Xử lý rác thải ở TPHCM 'Chôn lấp' đã lạc hậu, còn đổi mới thì… bế tắc!

Không phải ngẫu nhiên, trong buổi họp báo tại UBND TP HCM ngày 29.9 vừa qua, ông Võ Văn Hoan – chánh văn phòng UBND TP HCM – đã có lời chia sẻ sự thông cảm của giới báo chí, khi nói về công nghệ “chôn lấp” rác tại đơn vị được coi là hàng đầu của TP HCM là Cty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS).

Công nghệ xử lý rác của TP HCM hiện "chôn lấp" là chủ yếu.

“Chôn lấp hợp về sinh” cỡ nào cũng… bốc mùi thôi”.

Cách đây khoảng 15 năm, việc xử lý chất thải là vấn đề bức xúc của TP HCM. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, lãnh đạo TP đã chủ trương kêu gọi xã hội hóa, mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này; tuy nhiên, rất ít nhà đầu tư tham gia. Lúc đó, hiếm hoi có VWS là mạnh dạn đầu tư. Tháng 11.2007, khu xử lý rác Đa Phước của VWS đi vào hoạt động đáp ứng cơ bản nhu cầu cấp bách về xử lý rác đang ứ đọng ở TP HCM, mặc dù chỉ với công nghệ xử lý rác truyền thống là “chôn lấp hợp vệ sinh”.

Quy trình tiếp nhận, vận hành kỹ thuật chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được VWS thực hiện một cách đơn giản như: Phun xịt chế phẩm khử mùi song song với quá trình san ủi, đầm nén rác; phun xịt poshishell (hỗn hợp gồm xi măng, vôi bột, phụ gia); phủ bạt nhựa đen để tạm thời ngăn chặn mùi hôi phát tán; đến chiều cao tạm thời, VWS dùng tấm nhựa HDPE để phủ kín.

Về quy trình xử lý nước thải, VWS cho nước thải tập trung tại các hồ chứa (300.000 m3) gồm hồ chứa nước rỉ rác, hồ chứa nước mưa trên bề mặt các ô chứa chất thải. Sau đó, các loại nước thải được đưa về trạm xử lý nước thải hiện hữu của khu liên hợp để xử lý bằng công nghệ lọc màng MBR, RO, với công suất xử lý từ 2.000 – 3.000 m3/ngày. Hệ thống thu khí được thiết kế xung quanh các ô chôn lấp và được thu về, đốt bỏ nhằm đảm bảo an toàn môi trường và phòng tránh cháy nổ.

Thế nhưng, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, công nghệ xử lý “chôn lấp” (chiếm hơn 70% số lượng rác) trên đã bộc lộ những hạn lạc hậu, hạn chế như: bốc mùi hôi, nước rỉ rác nhiều.v.v… Hiện tượng mùi hôi từ rác do VWS xử lý lan khắp khu Nam Sài Gòn trong nhiều tháng qua là minh chức rõ nhất, cho thấy sự lạc hậu của công nghệ “chôn lấp”.

Sau 10 năm, công nghệ "chôn lấp" đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải thay đổi.

Theo ông Nguyễn Minh Hòa – trưởng bộ môn đô thị học, thuộc Trường ĐH KH-XHNV TP HCM: “Một TP hiện đang đối diện với những vấn đề lớn của một đô thị đặc biệt có tốc độ gia tăng dân số rất nhanh, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhận thức, ý thức và hành động bảo vệ môi trường chung của đại bộ phận người dân còn hạn chế, thì công nghệ “chôn lấp” rác chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững. Bởi một ngày nào đó, rác nhiều đến quá tải, không còn đất đâu mà “chôn lấp” nữa, thì còn gì để gọi là “hợp vệ sinh”. TP HCM phải sớm cải tiến, thay đổi công nghệ xử lý rác sang một tầm tiên tiến, hơn là chỉ chở rác đi… chôn lấp là chính yếu”.

Công nghệ mới, vẫn … bế tắc.

Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan phát biểu: “ Với việc chôn lấp, thì dù có hiệu quả tới đâu vẫn không thể triệt tiêu được mùi hôi. Song, chính quyền TP sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhất việc bảo vệ môi trường cho người dân TP”.

Ông Hoan cho biết: “TP HCM kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải áp dụng công nghệ mới, hiện đại, ít phát thải, chi phí hợp lý; chứ không phải chỉ ứng dụng công nghệ “chôn lấp” như hiện nay. TP sắp tới sẽ triển khai nhân rộng công tác phân loại rác tại nguồn ở các quận, huyện, nhằm tăng thêm chất thải có khả năng tái chế, hạn chế rác chôn lấp tới mức thấp nhất”.

Tuy nhiên, đó mới là kêu gọi đầu tư; trên thực tế, vẫn chưa nhà đầu tư nào đổ vốn đầu tư xử lý rác bằng công nghệ mới, ngoài một số doanh nghiệp như Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa có tái chế, đốt, làm phân bón một số khối lượng rác, nhưng không đáng kể. Trước sự bế tắc, chưa cách gì xử lý phấn lớn khối lượng rác sinh hoạt ngoài cách xử lý “chôn lấp”, TP HCM đã chỉ đạo các cấp, ngành phải khẩn trương bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi hoàn tất 322 ha nhằm trồng cây xanh cách ly khu xử lý rác Đa Phước với khu dân cư, để hạn chế ô nhiễm môi trường… Đốc thúc VWS đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu quy hoạch xử lý chất thải liên vùng TP HCM – Long An, từng bước giảm tải cho khu xử lý rác Đa Phước.

Hầu hết rác sinh hoạt trên địa bàn TP HCM được chở về cho VWS chôn lấp tại bãi rác Đa Phước.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP phải thực hiện mục tiêu: “100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn y tế được lưu giữ, thu gom, vận chuyển xử lý, tái chế và tái sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt. 100% số bãi chôn lấp chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh”. Để đạt được những con số trên, xem ra, với TP HCM vẫn còn quá nhiều khó khăn và thách thức.

Clip: UBND TP HCM họp báo về xử lý ô nhiễm môi trường khu Nam Sài Gòn, có nguyên nhân mùi hôi phát ra từ bãi rác Đa Phước:

CAO NGUYỄN HOÀNG HƯNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/xu-ly-rac-thai-o-tphcm-chon-lap-da-lac-hau-con-doi-moi-thi-be-tac-597327.bld