Xử lý nước thải tại làng nghề Việt Nam - Bài 1: Trả lại màu xanh cho làng nghề

Thời gian gần đây, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm gia tăng ô nhiễm, đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trong phát triển làng nghề theo hướng bền vững.

Nước thải tại các làng nghề: SOS

Vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân ở vùng lân cận. Theo Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả khảo sát tại 52 làng nghề thì có 46% làng nghề bị ô nhiễm môi trường nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ.

Nước thải của làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được xả thẳng ra các ao, hồ, kênh mương khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Hiện nay, hầu hết các làng nghề ở Việt Nam đều bị ô nhiễm môi trường (trừ các làng nghề không sản xuất hoặc dùng các nguyên liệu không gây ô nhiễm như thêu, may...). Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn khiến người lao động phải tiếp xúc với các nguy cơ gây hại cho sức khỏe, trong đó 95% từ bụi, 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất.

Ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề nông thôn Việt Nam là do các hợp chất vô cơ độc hại như acid, bazo, muối, kim loại nặng… thường thấy ở các làng nghề cơ khí, mạ, đúc, tẩy nhuộm. Đây là những nguồn ô nhiễm cực kỳ nguy hiểm, nhất là tính chất của nước thải dệt nhuộm được xếp vào loại nước thải nguy hiểm nhất trong các loại nước thải, không những gây tác động đến nguồn nước mặt mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, gây nhiều bệnh hiểm nghèo cho người dân vùng lân cận.

Bên cạnh đó, các chất màu, xơ sợi... thường thấy ở các làng nghề dệt, tẩy nhuộm, sơn mài, ươm tơ... đã làm cho nước chuyển màu, tăng hàm lượng chất hữu cơ trong nước, gây mùi khó chịu, giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài động thực vật thủy sinh, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

Cụ thể, tại các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp như làng nghề tái chế sắt thép Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, giấy Phú Lâm... góp một lượng lớn nước thải không qua xử lý xả thẳng vào hệ thống thủy nông. Sông Ngũ Huyện Khê khi chảy qua các làng nghề này đã tiếp nhận nước thải có chứa rất nhiều hóa chất như axit, xút, thuốc tẩy, phèn, phẩm màu… từ các làng nghề nên bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành kênh dẫn nước thải của hệ thống các làng nghề.

Làng nghề sản xuất bún, bánh và dịch vụ xóm Chùa (xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) có 70 hộ làm nghề, trong đó có 24 hộ làm bún, bánh. Số hộ tham gia sản xuất không nhiều nhưng do quy trình sản xuất còn lạc hậu, nước thải với hàm lượng tinh bột lớn không được xử lý triệt để khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một số ít hộ tự xử lý bằng cách xây hầm biogas, xây bể lắng còn đa phần thải trực tiếp ra kênh mương nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ô nhiễm do nước thải, chất thải từ làm nghề thải ra.

Tại tỉnh Hải Dương, làng nghề nấu rượu Phú Lộc, toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh thủy nông chảy ngang qua thôn mà không qua bất cứ công đoạn xử lý nào.

Còn ở làng nghề làm bánh đa Tống Buồng, từ nhiều năm nay, toàn bộ nước thải sau khi sản xuất bánh đa không qua xử lý được thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của làng. Qua phân tích môi trường nước mặt của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh Hải Dương cho thấy hàm lượng COD vượt từ 12-15 lần, TSS vượt từ 2-3 lần, coliform vượt từ 11-19 lần, amoni vượt từ 12-16 lần, photphat vượt từ 26-31 lần tiêu chuẩn cho phép.

Cần sự phối hợp chặt chẽ

Theo Tiến sỹ Đào Trọng Tứ, chuyên gia chính sách và thể chế về Tài nguyên nước, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên Nước và thích nghi biến đổi khí hậu, trước mắt cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước như: chú trọng công tác truyền thông về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao năng lực công tác truyền thông môi trường trong các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là cán bộ cấp huyện và cấp xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong các hoạt động truyền thông.

Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, đảng viên ở các địa phương có làng nghề, đặc biệt là nhân dân tại các làng nghề về môi trường nước và xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đa dạng hóa công tác truyền thông về môi trường nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất, sinh hoạt của người dân tại các làng nghề, các hộ sản xuất, kinh doanh như phát động các phong trào xây dựng môi trường văn hóa, làng xóm xanh - sạch - đẹp, trồng cây, bảo vệ rừng, xây dựng, bồi dưỡng điển hình các thôn bản, doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế về xử lý nước thải.

Về xây dựng cơ chế chính sách, cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề; có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi vốn đầu tư của địa phương vào hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, chú trọng xây dựng những quy định, tiêu chuẩn cụ thể về môi trường cho các nhóm làng nghề.

Trong đó, thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung điều chỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động môi trường đối với các địa phương có làng nghề, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; tạo ra hành lang pháp lý cần thiết bảo đảm cho các địa phương đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xử lý nước thải tại các làng nghề. Tăng cường công tác truyền thông, cung cấp cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động môi trường và xử lý nguồn nước thải phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng làng nghề sản xuất các mặt hàng.

Về nâng cao năng lực quản lý, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, đồng thời tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách quản lý môi trường cấp huyện và xã. Tăng cường các hoạt động phối hợp thanh, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề.

Theo đó, cần chú trọng phát triển năng lực quản lý và các điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động quản lý môi trường, xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề từ Trung ương đến các địa phương; hình thành và hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường đồng bộ, thống nhất với các cơ quan, của các bộ, ngành và Chính phủ, đủ năng lực triển khai các hoạt động môi trường độc lập.

Ngoài ra, tăng cường nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hoạt động xử lý nước thải tại các làng nghề như đảm bảo các nguồn lực về tài chính cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải ở khu vực nông thôn nhất là các làng nghề theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Có cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các dự án xử lý nước thải, thúc đẩy xã hội hóa công tác xử lý nước thải tại các làng nghề. Phát hiện các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động xử lý nước thải làng nghề, kịp thời khen thưởng, động viên, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; duy trì và phát triển Giải thưởng môi trường hàng năm; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn xét khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Cần nắm vững quan điểm chủ động, tích cực, phòng ngừa trong quản lý và xử lý nguồn nước thải. Chủ động, tích cực trong đấu tranh bảo vệ môi trường được thể hiện, trước hết là luôn đề cao ý thức cảnh giác, thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, tổ chức thu thập, phân tích và dự báo chính xác những diễn biến có liên quan tới môi trường. Nắm tình hình đòi hỏi phải toàn diện, chủ động kết hợp nhiều nguồn, nắm cả tình hình trong và ngoài nước, đặc điểm của các nhóm làng nghề, từng làng nghề cụ thể… để chủ động trong phân tích, đánh giá, có chính sách đúng đắn, chính xác, kịp thời trong xử lý tình huống và giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc về môi trường.

Đồng thời, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm giảm thiểu nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường, theo hướng phát triển bền vững; ưu tiên cơ chế và tài chính cho nghiên cứu khoa học, công nghệ về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề (công nghệ xanh, sạch, thân thiện môi trường) ở các trung tâm, cơ sở nghiên cứu, nhà trường, các nhà máy và doanh nghiệp; tích cực ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học môi trường xử lý nguồn nước thải vào hoạt động của các địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ như chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý nguồn nước thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường nước đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế, tăng cường quản lý Nhà nước về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề. Để thực hiện tốt chủ trương này cần chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế, coi trọng việc tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách với các nước về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề và thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức và các diễn đàn quốc tế để bảo vệ các nguồn nước, tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát nguồn nước thải tại các làng nghề. Thúc đẩy hợp tác Á - Âu, châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Đông Á, ASEAN, tiểu vùng sông Mê Công về xử lý nguồn nước thải tại các làng nghề.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/xu-ly-nuoc-thai-tai-lang-nghe-viet-nam-bai-1-tra-lai-mau-xanh-cho-lang-nghe-20170605081247732.htm