Xử lý nhẹ thì còn trả giá vì tai nạn lao động

Hàng loạt vụ tai nạn lao động chết người xảy ra tại các công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng đang bị xem nhẹ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý các trường hợp vi phạm còn nương nhẹ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vi phạm gia tăng.

Ngổn ngang vật liệu trong công trình xây dựng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Thanh Hà

Sử dụng lao động thời vụ, ngắn hạn

Cho đến thời điểm này nhiều người dân chưa hết bàng hoàng về vụ sập giàn giáo nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 13/10 vừa qua tại công trường số 1, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã khiến 2 người thiệt mạng - 4 người khác bị thương. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Vịnh, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, đây là dự án tổ hợp thương mại văn phòng và nhà ở cao 27 tầng, 1 tầng hầm. Chủ đầu tư là Cty Cổ phần Sông Đà 1.01 liên danh Cty Cổ phần Hóa chất. Nhà thầu thi công để xảy ra tai nạn là Xí nghiệp Xây dựng số 2 thuộc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị - UDIC.

Theo ông Vịnh, trước đó vài ngày, thanh tra xây dựng quận đã kiểm tra hoạt động xây dựng ở công trình  này. “Tại thời điểm kiểm tra, nhà thầu thi công có đầy đủ giấy phép, điều kiện an toàn lao động đảm bảo. Còn việc xảy ra tai nạn vào giữa đêm thì chỉ có đơn vị giám sát thi công mà họ thuê mới biết được chứ thanh tra không thể biết”, ông Vịnh nói. Được biết, các công nhân tử vong và bị thương trong vụ tai nạn là lao động hợp đồng ngắn hạn. “Sau khi xảy ra tai nạn chúng tôi đã tiến hành thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người bị nạn. Hiện cơ quan chức năng đã ra thông báo tạm thời đóng cửa công trường khi có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân xảy ra tai nạn và có sự chấp thuận của chính quyền mới được phép tiếp tục thi công”, một vị cán bộ của nhà thầu thi công cho hay.

Quận Hoàng Mai thời gian qua liên tục xảy ra tai nạn lao động tại công trường xây dựng cao tầng. Tháng 12 năm 2015, tại công trình dự án chung cư cao tầng ở phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khi cần cẩu vận hành thang máy bất ngờ rơi tự do từ khoảng tầng 20 xuống đất, làm 2 người chết, 1 người bị thương. Còn trước đấy, tại công trường khu chung cư Nam Đô ở số 609 Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng đã xảy ra vụ tai nạn làm 2 người chết.

Phó thác cho cai thầu tuyển lao động

Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ, TB&XH), ngay khi nhận được thông tin về vụ tai nạn lao động làm chết 2 người, 4 người bị thương ở công trường xây dựng phố Giáp Nhị (Hoàng Mai), Sở đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ xuống ngay hiện trường để phối hợp với các cơ quan điều tra vụ việc. Ông Việt cho rằng, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng nên sẽ điều tra theo trình tự về thực hiện các quy định trong an toàn lao động. Theo quy định, những vụ tai nạn lao động không phức tạp thì sau 30 ngày sẽ có kết luận, nhưng nếu trưng cầu giám định cần thời gian dài hơn. Về phía Sở LĐ, TB&XH căn cứ vào các quy trình quy phạm cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công sẽ có kết luận chính thức những người phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn lao động này.

Theo ông Việt, trên địa bàn thành phố có rất nhiều công trình xây dựng thi công, nhiều khu vực như “đại” công trường xây dựng, trong khi lĩnh vực này có rất nhiều nguy cơ mất an toàn cao. Hằng năm qua kiểm tra cho thấy, một số đơn vị thi công không chấp hành thực hiện an toàn lao động và việc thuê tư vấn giám sát thi công. Nhiều nhà thầu thi công không đảm bảo các biện pháp thi công, đặc biệt sử dụng các lao động thời vụ, hợp đồng ngắn hạn chưa qua đào tạo, thiếu các kỹ năng trong thi công.

Các chuyên gia về an toàn lao động nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn lao động trong các công trình xây dựng cao tầng ngày càng tăng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng cho mượn pháp nhân, sử dụng lao động thời vụ chưa qua đào tạo và khoán trắng an toàn ở công trường cho cai thầu. “Chính các cai thầu này lại về tuyển công nhân ở quê hoặc lao động tự do vào làm, hầu hết là những người không có kiến thức và ý thức về an toàn lao động. Trong khi đó, việc xử lý các vi phạm nương nhẹ, qua quýt. Chẳng hạn, tai nạn lao động dẫn đến chết người khi xác định rõ nguyên nhân phải tiến hành khởi tố, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm nhưng hầu hết chỉ dừng lại việc xử phạt hành chính, bồi thường cho người bị và cho công trình thi công tiếp. Vì vậy còn xử lý nhẹ tay, còn qua quýt thì còn phải trả giá”, vị chuyên gia phân tích.

Tú Anh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/xu-ly-nhe-thi-con-tra-gia-vi-tai-nan-lao-dong-1062369.tpo