Xử lý hành chính nếu phát hiện có vi phạm

Là một trong những nội dung được quy định tại 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký Quyết định số 4988/QĐ-BYT ban hành.

Trường hợp phát hiện việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra thì người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó. Văn bản kiến nghị về việc tạm đình chỉ thi hành quyết định được thực hiện theo Mẫu số 27/TTr -ATTP ban hành kèm theo quyết định này.

Trường hợp cần đình chỉ công tác và xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức cố ý cản trở việc thanh tra hoặc không thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định thanh tra thì người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Văn bản kiến nghị tạm đình chỉ công tác đối với với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Mẫu số 28/TTr-ATTP ban hành kèm theo quyết định này.

Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm đến mức phải xử lý ngay thì trưởng đoàn, thành viên phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định để làm cơ sở cho việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính được thực hiện theo Mẫu số 28a/TTr-ATTP, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo Mẫu số 28b/TTr-ATTP ban hành kèm theo quyết định này.

Việc xử lý sai phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Đối với một số sai phạm thường gặp, việc xử lý được áp dụng như sau: Trường hợp vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có kết quả kiểm nghiệm mẫu không phù hợp với chỉ tiêu công bố trong bản thông tin chi tiết của sản phẩm hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm kèm theo hồ sơ công bố được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP thì xử lý theo quy định của pháp luật về thu hồi và xử lý sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.

Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm phải xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, áp dụng văn bản xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm ATTP, về kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP.

Vi phạm quy định về công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP đối với sản phẩm thực phẩm; vi phạm về kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu; hàng hóa có kết quả kiểm nghiệm mẫu không phù hợp với chỉ tiêu công bố trong bản thông tin chi tiết của sản phẩm hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm hoặc không phù hợp với chỉ tiêu công bố áp dụng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định ATTP xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa hoặc Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.

Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 80/2013/NĐ-CP; vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; vi phạm quy định trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán thực phẩm là hàng giả, hàng cấm xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn để xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của trưởng đoàn, từng thành viên đoàn, tổ trưởng (nếu có) báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với trưởng đoàn. Trường hợp phát hiện những vấn đề cần phải xử lý ngay thì kịp thời báo cáo trưởng đoàn xem xét, quyết định.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trực tiếp về các báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của thành viên; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Trưởng đoàn báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với người ra quyết định thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.

Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của trưởng đoàn còn được gửi cho người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của đoàn. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, có ý kiến chỉ đạo cụ thể, trực tiếp về báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời kiến nghị của trưởng đoàn.

B.B.Đ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/xu-ly-hanh-chinh-neu-phat-hien-co-vi-pham_t114c1160n111422