Xử lý dứt điểm vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác

Việc phát triển thuê bao trả trước tràn lan đã làm phát sinh tình trạng SIM rác và dẫn tới việc lãng phí tài nguyên kho số quốc gia.

Việc phát triển thuê bao trả trước tràn lan đã làm phát sinh tình trạng SIM rác và dẫn tới việc lãng phí tài nguyên kho số quốc gia. Đặc biệt, SIM rác và hệ lụy của nó là tin nhắn rác đang là vấn nạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin quốc gia, được xã hội rất quan tâm.

Không xử lý theo kiểu nửa vời, thời vụ

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn và một số đơn vị chức năng của Bộ đã kiểm tra đột xuất 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel về thực hiện cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, phải xử lý dứt điểm, đẩy lùi và chặn đứng vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác. Vấn nạn này để lại rất nhiều hệ lụy, không chỉ là lãng phí tài nguyên số, không chỉ là ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà nó còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. “Chúng ta không làm nửa vời, không phải làm theo thời vụ, đó là khi có đoàn thanh tra, kiểm tra thì mới làm. Từ nay sẽ làm quyết liệt, làm thường xuyên. Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các DN thường xuyên thực hiện việc kiểm tra chéo. Tôi có thể đi kiểm tra bất cứ thời điểm nào chứ không phải làm xong đợt này rồi dừng lại. Khi kiểm tra và phát hiện sai phạm sẽ xử lý người đứng đầu, nhất là những DN trong ngành” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Cần xử lý dứt điểm, đẩy lùi và chặn đứng vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, tổng kết sơ bộ của đợt kiểm tra thị trường về hoạt động khóa dịch vụ các thuê bao kích hoạt sẵn, tổng số thuê bao kết xuất tồn trên kênh trong diện phải khóa là 12,7 triệu thuê bao trả trước, bao gồm ở cả 5 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile và Gmobile. Tính đến thời điểm chiều ngày 23/11 các nhà mạng đã khóa 10,69 triệu thuê bao. Các trường hợp khách hàng khiếu nại đến tổng đài của nhà mạng vì bị khóa thuê bao sẽ được yêu cầu đăng ký lại thông tin thuê bao chính xác. Khi có thông tin thuê bao hợp lệ, nhà mạng sẽ mở lại liên lạc cho thuê bao.

59 tỉnh, thành phố sẽ có mã vùng điện thoại cố định mới

Liên quan đến việc đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm hiệu quả, theo kế hoạch mới được Bộ TT&TT ban hành, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định hiện tại của 59/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc (trừ mã vùng của 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên) sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn bắt đầu từ 0h ngày 11/2/2017 và hoàn tất vào 31/8/2017. Theo Bộ TT&TT, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định ảnh hưởng rất nhỏ và gần như không đáng kể đến người dùng điện thoại cố định, bởi đây chỉ là chuyển đổi mã vùng chứ không phải là chuyển đổi số thuê bao, tức sẽ không ảnh hưởng đến số thuê bao mà vẫn giữ nguyên như cũ. Do đó, khi thực hiện các cuộc gọi nội hạt (từ cố định tới cố định trong cùng tỉnh, thành) sẽ không có gì thay đổi. Cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế vào số cố định (các cuộc gọi có sử dụng mã vùng) sẽ chịu sự tác động của kế hoạch này. Với các cuộc gọi này, phải thay mã vùng cũ bằng mã vùng mới (Ví dụ mã vùng cũ là 04, mã mới là 024 thì cần quay số 024 rồi đến số cần gọi). Theo báo cáo của các DN viễn thông, tổng lưu lượng của các cuộc gọi liên tỉnh, từ di động và từ quốc tế và số cố định Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Do đó, tác động thực sự tới các cuộc gọi không nhiều.

Hải Phong

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/xu-ly-dut-diem-van-nan-sim-rac-tin-nhan-rac-n125227.html