầng đô thị cũng phải đủ điều kiện để người dân thực hiện. Nếu không đảm bảo các yếu tố cần và đủ thì tình trạng vi phạm TTĐT vẫn sẽ diễn ra.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-dong-kho-thuc-hien-triet-de-vi-pham-duong-va-he-288126.html