Xử lý hành vi sử dụng hình ảnh trái phép của người khác thế nào?

Tôi bị bà A lấy hình ảnh tôi và chồng tôi chụp đăng lên Facebook có lời lẽ xúc phạm. Tôi xin hỏi việc sử dụng hình ảnh trái phép thì bị xử lý thế nào.

Trần Thiên Hương (Hà Nội): Gia đình nhà tôi và nhà bà A ngày sát vách, do có nhiều mâu thuẫn trong sinh hoạt nên vừa qua, bà A đã lên Facebook tự ý dùng hình ảnh 2 vợ chồng tôi đăng cùng với những lời lẽ xúc phạm và bôi nhọ danh dự. Tôi xin hỏi hành vi này có được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác? Nếu là sử dụng hình ảnh trái phép của người khắc vào việc xúc phạm, bôi nhọ danh dự thì bị xử lý thế nào?

 Xử lý hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác thế nào? Ảnh minh họa

Xử lý hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của người khác thế nào? Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Hành vi như thế nào được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác?

Quyền hình ảnh của cá nhân được quy định tại điều 31 Bộ luật dân sự 2005, theo đó:“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.”.

Như vậy, theo quy định của bộ luật dân sự năm 2005 thì hành vi được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác là hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó (trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Trường hợp của bà Hương thì hình ảnh vợ chồng chị Hương bị bà A đưa lên mạng xã hội facebook mà không có sự đồng ý của vợ chồng bà Hương tức là đã vi phạm quyền hình ảnh của những người trong gia đình bà Hương. Đấy là chưa kể việc đưa hình ảnh đó kèm theo những lời nói không tốt đẹp về vợ chồng bà Hương.

Sử dụng hình ảnh trái phép của người khác vào việc xúc phạm, bôi nhọ danh dự thì bị xử lý thế nào?

Theo Điều 611 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Tại Mục 3 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định như sau:

“Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm.

3.1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

3.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút:...Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:...Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tồn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.”

Ngoài ra, trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần...

Luật sư Trịnh Anh Dũng

Văn phòng Luật sư Trịnh

Lan Ninh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/xu-ly-hanh-vi-su-dung-hinh-anh-trai-phep-cua-nguoi-khac-the-nao-d107155.html