Xử lý tình trạng sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 891 km; trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn. Đặc biệt, tình trạng sạt lở có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng và làm mất dần rừng phòng hộ ven biển, tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Sạt lở tại ấp Phú Hữu, xã Phú Thạnh (An Giang).

Sạt lở tại ấp Phú Hữu, xã Phú Thạnh (An Giang).

Mỗi năm bị sạt lở 500 ha đất

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trung bình mỗi năm bị sạt lở 500 ha đất. Tại tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10 trong số 12 huyện, thị xã và thành phố. Từ đầu tháng 4 đến nay, tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã xảy ra bốn vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Trước diễn biến sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng cấp dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, với chiều dài 2.300 m về phía hạ lưu, kinh phí khoảng 72 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đang gặp khó khăn về nơi bố trí và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân. Trong đó, tại huyện Thanh Bình, khi xảy ra sạt lở ở khu vực Bình Thành, tỉnh phải sử dụng quỹ đất sân vận động của xã để chuyển sang làm cụm dân cư, bố trí nơi ở cho người dân.

Tại tỉnh An Giang, trong các năm gần đây liên tục xảy ra sạt lở bờ sông. Cụ thể, trong năm 2015 xảy ra 20 vụ; năm 2016 xảy ra 18 vụ, làm hư hỏng 142 căn nhà và nhiều tài sản khác; ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở là hơn 100 tỷ đồng. An Giang có 51 đoạn sông được cảnh báo nguy cơ sạt lở, với tổng chiều dài 162 km trong tổng số 400 km đường bờ sông của tỉnh (chiếm 40%).

Trong chuyến khảo sát tình hình sạt lở đê, rừng phòng hộ bờ biển phía đông tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ở ven biển phía đông và phía tây. Hiện tại, tỉnh đã khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài hơn 22 km; triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng với chiều dài gần 7 km. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề xuất, Chính phủ nên hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng, chống sạt lở bờ biển tây với tổng mức đầu tư khoảng 657,5 tỷ đồng; bờ biển đông với tổng mức đầu tư khoảng 633,5 tỷ đồng.Trước mắt, tỉnh cần hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để xây dựng các đoạn bờ biển đang sạt lở nhanh.

Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở ở Bạc Liêu tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó tuyến kè Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) đã bị sạt lở hơn 94 m, diện tích sạt lở 940 m2, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao, uy hiếp trực tiếp 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực lân cận. UBND tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị T.Ư hỗ trợ 340 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa các trọng điểm sạt lở.

Giải pháp khắc phục

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết, qua khảo sát thực tế cùng với nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý, đã xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trước hết là sự mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển. Chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn đã làm suy giảm tầng phủ thực vật, mất khả năng điều tiết của rừng, cho nên về mùa mưa, nước lũ tập trung nhanh hơn. Ngược lại, về mùa kiệt, do lượng nước ngầm trữ lại lưu vực giảm cho nên mực nước thường rất thấp. Địa chất khu vực sạt lở có thành phần chủ yếu là sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi. Thêm vào đó, vấn nạn khai thác trái phép, sai phép cát, sỏi lòng sông và vùng ven biển đã tác động trực tiếp vùng ven bờ làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ. Mặt khác, lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy sản, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, cùng với sự phát triển kinh tế vùng ven sông, ven biển không theo quy hoạch và xâm chiếm bãi sông, lòng dẫn, bờ biển để xây dựng công trình, nhà cửa, gia tăng áp lực lên đường bờ, thay đổi chế độ dòng chảy.

Để sớm ổn định đời sống người dân tại các khu vực sạt lở nguy hiểm nói riêng và sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trước mắt, UBND các tỉnh, thành phố vùng bị ảnh hưởng cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, không để người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở nguy hiểm. Đồng thời, huy động các lực lượng tổ chức kiểm tra chặt chẽ tình trạng khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và dung túng cho sai phạm. Về lâu dài cần thực hiện nghiêm công tác quản lý bờ, bãi sông, bờ biển, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi xây dựng, khai thác trái phép ven bờ. Kiểm tra, rà soát những khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sạt lở; chú trọng giải pháp di dân tái định cư bảo đảm tính mạng và tài sản. Đối với những khu vực sạt lở, nhất thiết phải xây dựng công trình bảo vệ bờ.

Thực tế đã chứng minh, rừng ngập mặn là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần tổ chức đánh giá việc trồng rừng ngập mặn, hoàn thiện giải pháp trồng rừng ngập mặn phù hợp điều kiện tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: Tuấn Ngọc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/32988002-xu-ly-tinh-trang-sat-lo-tai-dong-bang-song-cuu-long.html