Xử lý chất thải hạt nhân: Cứ nên "chờ xem sao"!

- Khoảng năm 2020, khi tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành thương mại, chúng ta đối mặt với vấn đề xử lí và quản lí chất thải hạt nhân ở quy mô lớn. Và vấn đề đó sẽ càng ngày càng to lớn hơn với sự phát triển tiếp theo của điện hạt nhân và công nghiệp sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng.

Xử lý chất thải hạt nhân như thế nào? Với chất thải hạt nhân, dĩ nhiên chúng ta không thể hành xử như cái cách mà một số “đại gia”, chủ các công ty lớn nhỏ ở ta hiện nay, thường làm là khoán gọn cho các tài xế xe tải, còn các nhà vận chuyển này thì đến đêm nhân lúc vắng người đem đổ trộm ở một nơi nào đó, có khi ngay trước cửa ra vào của các gia đình cư dân. Chất thải hạt nhân phải được xử lí theo các quy trình được nghiên cứu kĩ lưỡng, rồi được lưu giữ trong các kho thải xây dựng theo các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho những người đang sống và các thế hệ tương lai. Xử lí chất thải hạt nhân đại để là tìm cách thu nhỏ thể tích và cố định nhân phóng xạ trong các vật liệu thích hợp. Chẳng hạn quần áo bảo hộ, các loại giấy bị nhiễm xạ có thể được làm giảm thể tích bằng cách nén ép hoặc đốt trong lò chuyên dụng rồi thu các tro có nhân phóng xạ. Chất lỏng có chứa nhân phóng xạ có thể được cô đặc hoặc kết tủa thành bùn nhão. Tro, bùn có phóng xạ được trộn với xi măng rồi kết khối trong phương pháp xi măng hóa, trộn với nhựa đường trong phương pháp bitum hóa, hoặc nấu chảy với vật liệu tạo thủy tinh trong thủy tinh hóa. Nhờ các xử lí như vậy, nhân phóng xạ bị giam giữ cẩn thận trong khối xi măng, bitum hoặc thủy tinh, không phát tán làm ảnh hưởng đến môi trường. Trong cách làm này hình như các nhà hóa học đã ít nhiều bắt chước đức Như Lai giam giữ Tề thiên đại Thánh dưới chân Ngũ Hành Sơn vậy. Vẫn chưa hết. Các khối xi măng, bitum, thủy tinh lại được đặt vào trong các thùng kim loại rồi được lưu giữ lâu dài trong các kho chứa chất thải phóng xạ có hoạt độ thấp và trung bình. Các kho thải phải có độ an toàn chừng vài ba trăm năm, vì trong các nhân phóng xạ được giữ trong các kho này, hạt nhân có chu kì bán hủy dài nhất cũng chỉ chừng ba mươi năm. Nếu sau ba trăm năm, tức là khoảng mười lần chu kì bán hủy của chất phóng xạ này, mà kho bị lún nứt hay có sự cố gì thì các chất phát tán ra môi trường cũng không còn nguy hiểm nữa. Vì yêu cầu tương đối “thấp” như vậy mà các kho thải này có thể đặt ở những độ sâu từ vài chục cho đến hàng trăm mét so với mặt đất mà thôi. Chính vì thế mà kho chôn cất các chất thảI phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình còn hay được gọi là “kho thải đất nông”. Địa điểm an toàn trong vài ba trăm năm Địa điểm xây dựng một công trình có yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối trong vài ba trăm năm cũng phải được lựa chọn theo những tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt. Trước tiên là an toàn về địa chất. Các kho thải đất nông không thể xây dựng ở những nơi thường xảy ra động đất. Kho thải cũng không thể nằm trong vùng ngập lụt hoặc dễ bị xói mòn vì lũ quét, vì thế những vấn đề thủy văn cũng phải được điều tra và cân nhắc kĩ. Kho thải cũng không nên nằm quá gần các khu đông đúc dân cư. Những vùng đất có các tầng sét dày, nhất là sét bentonit, có thể là thuận lợi. Vì , nếu các nhân phóng xạ, do một sự cố không lường trước được, lọt ra khỏi kho thì cũng bị các lớp sét hấp phụ và giữ lại. Kho thải cũng cần đặt ở nơi thuận lợi cho vận tải … Vì vấn đề kho thải phóng xạ không còn là chuyện quá xa xôi, việc xây dựng ngay các tiêu chuẩn kĩ thuật cho địa điểm xây dựng kho thải đất nông, xác lập các quy định nghiêm ngặt liên quan đến xây dựng, vận hành và quản lí sau vận hành các kho thảI này là chuyện cần làm ngay, nhằm tránh mọi lúng túng và bất cập khi các nhà máy điện hạt nhân bắt đầu phát điện. Cách đây dăm năm, Viện NLNTVN đã tiến hành một đề tài nghiên cứu về địa điểm xây dựng kho thải đất nông đầu tiên ở Việt Nam. Chắc chắn là công việc mở đầu ấy còn phải được tiếp tục một cách tích cực trong thời gian tới. Cũng cần nói thêm rằng, khi một nhà máy điện hạt nhân có công suất 1000 MW làm việc, hàng năm có chừng 25 – 30 tấn nhiên liệu đã cháy cần phải thay thế bằng nhiên liệu mới. Các nhiên liệu đã cháy này chưa được coi là “chất thải”, vì nó có thể được tái chế. Nhiên liệu đã cháy chứa các nhân phóng xạ có hoạt độ cao lại có đời sống dài. Nếu nhiên liệu đã cháy không được tái chế, chúng sẽ phải được chôn giữ trong các kho thải nằm rất sâu trong lòng đất, có thời gian bền vững tới hàng vạn năm. Việc tìm ra địa điểm cũng như xây dựng các kho thải như vậy rất tốn kém. Nhân loại đang đứng trước sự phân vân, tái chế nhiên liệu đã cháy hay đem chôn thải trực tiếp. Năm 2002, người Mĩ đã quyết định xây dựng tại núi Yucca thuộc bang Nevada một kho chôn thải trực tiếp nhiên liệu đã cháy, sau khi đã lưu giữ trung gian các nhiên liệu này gần một nửa thế kỉ. Tuy nhiên, năm 2009 có nhiều ý kiến đòi xem xét lại dự án này. Năm 2006, Tổng thống Mĩ Bush đưa ra sáng kiến thành lập một Tổ chức Hợp tác Năng lượng hạt nhân Toàn cầu gọi tắt là GNEP (Global Nuclear Energy Partnership), ngoài mục đích ngăn cản các nước mới xây dựng điện hạt nhân tự phát triển các công nghệ nhạy cảm, liên quan với việc chế tạo vũ khí hạt nhân, còn có mục tiêu huy động sức mạnh quốc tế vào việc nghiên cứu các công nghệ điện hạt nhân mới, trong đó nhiên liệu có thể được tái chế đến mức lượng chất thải từ nhiên liệu đã cháy chỉ còn không đáng kể. Có vẻ như người Mĩ từ chỗ thiên về khuynh hướng chôn thải nhiên liệu đã cháy, phần nào đã chuyển sang khuynh hướng tái chế nhiên liệu hạt nhân. Còn chúng ta, trong vấn đề khó khăn này, có lẽ chính sách đúng đắn nhất sẽ là “chờ xem sao”. TS Đỗ Quý Sơn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/3724/201010/Xu-ly-chat-thai-hat-nhan-Cu-nen-cho-xem-sao-1775746/