Xử lý 'cục máu đông' nợ xấu, lãi suất cho vay có giảm?

Nợ xấu được bán theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Nhiều “phép màu” để xử lý nợ xấu

Với những điểm mới tích cực trong Nghị Quyết xử lý nợ xấu như hàng loạt cơ chế hợp với mong đợi của các ngân hàng được Nghị quyết đưa ra, như trao cho tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu …

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.

Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này cũng quy định rằng tổ chức mua bán nợ xấu được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ; cho phép phân bổ lãi dự thu trong vòng 10 năm…

Đặc biệt, Nghị quyết quy định: cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, mà không yêu cầu văn bản xác nhận bên bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ thuế liên quan đến chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Quy định này đã gỡ được vướng mắc lớn nhất lâu nay trong xử lý tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Cũng khác với dự thảo và đề xuất theo đó VAMC có quyền lựa chọn tổ chức định giá độc lập, nghị quyết quy định tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu (kể cả VAMC) phải thống nhất với tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn tổ chức định giá độc lập. Điều này sẽ tránh được rủi ro là VAMC vì muốn được việc cho mình nên lựa chọn một tổ chức định giá độc lập nào đó mà có thể gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.

Với những điểm tích cực của Nghị quyết xử lý nợ xấu như trên thì hy vọng những khoản nợ xấu sẽ được xử lý trong thời gian tới. Và nếu Nghị quyết được triển khai rốt ráo, nguồn vốn khổng lồ này có cơ hội được giải phóng, giúp ngân hàng giảm giá vốn, giảm gánh nặng trích lập dự phòng, tăng tín dụng, tăng lợi nhuận, củng cố sức khỏe tài chính…

Với những điểm trên thì các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng có nợ xấu lớn, có lãi dự thu cao hoặc có tài sản đảm bảo với giá trị lớn sẽ là những tổ chức đươc hưởng lợi nhất.

Với thời gian thực hiện là 5 năm kể từ ngày 15.8.2017, Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, vừa được Quốc hội bấm nút thông qua được nhìn nhận sẽ là gói giải pháp chính sách mở đường trong việc làm tan dần “cục máu đông” nợ xấu, qua đó cải thiện “sức khỏe” và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất sẽ giảm?

Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết lần này có thể giúp giảm lãi suất cho vay và giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Theo tính toán của một số chuyên gia, lãi suất có thể giảm ít nhất 1% nếu nợ xấu được xử lý. Các tài sản nợ xấu sẽ có tính thanh khoản cao hơn. Thậm chí, không loại trừ làn sóng thanh lý tài sản thế chấp của ngân hàng sẽ xuất hiện, giúp thị trường bất động sản và thị trường nợ sôi động.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, nợ xấu tồn đọng trong nhiều năm qua - đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến có nhiều dự án bất động sản “trùm mền”, dở dang, riêng TPHCM đã có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Nghị quyết xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ giúp khai thông và làm sống lại những dự án này, từ đó giảm sự lãng phí trong đầu tư.

Còn với Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh việc giám sát, thúc đẩy tổ chức tín dụng xử lý nhanh nợ xấu, cũng phải hướng ngành ngân hàng giảm lãi suất để chia sẻ với doanh nghiệp, tích cực xử lý các cá nhân sai phạm, tăng niềm tin cho toàn xã hội.

Liên quan tới câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội là Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ có tác động thế nào tới lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Việc xử lý nợ xấu sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các tổ chức tín dụng.

"Qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay và tăng khả năng tiếp cận vốn của Ngân hàng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, cũng như qua đó đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền", ông Hưng nói.

Một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM mong rằng khi nợ xấu được giải quyết, lãi suất cho vay sẽ giảm do khoảng 10% dư nợ tín dụng đang nằm trong các khoản nợ xấu khiến NH phải tốn chi phí để trích lập dự phòng và tốn chi phí xử lý. Nay khơi thông được nợ xấu sẽ giúp dòng vốn không bị ứ đọng, từ đó kéo giảm chi phí vốn và giúp giảm lãi suất cho vay…

Chia sẻ với báo chí mới đây TS. Luật sư Bùi Quang Tín (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho rằng: Việc Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua, sẽ tạo thuận lợi cho các ngân hàng khi giải quyết nợ xấu, đặc biệt liên quan tới vấn đề tài sản bảo đảm, nhất là hơn 80% tài sản bảo đảm là bất động sản. Các cơ chế, quy định đưa ra trong Nghị quyết chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho vấn đề giải quyết nợ xấu, giúp cho cả ngân hàng và doanh nghiệp có được những bước phát triển bền vững hơn. Nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, không nên coi đây là “liều thuốc tiên” để giảm lãi suất, mà đây là yếu tố hỗ trợ cho cơ hội giảm lãi suất.

Anh Thư

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thong-tin-ktxh/xu-ly-cuc-mau-dong-no-xau-lai-suat-cho-vay-co-giam-678792.bld