Xử lý nợ xấu đã quá quyết liệt!

Trong buổi Họp báo chiều 27/12, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, những vấn đề “nóng” của hệ thống ngân hàng đang được xử lý tốt.

NHNN vừa hạ trần lãi suất huy động từ đầu tuần này xuống còn 8%/năm. Theo phản hồi của DN, lãi suất dưới 10%/năm mới duy trì được sản xuất - kinh doanh. Liệu NHNN có tiếp tục hạ trần lãi suấthuy động?

Ưu tiên của hiện tại vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, nếu kiềm chế và khẳng định lạm phát chỉ ở mức 4-5% thì có thể giảm lãi suất rất nhanh. Nhưng qua phân tích, bên cạnh chiều hướng chung là có thể kiểm soát lạm phát nhưng còn nhiều yếu tố cho thấy nguy cơ bùng nổ lạm phát trở lại không hề nhỏ. Do đó bước đi của NHNN phải rất thận trọng.

Nhìn lại năm 2012, đầu năm, Chính phủ dự kiến mỗi quý giảm lạm phát 1%, điều đó cơ bản đã được thực hiện và có những lúc bước đi của NHNN rất nhanh. Tuy nhiên, từ tháng 9/2012, Chính phủ phải cân nhắc việc hạ lãi suất bởi đây là thời điểm nhạy cảm . Nếu không cẩn trọng, nguy cơ bùng nổ trở lại lạm phát hoàn toàn có thể xảy ra.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Việc có hạ lãi suất nữa hay không còn phụ thuộc nhiều vào khả năng lạm phát có được kiềm chế hay không. NHNN sẽ cùng với các cơ quan của Chính phủ thường xuyên đánh giá tình hình xem xét mức độ diễn biến lạm phát, để từ đó, nhanh chóng điều chỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và giữ lạm phát ở mức khả thi.

Có ý kiến cho rằng, nên áp trần cho vay tất cả mọi lĩnh vực. Quan điểm củaThống đốc ra sao?

Đây là câu chuyện chúng ta đã bàn nhiều. Nếu giả sử năm ngoái áp trần cho vay chung thì sẽ không có kết quả tăng trưởng kinh tế 5% trong năm qua. Tại sao tín dụng vào lĩnh vực BĐS thời gian qua lại nhiều như vậy? Trong nhiều năm, lĩnh vực này tạo ra lợi nhuận khổng lồ nên DN BĐS sẵn sàng vay lãi suất cao nhất. Nếu áp dụng một trần lãi suất chung thì hệ thống ngân hàng không định hướng đúng mà sẽ tập trung vào một vài lĩnh vực nào đó. Do vậy, chúng tôi đã, đang và sẽ không đặt ra trần cho vay chung. Nhưng trong năm tới, NHNN sẽ hỗ trợ nguồn vốn cho TCTD với lãi suất hợp lý hơn để đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao…

Việc xử lý ngân hàng yếu kém chậm được nhìn nhận đã làm ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu cũng như việc hạ lãi suất?

Nói xử lý nợ xấu chậm vừa đúng vừa không đúng. Đúng ở chỗ xử lý nợ xấu cần phải xử lý nhanh, nhưng không đúng là ở chỗ chúng ta phải xử lý trong bối cảnh của Việt Nam. Ví dụ như Chính phủ Mỹ đưa ra tiền mua đứt tất cả các khoản nợ từ các TCTD mà không cần biết đó là nợ xấu hay tốt. Nhưng chỉ có Mỹ mới làm nhanh được như vậy, bởi họ có nguồn lực để làm. Còn Việt Nam lấy tiền ở đâu ra?

Trong cảnh “cái khó bó cái khôn”, việc xử lý nợ xấu của Việt Nam như thời gian vừa qua không chậm, mà là quá quyết liệt.

Đến tháng 10, nợ xấu là 252.000 tỷ (tương ứng 8% dư nợ tín dụng). Nếu không được xử ly, nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ còn tăng lên ít nhất thêm 8% so với hiện nay. Các ngân hàng đã hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, không chia cổ tức, thưởng, tăng lương là chuyện bình thường của năm. Đặc biệt, việc sa thải trước đây tính số lượng tuyệt đối bao nhiêu người nhưng nay tính theo tỷ lệ sa thải bao nhiêu %. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu bằng chính nguồn lực của mình.

Cụ thể, năm 2012, hệ thống ngân hàng đã trích lập khoảng 90.000 tỷ đồng, xấp xỉ gần 40% nợ xấu. Từ đầu năm đã xử lý 12.000 -15.000 tỷ đồng và sắp tới sẽ xử lý tiếp. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nợ xấu không chỉ là vấn đề của ngành ngân hàng, mà là vấn đề của cả nền kinh tế. Do vậy, việc xử lý nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ của riêng hệ thống ngân hàng, mà cần cả hệ thống chính trị tham gia. Khi cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để xử lý, tôi khẳng định, NHNN ít nhất sẽ ngăn được tốc độ gia tăng nợ xấu và từng bước ngăn chặn nợ xấu. Chắc chắn, đến năm 2015, hệ thống ngân hàng sẽ đưa được nợ xấu về mức quanh 3%.

NHNN có biện pháp xử lý câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến rủi ro hệ thống trong thời gian qua?

Vấn đề này đã tồn tại từ lâu, nên ngay khi áp dụng quy định mới về sở hữu chéo giữa các TCTD (năm 2011) đã gặp nhiều khó khăn. Do đó, mỗi TCTD có quy định, thời hạn, lộ trình để họ chuyển nhượng nguồn vốn sở hữu chéo trước đây để ổn định lại trật tự, đảm bảo xử lý được vấn đề nhưng không gây bất ổn.

NHNN sẽ làm gì để kiểm soát giá vàng, kéo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới?

Tôi không đặt vấn đề giá vàng trong nước với giá vàng thế giới phải sát nhau mà đặt vấn đề bình ổn thị trường dưới góc độ kinh tế vĩ mô. Nếu đặt lại vấn đề phải sát với thế giới thì chúng ta đã phá bỏ Nghị định 24 và những thành công mà Nghị định này mang lại sẽ bị xóa sạch.

Báo cáo của các cơ quan chức năng hiện nay cho thấy, không có cơn sốt vàng nào. Nếu có trong thời gian gần đây cũng là do các TCTD mua vàng để tất toán trạng thái còn về vĩ mô không có ảnh hưởng gì. Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới ngày hôm nay (27/12) là 5 triệu đồng. Nhưng tỷ giá vẫn ổn định, CPI không tăng. Diễn bin này rất khác so với trước đây, khi mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới 400.000/lượng, nhưng tỷ giá đã chao đảo.

Sang năm tới, thị trường vàng sẽ chuyển toàn bộ quan hệ sang mua - bán. Khi các ngân hàng đóng xong trạng thái huy động vàng, NHNN sẽ “ra tay” để tăng thêm nguồn dự trữ cho quốc gia. Ví du, nếu chênh lệch 5 triệu đồng/lượng, tỷ giá ổn định, NHNN sẵn sàng xuất vàng ra bán, kinh doanh, tăng cơ hội lợi ích cho đất nước. Thị trường vàng trước do các đầu nậu làm giá, nhưng sắp tới, gia vàng sẽ do NHNN điều khiển và kiến tạo theo ý đồ quốc gia.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIIGFB/xu-ly-no-xau-da-qua-quyet-liet.html