Xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh

QĐND - Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần) vừa hoàn thành nhiệm vụ khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Hoàn thiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở Học viện Hậu cần”. Nhiệm vụ do Đại tá, Thạc sĩ Đồng Phương Hồng làm chủ nhiệm.

QĐND - Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự (Học viện Hậu cần) vừa hoàn thành nhiệm vụ khoa học cấp Bộ Quốc phòng: “Hoàn thiện mô hình xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở Học viện Hậu cần”. Nhiệm vụ do Đại tá, Thạc sĩ Đồng Phương Hồng làm chủ nhiệm.

Trên cơ sở nghiên cứu thành công công nghệ nhân nuôi, lưu giữ các chủng giống vi sinh vật để sản xuất chế phẩm xử lý rác thải hữu cơ; nghiên cứu hoàn thiện quy trình xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đã có (máy nghiền, băng tải, máy sàng, máy trộn…), các tác giả đã xây dựng thành công Trạm Xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại Học viện Hậu cần.

Chủ nhiệm đề tài kiểm tra quy trình xử lý rác.

Trạm xử lý rác thải có khả năng tiếp nhận và xử lý từ 2 đến 3m3 rác thải/ngày, sản xuất từ 20 đến 30 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ mùn rác mỗi tháng. Theo quy trình này, rác thải hữu cơ sau khi phân loại sẽ được đưa vào hố (bể ủ) và được tưới chế phẩm vi sinh. Rác trong hố ủ được điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm phù hợp và đảo trộn vào ngày thứ 25 bằng cách đưa rác từ hố đang ủ sang hố bên cạnh. Sau thời gian ủ 45 ngày, rác được dỡ ra đem phơi hoặc ủ chín rồi đưa vào xưởng sản xuất phân bón. Tại đây, rác được nghiền nhỏ, đi qua băng tải và sàng rung để thu mùn rác. Mùn rác tiếp tục được đưa vào máy trộn, bổ sung phụ gia và chế phẩm vi sinh để sản xuất phân bón. Các tác giả đã nghiên cứu sản xuất thành công 4 loại phân hữu cơ vi sinh có ký hiệu từ HV1 đến HV4 dùng cho các loại cây lấy lá, lấy củ, lấy quả, cây cảnh.

Quy trình xử lý rác thải nêu trên có thể ứng dụng hiệu quả tại các đơn vị đóng quân tập trung có quân số từ 1000 đến 2000 người. Với các đơn vị có quân số nhiều hơn, khi áp dụng chỉ cần xây dựng thêm hố ủ rác. Kinh phí để xây dựng trạm xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh khoảng 500-600 triệu đồng. Mỗi năm thu lãi từ sản xuất phân bón khoảng 120-150 triệu đồng. Ở các đơn vị quân đội hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải hữu cơ tại các bếp ăn tập trung còn khó khăn, chủ yếu xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc thuê vận chuyển đến bãi rác tập trung. Tuy nhiên các phương pháp này có nhược điểm là xử lý không triệt để, chi phí cao… Việc ứng dụng công nghệ xử lý rác thải nêu trên sẽ khắc phục triệt để hạn chế này, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón “sạch” cho tăng gia sản xuất, tăng thu nhập cho đơn vị… Mô hình đã được Tổng cục Hậu cần khảo sát, đánh giá và kết luận có thể triển khai áp dụng tại các đơn vị trong quân đội.

Bài và ảnh: Trung Phương

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/24/24/193356/Default.aspx