Xử lý 'cục máu đông' 610.000 tỉ đồng nợ xấu

Hôm qua, sau phiên khai mạc kỳ họp thứ ba và nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 do Chính phủ trình bày, Quốc hội đã dành thời gian để bàn về việc giải quyết khoản nợ xấu khổng lồ đang đè nặng lên nền kinh tế. Đó là “cục máu đông” - nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc. Xử lý vấn đề này như thế nào?

Dự án Nhà máy methanol Phú Thọ gây món nợ 2.400 tỉ đồng. Ảnh: H.D

Gánh nặng nền kinh tế

Nói về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đánh giá: Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các phương án xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền.

Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trình bày nêu rõ: Về cơ bản, các quy định tại Nghị quyết nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: X.HẢI

Để xử lý hiệu quả nợ xấu

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết để xử lý nợ xấu hiệu quả, việc tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ là các điều kiện quan trọng nhất. Cụ thể, dự thảo quy định VAMC được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ; được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng và ngoài bảng; chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường; được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm; miễn các loại thuế, phí khi chuyển nhượng tài sản liên quan đến việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt; người được thi hành án là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC được miễn phí thi hành án dân sự khi thu hồi nợ.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31.12.2016. Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, chiếm 4,56%, chủ yếu các khoản nợ đã được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao Ngân hàng Nhà nước tiến hành các biện pháp cần thiết để hạ thấp và chỉ đạo các TCTD quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh): Xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi vì thị trường bất động sản đang ấm lên

Vấn đề về nợ xấu là vấn đề phát sinh trong nhiều năm rồi, từ khi suy thoái kinh tế và bong bóng thị trường bất động sản và thị trường tài chính từ năm 2008, lúc đó Chính phủ đã trình ra rất nhiều giải pháp, trong đó có Đề án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như là xử lý nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Và chúng ta đã giải quyết được 50% nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu hiện nay còn rất lớn, do đó chúng ta cần có những giải pháp triệt để hơn, đó là phải giải quyết thủ tục về hành chính trong việc xử lý tài sản thế chấp và “cầm cố”. Do đó chúng ta phải có Nghị quyết về xử lý nợ xấu và điều chỉnh một số luật có liên quan đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đặt trong bối cảnh hiện nay thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp nhiều thuận lợi vì thị trường bất động sản đang ấm lên và việc xử lý nợ xấu liên quan đến tài sản thế chấp “cầm cố” được thuận lợi hơn. Một điểm nữa, là cùng với việc ban hành Nghị quyết giải quyết nợ xấu, chúng ta cần ban hành Nghị quyết để điều chỉnh sửa đổi một số điều khoản trong Luật Các tổ chức tín dụng và như vậy chúng ta sẽ có giải pháp căn cơ hơn để giải quyết nợ xấu đã tồn tại đóng băng trong nhiều năm qua. Có như vậy chúng ta sẽ tạo lưu thông tiền tệ và khả năng cung ứng tín dụng của nền kinh tế sẽ rộng hơn và lãi suất sẽ rộng hơn như vậy sẽ giúp được doanh nghiệp giải bài toán về vốn.

4 năm xử lý được trên 610.000 tỉ đồng nợ xấu đã là rất gian nan

Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Vấn đề giải quyết nợ xấu và vấn đề xử lý đối với các dự án kém hiệu quả hiện nay đang được coi là nút thắt, đang được ví như là các cục máu đông của nền kinh tế là vấn đề rất quan trọng cần phải có biện pháp dứt điểm đối với các dự án này, để có thể khơi thông các nguồn vốn trong xã hội, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay trong thời gian tới và bảo đảm cho các ngân hàng hoạt động lành mạnh.

Chúng ta sẽ giải quyết theo hướng làm sao để các đơn vị sử dụng không có hiệu quả tài sản, nguồn lực của Nhà nước buộc phải nhường lại nguồn lực đó cho các thành phần kinh tế và các tổ chức khác sử dụng hiệu quả hơn”.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “4 năm xử lý được trên 610.000 tỉ đồng nợ xấu đã là rất gian nan”.

Ông Kiên cho rằng: “Trước hết, khi có con số 610.000 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý trong thời gian 4 năm vừa qua, trong đó 56% là do các tổ chức tín dụng tự xử lý, 44% là do thông qua các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước ở VAMC thì chúng ta thấy, nhận định của chúng ta ở năm 2012 về thực trạng nền kinh tế Việt Nam là rất chuẩn xác.

Đến thời điểm hiện nay, sau 4 năm chúng ta đã làm được rất nhiều việc mà vẫn phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu nghĩa là bối cảnh 4 năm trước khủng khiếp như thế nào. Và thành quả lớn nhất là giữ ổn định, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng, thành công rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng.

Bản báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày đã nhìn vào thực chất của nền kinh tế, chỉ thẳng các vấn đề tồn tại, khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới kinh tế vĩ mô, kéo theo chỉ số nợ công, bội chi ngân sách… đều tăng vọt lên. Năm 2016 nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội chưa giải quyết một cách rốt ráo nên đã để lại hệ lụy trong năm 2017.

Nhóm các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng mà Chính phủ đề ra trong báo cáo cho thấy, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn đầu tư công. Như vậy, những vấn đề như nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cả nền kinh tế cũng như xã hội. Vì thế, Chính phủ đã trình ra dự thảo Nghị quyết nợ xấu và dự thảo Luật Xử lý các tổ chức tín dụng.

Hy vọng bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, chúng ta sẽ có các giải pháp căn cơ về xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng để chúng ta có được hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi suất vay, làm cho nền kinh tế của ta có được sức cạnh tranh cao hơn và đó cũng chính là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp phát triển.

XUÂN QUANG - XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/xu-ly-cuc-mau-dong-610000-ti-dong-no-xau-667160.bld